Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết: "Hiểu về chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh" của PGS.TS. Nguyễn Anh Cường, ThS. Kiều Văn Nam và Trần Thị Ngân Hà in trong Kỷ yếu hội thảo Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy nhận dạng lý luận và những tác động chính trị, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, tr. 61-69.
Tóm tắt
Chủ nghĩa dân tộc cho đến nay vẫn là một khái niệm cần phải nghiên cứu và làm sáng tỏ. Vì thế, để hiểu khái niệm chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lại càng là một công việc cần phải làm. Để giải quyết mục tiêu trên, bài viết tập trung phân tích khái niệm chung về chủ nghĩa dân tộc trên góc độ ý thức hệ chính trị và góc độ ý thức hệ tư tưởng. Và dựa trên khái niệm đã được phân tích đó để thấy sâu sắc hơn những biểu hiện trong thực tiễn hoạt động sôi nổi của Hồ Chí Minh là một chủ nghĩa dân tộc mang giá trị đặc sắc Hồ Chí Minh.
Từ khóa:
Chủ nghĩa dân tộc, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa dân tộc
Chủ nghĩa dân tộc - “Nationalism” là một khái niệm có tính đa chiều, liên quan tới cộng đồng và tính dân tộc của mỗi người. Khái niệm này trong tiếng Anh đã có từ trước năm 1844, nhưng thuật ngữ “Nationalism” mới trở nên quan trọng vào thế kỷ XIX. [1] Trong học thuật, các hệ tư tưởng đương đại về chủ nghĩa dân tộc hầu hết được xây dựng từ những công trình nghiên cứu được xuất bản vào đầu thập niên 1980, mà ba đầu sách cùng xuất hiện năm 1983 của Ernest Gellner, Eric Hobsbawm và Benedict Anderson thường được trích dẫn nhiều nhất. Từ đó đến nay, có rất nhiều công trình công bố trong đó có hai tạp chí chuyên ngành nổi tiếng xuất bản từ 1995: Nations and Nationalism và Studies in Ethnicity and Nationalism.[2]
Chủ nghĩa dân tộc được xem xét như ý thức hệ chính trị. Đó là sự tự ý thức chính trị của mỗi người làm cho họ cảm thấy yêu đất nước của mình, có mối liên kết với những người khác trong cộng đồng và có sự phân biệt với các cộng đồng người khác. Ý thức hệ chính trị này tập trung vào việc giành và duy trì sự tự trị, có chủ quyền trên lãnh thổ là quốc gia của họ. Chủ nghĩa dân tộc hướng đến việc phát triển và duy trì bản sắc dân tộc dựa trên các đặc trưng chung của văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo và niềm tin về tổ tiên.[[3]] [[4]]
Chủ nghĩa dân tộc với tính cách là một hệ tư tưởng khi nó có khả năng phân biệt mức độ tốt hay xấu của các giá trị khác, nó tạo ra một nhận thức chung giữa các thành viên và định hướng cho hành động của họ, nó liên kết những người cùng theo và nó có khả năng phân biệt với những người có hệ tư tưởng khác. Chủ nghĩa dân tộc xem các quốc gia là định dạng chính trị của các cá nhân, từ đó nó duy trì lòng trung thành đến mức tuyệt đối của các cá nhân, nó mở rộng lòng yêu nước để tạo ra phương tiện chính trị cho quốc gia tự trị - tư tưởng quốc gia dân tộc.[5]
Có thể thấy, cho đến nay “chủ nghĩa dân tộc” vẫn là một khái niệm có nhiều cách tiếp cận với nhiều nhận thức và vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ. Là một trường hợp điển hình, Hồ Chí Minh trong thời đại của mình đã có những kiến giải hợp lý, hợp tình về chủ nghĩa dân tộc. Với những cống hiến to lớn, Hồ Chí Minh đã đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh
Ý thức dân tộc để hình thành chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam đã có từ rất sớm. Điều này được minh chứng rõ ràng qua mấy nghìn năm lịch sử, trong đó có hơn một nghìn năm bị đô hộ mà dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa. Được như vậy chính là vì người Việt Nam đã có ý thức về bản sắc về dân tộc, về quốc gia – dân tộc mình nên có ý thức chống lại sự đồng hóa ấy. Đó là ý thức của Lý Bí khi đặt tên nước là Vạn Xuân và tự xưng là Nam Đế (thế kỷ VI), là các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn với lòng tự tôn và ý thức dân tộc mạnh mẽ, được thể hiện qua các áng văn thơ bất hủ như “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, thế kỷ XI, hay “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi thế kỷ XV…
Đến thời đại Hồ Chí Minh, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đi tới chủ nghĩa cộng sản bắt đầu từ lòng yêu nước cùng với khát vọng giải phóng dân tộc. Giải phóng dân tộc là điều mà những nhà yêu nước tiêu biểu thời đó theo hệ tư tưởng phong kiến như Vua Hàm Nghi, Thượng thư đại thần Tôn Thất Thuyết, rồi những đại biểu theo hệ tư tưởng tư sản như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học… không thể làm được. Với nhãn quan chính trị độc lập, sáng suốt, Hồ Chí Minh không tán thành con đường cứu nước của các bậc tiền bối vì thấy ở đó có nhiều hạn chế căn bản, khó đi tới thành công. Vì thế Hồ Chí Minh đã quyết tâm ra nước ngoài (năm 1911) tìm kiếm con đường cứu nước mới nhằm giải phóng dân tộc. Suốt gần 10 năm bôn ba ở các nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Hồ Chí Minh đã nhận thấy chỉ có giai cấp tư sản là giàu có sung sướng, còn những người lao động đều bị bóc lột, thống trị cực khổ, “chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp lớn”. Trong thời gian ở Pháp Hồ Chí Minh đã đọc được bản Luận cương Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và giai cấp của V.I. Lênin[6], từ đó Người tin theo Lênin và trở thành người cộng sản vào tháng 12/1920. Hồ Chí Minh nhận thấy trong tư tưởng của Lênin chú trọng đến giải phóng dân tộc, giải phóng dân tộc nằm trong con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Đó là một cuộc cách mạng không ngừng đi từ thành công của cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới – do đảng cộng sản lãnh đạo để đi lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác- Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.”[7]
Mặc dù, vào đầu năm 1924, sau khi Lênin mất cho đến Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (1935), Quốc tế Cộng sản và nhiều đảng cộng sản quên việc ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Vì thế, tại Đại hội V (6/1924) của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của cách mạng ở thuộc địa: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa, còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song tôi thấy rằng, hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa…Vì vậy, muốn đánh bại các nước này, trước hết chúng ta phải tước thuộc địa của nó đi”[8].
Biểu hiện rõ ràng nhất cho khuynh hướng tả của Quốc tế Cộng sản là vào Đại hội VI (1928). Theo tinh thần của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, đã có những biểu hiện tả khuynh nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, chủ quan về đánh giá lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa, đánh giá sai tương quan lực lượng các giai cấp. Họ không chú trọng lắm đến lập mặt trận dân tộc thống nhất để không những đoàn kết, tập hợp công nông, mà còn tập hợp các giai cấp, tầng lớp khác chống chủ nghĩa đế quốc. Một sai lầm nghiêm trọng nữa của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản là cho rằng, các đảng Dân chủ Xã hội cùng toàn bộ Phong trào Xã hội dân chủ là “chỗ dựa chính của chủ nghĩa đế quốc trong việc thống trị giai cấp công nhân”, là kẻ tòng phạm, là “anh em sinh đôi” của chủ nghĩa phátxít. Họ say sưa hướng lực lượng cách mạng vào cuộc đấu tranh “giai cấp chống giai cấp”[9], chống giai cấp tư sản và chống cả lực lượng và trào lưu xã hội dân chủ. Đó là chưa kể một điều tệ hại nữa là Đại hội VI Quốc tế Cộng sản còn xác định nhiệm vụ chống cả các thế lực tôn giáo, cho vào một rọ/gắn liền với các nhiệm vụ chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến và tư sản bản xứ. Thật quá tả, hết sức quá tả. Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống lực lượng xã hội dân chủ. Chống tất. Chỉ độc có có công nông là cách mạng mà thôi. Như vậy, chẳng khác gì Đại hội VI đưa ra một thông điệp rằng, chỉ có những người cộng sản mới là tiến bộ, còn các lực lượng khác là phản tiến bộ[10].
Báo cáo tại Đại hội VI Quốc tế Cộng sản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã đưa ra quan điểm đánh giá về thái độ chính trị của các giai cấp một cách không đúng. Báo cáo này cho rằng:
(i) Giai cấp tư sản dân tộc một mặt có liên hệ với bọn đại địa chủ, mặt khác lại liên hệ với tư bản nước ngoài nên giai cấp tư sản dân tộc thuộc về phe phản cách mạng;
(ii) Giai cấp địa chủ, dù bất kỳ loại nào, nghĩa là từ đại địa chủ cho đến tiểu địa chủ, đều phải đánh đổ vì điều này phục tùng quan điểm xoá bỏ các quan hệ tiền tư bản;
(iii) Lực lượng trí thức và tiểu tư sản không phải là lực lượng liên minh với giai cấp vô sản vì họ là đại biểu kiên quyết nhất không những cho lợi ích riêng của giai cấp tiểu tư sản mà cả cho lợi ích của giai cấp tư sản, chỉ có một số ít thoát ly khỏi giai cấp họ, nhận thức được nhiệm vụ đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản và trở thành những người bảo vệ tích cực lợi ích giai cấp vô sản.
Đại hội VI Quốc tế Cộng sản đưa ra khẳng định rằng: “Không giải phóng quần chúng lao động khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc cải lương, thì không thể đạt được mục tiêu chiến lược cơ bản của phong trào cộng sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản: Vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản”[11].
Nghị quyết về Đông Dương của Quốc tế Cộng sản cuối năm 1929 triển khai một cách chặt chẽ, cụ thể nhất những quan điểm của Đại hội VI: Phải "tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ" (toàn bộ địa chủ); thái độ đối xử với giai cấp tư sản dân tộc là: "Giai cấp tư sản bản xứ, nói chung là yếu ớt, gắn liền với sở hữu ruộng đất…; mặt khác họ chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản Tàu cùng lập trường phản cách mạng của giai cấp đó. Một bộ phận của giai cấp tư sản hiện nay đã hợp tác với chủ nghĩa đế quốc Pháp. Một bộ phận khác đang tìm cách thoả hiệp với họ. Điều rõ ràng là giai cấp tư sản, trong toàn bộ của họ, không thể nào vượt quá giới hạn của chủ nghĩa quốc gia cải lương và với đà phát triển của cách mạng ruộng đất, nhất định họ sẽ nhảy qua hàng ngũ phản cách mạng. Tuy nhiên, điều đó không gạt bỏ khả năng là một vài tầng lớp của giai cấp tư sản có mưu đồ muốn đứng ra lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Nhưng mục đích của họ là nhằm phá hoại phong trào, phá hoại cách mạng. Chính yếu tố này sẽ quyết định lập trường của chúng ta đối với giai cấp tư sản"[12]. Có thể thấy, ngoài giai cấp công nhân và nông dân, Quốc tế Cộng sản đã coi tất cả các giai cấp, tầng lớp còn lại của xã hội thuộc địa – phong kiến ra khỏi các lực lượng cần tập hợp.
Nhưng, đối với Hồ Chí Minh, Người hiểu rõ dưới sự thống trị của Thực dân Pháp, từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã có sự biến đổi nhanh chóng cả về kinh tế, chính trị và xã hội với nhiều tầng lớp và giai cấp mới ra đời và đều có một nhu cầu bức thiết là đánh đổ ách xâm lược của Pháp. Vì thế, trên cơ sở chung là lòng yêu nước, Người tập hợp tất cả, đoàn kết với tất cả các giai cấp để tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Trong Cương lĩnh đầu năm 1930 được Hồ Chí Minh và những người trong Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua cho rằng: "Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được"[13]; "Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung"[14]. Toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là giai cấp phải đánh đổ, thì Cương lĩnh lại khẳng định: "Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa"[15]; "Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập"[16]. Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản chủ trương không được liên minh với họ, thì trong Cương lĩnh, lại chủ trương: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp"[17].
Sự biến đổi của các giai cấp cũ và xuất hiện các giai cấp mới ở Việt Nam là một đặc điểm quan trọng của Chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam thời kỳ này. Từ nhận thức đó, Hồ Chí Minh đã xem chủ nghĩa dân tộc là một động lực mạnh mẽ, khơi gợi và kích thích người Việt Nam kết hợp với sức mạnh thời đại – quốc tế để đưa đất nước “đi tới xã hội cộng sản”[18]. Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh gắn liền với chủ nghĩa cộng sản vì thế nó định hướng cho sự phát triển tiến bộ của xã hội. Đối với Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[19] và Người chủ trương: “chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[20]. Chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh là một xã hội mọi người dân đều có cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do; đất nước được hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung nổi bật và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh có tính giai cấp, có phân hạng các giai cấp nhưng điều đặc biệt ở Hồ Chí Minh là năng lực cảm nhận và tư duy thực chứng sâu sát đã giúp người hiểu sâu sắc thực tế các giai cấp ở Việt Nam. Với tư duy độc lập, tự chủ mà không giáo điều máy móc nên Người đã không rơi vào khuynh hướng tả của Quốc tế Cộng sản và những người cộng sản ở Đông Dương lúc bấy giờ. Hồ Chí Minh nhìn thấy ở các giai cấp là ý thức tự hào dân tộc để hội tụ họ đến với giai cấp vô sản nhằm cùng thực hiện lòng yêu nước để tiến tới xây dựng một quốc gia độc lập, tiến bộ. Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã bổ sung và làm giàu thêm cho chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa “bằng dân tộc học phương Đông”. Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
Từ thực tế cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh đã phát huy sức mạnh vô địch trong chiến đấu và chiến thắng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh chủ nghĩa cộng sản bao hàm cả chủ nghĩa yêu nước và vì thế nó có chủ nghĩa dân tộc ở đó.
Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh xa lạ với chủ nghĩa dân tộc sôvanh nước lớn và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Động lực của chủ nghĩa dân tộc là ở mối quan hệ cùng phát triển giữa các dân tộc. Điều này được Hồ Chí Minh rất chú trọng khi quan hệ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước ASEAN và nhiều quốc gia khác. Đối với Hồ Chí Minh, giúp nước bạn là tự giúp nước mình.
Kết luận
Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh là một khái niệm mà tự bản thân nó đã cho thấy tính độc lập, riêng mới và sáng tạo. Chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh có tính giai cấp nhưng không thủ tiêu giai cấp, và hơn cả là trong đó là sự nhấn mạnh vào bản sắc dân tộc với lòng yêu nước và chí khí tự lực, tự cường để tạo nên một động lực to lớn cho toàn thể quốc gia, dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đó không chỉ có ích đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn tiếp tục tỏa sáng trong thời kỳ hội nhập quốc tế của Việt Nam trong một xu thế mạnh mẽ của toàn cầu hóa và xuyên quốc gia hiện nay trên thế giới.
[1] Norman Rich (1970), The Age of Nationalism and Reform, 1850-1890.
[2] Lê Hải (2009), Chủ nghĩa dân tộc – Một tiến trình lịch sử văn hóa, http://www.tapchitalawas.org/pdf/talawas_tapchi_muathu09_LeHai.pdf
[3] Triandafyllidou, Anna (1998). “National identity and the other”. Ethnic and Racial Studies 21 (4): 593–612.
[4] Smith, A.D. (1981). The Ethnic Revival in the Modern World. Cambridge University Press.
[5] John T. Rourke (2007), International Politics on the World Stage, McGraw-Hill Companies.
[6] Bản Luận cương này được V.I. Lênin viết xong vào tháng 6, 7-1920, đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 11, ngày 14-7-1920; báo l'Humanité của Đảng Xã hội Pháp đăng vào tháng 7-1920 và được thảo luận tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến ngày 7-8-1920 ở Pêtơrôgrát (sau gọi là Lêningrát và nay gọi lại là Xanh Pêtécbua).
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.563.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.295.
[9] Xem L.Vátlin: Quốc tế Cộng sản, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[10] Điều này ảnh hưởng đến chỉ đạo tả khuynh của Xứ ủy Trung Kỳ trong cao trào cách mạng 1930-1931 khi Xứ ủy này ra Chỉ thị Thanh Đảng, với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”.
[11] Theo Điacốp Xớckin (1960), Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 63.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 420.
[13] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1.
[14] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.4.
[15] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.4.
[16] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.3.
[17] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.3.
[18] Cụm từ này được lấy trong Chánh cương vắn tắt, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, do Hồ Chí Minh chủ trì.
[19] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.64.
[20] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.292.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn