Bài viết "Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền ngoại giao văn hóa Việt Nam năm 1945-1946" của Nguyễn Thanh Tùng

Thứ năm - 23/12/2021 04:48
Khoa Khoa học chính trị trân trọng giới thiệu bài viết "Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền ngoại giao văn hóa Việt Nam năm 1945-1946" của Nguyễn Thanh Tùng in trong “Tạp chí Đối ngoại – Ban Đối ngoại Trung ương” ISSN 1859-2899, số 4/2018 (102)
Quốc tế sau năm 1945 nếu như có biết tới Việt Nam thì vẫn chỉ nghĩ về một vùng trên đất Đông Dương thuộc Pháp (mà trước đó là một đất nước quân chủ), và những người dân sống trên vùng đất đó “rất cần được khai hóa văn minh” như thế lực thực dân đã tuyên truyền với các nước phương Tây[1]. Do vậy, việc giúp và khiến quốc tế có một cái nhìn rõ và đúng đắn về Việt Nam là nhiệm vụ đặt ra cấp thiết cho nền ngoại giao văn hóa của nước ta lúc bấy giờ. Một dân tộc Việt Nam không cần phải khai khóa văn minh, một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, quý trọng dân chủ, cởi mở, chân thành, sẵn sàng hợp tác với các lực lượng tiến bộ trên thế giới nhưng luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập, thống nhất, tự do, hạnh phúc cho đất nước mìnhhình ảnh cần có càng sớm càng tốt trong mắt các chủ thể quốc tế. Để thực hiện được điều này, Hồ Chí Minh phải xây dựng thành công nền tảng cho ngoại giao văn hóa và chủ thể chuyển tải thông điệp ngoại giao văn hóa của Việt Nam.

1. Xây dựng nền tảng cho ngoại giao văn hóa
Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”[2]. Cái thực lực phục vụ cho ngoại giao văn hóa lúc bấy giờ lẽ dĩ nhiên là sức mạnh mềm - hạt nhân của mọi hoạt động ngoại giao văn hóa tích cực, tiến bộ, phù hợp với đặc điểm của Việt Nam tại thời điểm sau Cách mạng tháng Tám. Và dưới góc nhìn biện chứng, duy vật, nền ngoại giao văn hóa đó phải là sản phẩm và phải được đặt trong môi trường xã hội có nền tảng văn hóa – đạo đức tiên tiến, văn minh. Đặc biệt, dưới góc nhìn của phương Tây (cũng như nguyện vọng của Hồ Chí Minh và toàn dân tộc Việt Nam), môi trường xã hội đó cũng phải được đặt trên một nền chính trị đầy đủ pháp lý mà nhân loại thừa nhận, ngưỡng mộ, hướng tới.
Đối với việc xây dựng một nền văn hóa – đạo đức mới cho con người Việt Nam, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: Vấn đề cấp bách là “phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”[3]. Với nhu cầu xây dựng một nền ngoại giao văn hóa hiệu quả, việc xây dựng con người – xã hội Việt Nam theo những tiêu chí văn hóa - đạo đức trên là điều rất cấp bách. Bởi lẽ, mỗi cá thể sẽ tùy thuộc vào một nền văn hóa nào đó – nơi cá thể được nuôi dưỡng, giáo dục và bởi vậy mà “chất văn hóa” của cá thể này sẽ tham dự vào mọi hành vi giao tiếp – từ phản ứng, đánh giá... cho đến việc ra quyết định. Xét từ giác độ đó, văn hóa - ngay từ đầu đã là điều kiện, là dung môi của ngoại giao, bất chấp người ta có ý thức được đầy đủ điều đó hay không[4]! Hồ Chí Minh là một đại diện ngoại giao văn hóa lớn, song, mỗi người dân Việt Nam cũng đương nhiên là một đại diện ngoại giao văn hóa để hậu thuẫn, minh chứng cho những hành động tuyên truyền ngoại giao mà Hồ Chí Minh sẽ phải tiến hành đối với các chủ thể quốc tế khác lúc bấy giờ. Việc xây dựng một nền văn hóa – đạo đức mới, do vậy, là nhu cầu, nghĩa vụ, và trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một dân tộc, khi nhắc tới, là nhắc tới hình ảnh những con người dũng cảm, yêu nước, cần, kiệm, liêm, chính... thì không thể không thừa nhận rằng dân tộc đó có nguồn lực sức mạnh mềm – nguồn lực văn hóa (theo nghĩa tích cực) thật dồi dào, lớn lao. Nền văn hóa - đạo đức Việt Nam mới sau đó cũng nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu đáng kể[5].
Một nền chính trị đầy đủ pháp lý cũng là cơ sở quan trọng cho ngoại giao văn hóa. Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là điều kiện cần để đưa ra một tuyên bố ngoại giao về tính chính danh của nước Việt Nam, điều tiếp theo là việc xây dựng một cách dân chủ những cơ sở pháp lý hiện thực để chứng minh cho tính chính danh đó nhằm có được một vị thế bình đẳng trước các quốc gia khác trên bàn cờ chính trị khu vực và thế giới. Nếu Việt Nam tiến hành được Tổng tuyển cử, điều đó cho thấy bộ máy quyền lực cao nhất của quốc gia là do người dân thực sự xây dựng nên, đất nước này là của dân tộc Việt Nam, là một đất nước phải được thừa nhận là “dân chủ”. Hồ Chí Minh nói: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”[6]. Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự chống phá của rất nhiều thế lực đã diễn ra thắng lợi trong toàn quốc. Và rồi, sau đó, thắng lợi của kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự ra đời của một chính phủ mới do Quốc hội – đại diện hợp pháp của toàn thể nhân dân Việt Nam - thông qua là một bước tiến vững chắc cơ sở pháp lý vững chắc cho sự hiện diện của Việt Nam trên chính trường quốc tế. Và đến ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Quốc hội thông qua góp phần tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam có đầy đủ tư cách pháp lý trước quốc tế, là một nền dân chủ đang hướng đến những hoạt động hợp lý và hợp pháp. Cùng với đó, lực lượng an ninh cũng được xây dựng để duy trì trật tự trị an và lực lượng quốc phòng cũng được thành lập để minh chứng khả năng tự vệ của quốc gia. Đến cuối năm 1946, việc giấy bạc Việt Nam đã được nhân dân thừa nhận và được phát hành trong toàn quốc là minh chứng cho việc cơ sở pháp lý của Việt Nam đã hoàn thành. Việt Nam đã có đầy đủ những thành tố quan trọng của một nhà nước hiện đại, nền ngoại giao Việt Nam đã trở nên bình đẳng với các nước khác trên toàn thế giới. Việt Nam có quyền tự do đưa ra tiếng nói ngoại giao của mình với sự hậu thuẫn của nền chính trị hoàn toàn hợp pháp và hợp hiến.
Vậy là chỉ trong thời gian rất ngắn, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và sự nỗ lực của toàn thể nhân dân Việt Nam, nền tảng cho ngoại giao văn hóa đã được hình thành. Lẽ dĩ nhiên, vì thời gian quá cấp bách và những mối đe dọa tới độc lập tự do dân tộc quá rõ rệt, Hồ Chí Minh đã phải tiến hành song song hai việc: xây dựng nền tảng cho ngoại giao nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng; và đồng thời xây dựng chủ thể và cũng là phương tiện và cách thức chuyển tải thông điệp ngoại giao văn hóa.

2. Xây dựng chủ thể - đồng thời cũng là phương tiện và cách thức - chuyển tải thông điệp ngoại giao văn hóa:
Văn hóa, bên cạnh những sản phẩm vật chất – tinh thần mà con người tạo ra, nó còn nằm trong chính những con người hiện thực, đó là vật mang văn hóa sống động, rõ ràng và có sức chuyển tải mạnh mẽ nhất thông điệp văn hóa. Thông qua con người, có thể dễ dàng đọc được, có thể phủ nhận hoặc khẳng định nội dung văn hóa nào đó mà những sản phẩm văn hóa vật chất - tinh thần khác chưa chắc đã thể hiện được. Dưới hoàn cảnh đặc thù của một nước Việt Nam mới sau cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh ưu tiên tập trung xây dựng các chủ thể ngoại giao văn hóa (chứ chưa phải là những sản phẩm văn hóa vật chất) nhằm lan tỏa một cách nhanh nhất, hữu hiệu nhất thông điệp mà dân tộc Việt Nam muốn gửi tới cộng đồng thế giới.
Chính bởi “ngoại giao văn hoá có thể được thực hiện bởi khu vực công, khu vực tư nhân hoặc quần chúng nhân dân”[7], do đó, những chủ thể ngoại giao văn hóa lúc bấy giờ có thể chia thành:
2.1. Những chủ thể ngoại giao văn hóa chính thức nhân danh nhà nước Việt Nam có chủ quyền:
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong những chủ thể ngoại giao, trước hết phải kể đến chính bản thân Hồ Chí Minh – là một chủ thể chuyển tải thông điệp văn hóa nổi tiếng nhất và được ngưỡng mộ nhất, hiệu quả nhất. Quả thực, Hồ Chí Minh là một thông điệp văn hóa sống động, rõ ràng, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam. Trong suốt mùa hè ở Pháp năm 1946, Hồ Chí Minh đã tạo nên một hình ảnh không thể xóa nhòa gây ấn tượng mạnh với nhiều nhà báo Pháp và nước ngoài. Nhà nghiên cứu Stein Tonnesson đánh giá: “Hồ Chí Minh khiến người ta tôn thờ”[8]. Ý chí, nhân cách và phong cách của Hồ Chí Minh chính là thông điệp ngoại giao văn hóa vô cùng hữu hiệu. Hồ Chí Minh đã mang những thông điệp văn hóa như sau tới cộng đồng quốc tế:
Thứ nhất: Tuyên truyền về hình ảnh một nước Việt Nam mới, văn minh, xứng đáng độc lập. Thuộc địa Đông Dương cần khai hóa văn minh là hình ảnh đã từng thường trực trong tâm trí người phương Tây. Do vậy, trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao của mình, Hồ Chí Minh đã tỏ rõ cho các chủ thể phương Tây thấy rằng Việt Nam tuy rằng mới thoát thai ra khỏi chế độ cũ, song toàn thể dân tộc này đang nỗ lực tập trung xây dựng một tương lai mới tự mình độc lập và hướng tới một xã hội văn minh, tiến bộ, không cần bất kỳ thế lực nào dẫn dắt. Từ đó, quốc gia này có hai công việc cần phải làm là xây dựng cái mới và đấu tranh phá bỏ cái cũ. Đây là công cuộc khó khăn, song dân tộc Việt Nam đang từng bước hoàn thành. Người Việt Nam kiên quyết bảo vệ những thành quả đó bởi họ có lòng yêu nước, yêu tự do.
Thứ hai: Chia sẻ những giá trị văn hóa chung để kêu gọi sự đồng cảm, thấu hiểu với dân tộc Việt Nam. Đối với người Pháp, Hồ Chí Minh luôn viện dẫn những giá trị văn hóa mà người Pháp luôn tự hào là họ đã khai sinh ra, hoặc viện dẫn đến những giá trị mà người Pháp đã từng trải qua mất mát, khổ đau trong cuộc Thế chiến thứ II, nay mới giành lại được như độc lập, tự do, bình đẳng, dân chủ... Và đây cũng là những giá trị văn hóa – văn minh căn bản mà cả loài người hướng tới xây dựng, bảo vệ, trong đó có cả người Pháp và người Việt Nam. Do vậy, người Pháp nếu không muốn mất độc lập, tự do; đã từng chiến đấu giành độc lập, tự do thì cũng phải tôn trọng nhân dân Việt Nam, phải thừa nhận nhân dân Việt Nam có quyền hưởng độc lập, tự do. Những lập luận sắc bén này của Hồ Chí Minh đã khiến Tướng Alessandri thốt lên rằng: “Thái độ chung của ông là làm cho chúng ta lúng túng với những nguyên lý 89 (tức của Cách mạng pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái - LND) và nước Pháp Chiến đấu”[9]. Cũng trong thông điệp chia sẻ, đồng cảm, thấu hiếu này, Hồ Chí Minh khẳng định những xung đột đáng tiếc xảy ra ở Việt Nam không phải là từ ý nguyện của người dân Pháp tiến bộ, mà chẳng qua là từ một bộ phận người Pháp đầy tham vọng xấu xa và không/chưa thể thấu hiểu Việt Nam mà thôi[10]. Những chia sẻ đó của Hồ Chí Minh thấm đượm tinh thần khoan dung một cách lý trí, đã góp phần không nhỏ trong việc làm cho hình ảnh một dân tộc Việt Nam hòa bình, yêu nước, yêu tự do, độc lập được khẳng định và khắc sâu vào tư duy của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, một đối tượng quan trọng nữa mà Hồ Chí Minh hướng tới, đó là con người và cường quốc Trung Hoa. Đối với mối quan hệ này, Hồ Chí Minh kêu gọi sự chia sẻ những giá trị văn hóa chung do có sự tương thông về hoàn cảnh lịch sử. Việc gợi nhắc và kêu gọi chia sẻ những giá trị văn hóa chung này, sẽ giúp Việt Nam có được sự thấu hiểu, sự ủng hộ từ phía những người Trung Hoa đang có mặt, sinh sống tại Việt Nam, để từ đó góp phần tạo ảnh hưởng tích cực tới những lãnh đạo Trung Hoa có mối liên hệ tới nước ta lúc bấy giờ.
Thứ ba: Hình ảnh một nước Việt Nam cởi mở, chân thành, sẵn sàng hợp tác với các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Sau thế chiến thứ II, nhân loại mặc dù sắp bước sang cuộc chiến tranh Lạnh, song nhu cầu hợp tác phát triển cũng là một khuynh hướng lớn chi phối hoạt động của quan hệ quốc tế. Do vậy, hình ảnh một nước Việt Nam có khả năng hợp tác với các nước trên thế giới là một hình ảnh tiến bộ, văn minh, có sức lôi cuốn lớn đối với những chủ thể quốc tế tiến bộ. Bằng các hành động thực tế của mình, Hồ Chí Minh đã cho những chủ thể tiến bộ quốc tế thấy rõ rằng Việt Nam có khả năng gìn giữ môi trường hòa bình chung và hợp tác chân thành để cùng phát triển với bất cứ ai có nguyện vọng cộng tác với Việt Nam.
Những thông điệp trên đã được Hồ Chí Minh chuyển tải không những qua hình tượng của chính bản thân mình, mà còn thông qua những phương tiện truyền thông khác như báo chí, thư, đài phát thanh... tới các nguyên thủ quốc gia, tổ chức quốc tế, những quan chức nhà nước quan trọng và đặc biệt là nhân dân tiến bộ trên thế giới. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn chỉ đạo việc hình thành những chủ thể ngoại giao văn hóa nhân danh nhà nước có chủ quyền, góp phần tích cực vào công cuộc ngoại giao văn hóa lúc bấy giờ - đó là những đại diện của chính phủ Việt Nam có mặt ở Pháp; và những đại sứ ngoại giao không chính thức nhưng đóng góp vai trò vô cùng quan trọng là: nhân dân Việt Nam và những Việt kiều tại Pháp.
Những đại diện ngoại giao văn hóa của chính phủ Việt Nam
Đối với những đại diện ngoại giao của chính phủ Việt Nam qua Pháp thực hiện nhiệm vụ đàm phán tại Hội Nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh căn dặn: “...phái đoàn có ba việc cần phải làm là đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc”[11]. Tiếc rằng vì nhiều hạn chế về thời gian, không gian, phái đoàn chưa thực sự phát huy trọn hiệu quả ngoại giao văn hóa nhưng cũng để lại những hình ảnh văn hóa khá ấn tượng trước những người đối thoại tại Pháp lúc bấy giờ, đó là hình ảnh của những người Việt Nam lịch sự, yêu hòa bình nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.
2.2. Những chủ thể ngoại giao văn hóa không chính thức nhân danh nhà nước có chủ quyền:
Nhân dân Việt Nam (các đại sứ không chính thức)
Sau cách mạng tháng Tám, Archimedes L.A.Patti nhận xét rằng chỉ riêng “Hà Nội đã trở thành một cái gì giống như một trung tâm của những cuộc vận động quốc tế ngầm và bí ẩn”, “các nhà báo Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ và Liên Xô đua nhau kéo tới thành phố này”[12]. Chính vì vậy, những người dân Việt Nam lúc bấy giờ dù muốn hay không cũng tất yếu trở thành những đại sứ văn hóa (không chính thức), là một “vật mang văn hóa”, thường xuyên chuyển tải thông điệp tới những người nước ngoài có mặt tại Việt Nam.
Hồ Chí Minh căn dặn và chỉ rõ đồng bào cần hướng tới nền “ngoại giao thêm bạn bớt thù”, mà một trong những biểu hiện cụ thể đang nói đến ở đây là nền ngoại giao văn hóa. Do vậy, đồng bào phải có những thái độ ứng xử phù hợp để chứng minh hình ảnh một dân tộc văn minh, yêu nước, kỷ luật, yêu chuộng hòa bình, có khả năng hợp tác và phát triển với các lực lượng tiến bộ quốc tế. Bằng những lời lẽ giản dị, Hồ Chí Minh đã trực tiếp hướng dẫn nhân dân và gián tiếp chỉ đạo các cán bộ hướng dẫn nhân dân có những thái độ ứng xử hợp tình, hợp lý đối với các lực lượng nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam như Hoa kiều, quân đội Pháp, kiều dân Pháp... Hồ Chí Minh khẳng định việc người dân xây dựng thành công nền văn hóa – đạo đức mới và những động thái khoan dung, đúng mực nói trên cũng “tức là giúp ích cho ngoại giao”[13]. Hơn nữa, chính những kiều dân nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam “sẽ là những tuyên truyền viên rất đắc lực chống lại những vu cáo của bọn thực dân”[14]
Việc hướng dẫn người dân Việt Nam có lối sống, lối hành xử đúng đắn đã góp phần tạo thành một nền tảng sức mạnh mềm to lớn, hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam lúc đó.
Việt kiều (các đại sứ không chính thức)
Một chủ thể nữa mặc dù có mặt tại Việt Nam, nhưng lại đóng vai trò lớn trong công tác ngoại giao văn hóa là các Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Hồ Chí Minh đã nhận ra chủ thể ngoại giao văn hóa cũng rất quan trọng này, giải thích cho họ hiểu rõ về tình hình tổ quốc, và hướng dẫn họ có những hành động hợp lý để chính họ trở thành những đại sứ văn hóa góp phần tích cực vào công tác ngoại giao của Việt Nam[15]. Hồ Chí Minh chỉ rõ bằng chính tấm gương sống của mình, bằng chính những hành động đấu tranh vì quê hương đất nước của mình, kiều bào ở nước ngoài có thể góp phần không nhỏ cho hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam.
Như vậy, bất chấp những khó khăn, hiểm nguy mà đất nước Việt Nam non trẻ đang gặp phải, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt trận ngoại giao văn hóa với đông đảo các chủ thể văn hóa tham dự đã được hình thành, được đặt nền móng phát triển vững chắc góp phần to lớn vào sứ mệnh ngoại giao văn hóa nói riêng và ngoại giao đấu tranh giành độc lập tự do hạnh phúc cho dân tộc nói chung.

3. Một số thành tựu ngoại giao văn hóa đạt được qua những năm 1945-1946:
Mặc dù đến ngày 19/12/1946, đất nước ta lại bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại hòng cướp nước ta một lần nữa, song hoạt động ngoại giao văn hóa chỉ vỏn vẹn chưa đầy hai năm (tính từ sau Cách mạng Tháng Tám) đã đạt được những thành tựu không nhỏ.
Thứ nhất, xóa đi hình ảnh một dân tộc Việt Nam cần khai hóa văn minh, tạo lập hình ảnh một dân tộc Việt Nam xứng đáng được độc lập, tự do, hạnh phúc
Trong báo cáo về Việt Nam cuối tháng 8/1945, người đứng đầu phái bộ tiền trạm OSS đến Hà Nội là Archimedes L.A.Patti đã tuyên bố rằng: Việt Nam là một đất nước văn minh, chứ “không phải mọi rợ như vài người vẫn nghĩ”[16]. Cuối tháng 12/1945, phóng viên Mỹ Panlo Hop qua thăm Việt Nam cũng đã tuyên bố rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc văn minh như các dân tộc khác trên thế giới, rất xứng đáng được hoàn cầu công nhận độc lập[17]. Tại Pháp, bản Huấn thị ngày 10/12/1946 được các bộ trưởng của Pháp thông qua đã phải từ bỏ mà không nói gì đến “sự vĩ đại” hay sứ mệnh khai hóa của nước Pháp nữa[18]!
Điều đó thể hiện hình ảnh của dân tộc Việt Nam không cần phải khai hóa văn minh như những gì thực dân Pháp tuyên truyền trước đây. Nước Việt Nam là một quốc gia dân chủ, tiến bộ, xứng đáng sánh vai với những quốc gia khác trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử kiều bào “trông thấy lá quốc kỳ Việt Nam rực rỡ bay trong nước Pháp. Lại trông thấy Chính phủ Pháp tiếp rước Hồ Chủ tịch một cách rất long trọng, và nhân dân Pháp đối với Hồ Chủ tịch một cách rất thân mật, ai cũng nhận thấy rằng lần này là lần đầu, mà dân Việt Nam được mở mặt, mở mày với người ta”[19]. Đây là một hình ảnh đẹp, hiện đại, xứng đáng với công sức mà chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam tạo dựng.
Thứ hai, hình thành những chủ thể hiểu và ủng hộ nền độc lập tự do hạnh phúc của Việt Nam
Trong cuốn hồi ký Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, Sainteny kể lại: “Dưới mắt người Mỹ, chúng tôi là những kẻ gây rối, rất cứng đầu, muốn làm sống lại quá khứ thuộc địa mà Mỹ đang chống lại”[20].
Như vậy, một hình ảnh thực sự của Việt Nam đã hiện rõ trong mắt nhiều người nước ngoài. Từ đó tất yếu dẫn đến những phản ứng ủng hộ nhân dân Việt Nam và phản đối ý đồ thống trị của thực dân Pháp. Vốn luôn được tuân lệnh là phải trung lập về chính trị, song trong thư gửi tướng Robert Mc. Clure được viết ngay sau khi đến Hà Nội, Galllagher - chỉ huy USMAAG, cố vấn Mỹ được biệt phái tới đội quân của Lư Hán - viết: “Nói thật, tôi mong những người An Nam có thể được trao cho độc lập”. Galllagher cũng góp phần công nhận ngầm Chính phủ Lâm thời là Chính phủ hợp pháp của Việt Nam. Còn Phelan, điệp viên của AGAS ban đầu đã từng phản đối nhảy dù xuống căn cứ của Việt Minh, đã trở thành một người bạn, và vô tình, là người ủng hộ nền độc lập của Việt Nam[21]. Và còn rất nhiều người như vậy nữa ở cả Mỹ, Pháp, Ấn Độ... Theo nhà nghiên cứu Stein Tonnesson, cho đến năm 1946, thậm chí những siêu cường quốc như “Trung Quốc, Anh, Mỹ và Liên bang Xô viết muốn Pháp tỏ ra kiềm chế và hợp tác với Việt Nam”[22].
Quả thực, nền ngoại giao văn hóa sau Cách mạng Tháng Tám mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết lập và lãnh đạo đã đem lại nhiều kết quả rất đáng kể. Những kết quả đó góp phần to lớn vào việc phổ biến hình ảnh của Việt Nam tới thế giới, góp phần đắc lực cho những công tác đối ngoại khác và cũng tạo thành những tiền đề quan trọng cho Việt Nam đi tới đích chiến thắng trong cuộc kháng chiến sau này. Ngày nay, mặc dù công tác ngoại giao văn hóa đã có thêm nhiều phương tiện mới, những nội dung mới, những chủ thể mới và những mục tiêu mới. Song nền ngoại giao văn hóa Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng vẫn luôn là khuôn mẫu kinh điển, phù hợp với Việt Nam. Dân tộc Việt Nam cần tiếp tục giữ gìn, nghiên cứu và phát triển di sản này trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện một sức mạnh ngoại giao chinh phục trái tim và khối óc những con người tiến bộ trên thế giới.

In trong “Tạp chí Đối ngoại – Ban Đối ngoại Trung ương” ISSN 1859-2899
Số 4/2018 (102), tr. 37-41.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền ngoại giao văn hóa Việt Nam”
 

[1] Xem: Philippe Devillers, Paris – Saigon - Hanoi, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, 2003, tr. 32-34.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 147.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.  tr. 7.
[4] Phạm Thái Việt (chủ biên) (2012), Ngoại giao văn hóa – Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr. 68.
[5] Xem: Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb. Giáo dục, 2000, tr. 31-33.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 166.
[7] http://www.culturaldiplomacy.org/index.php?en_culturaldiplomacy
[8] Stein Tonnesson, Việt Nam 1946 – Chiến tranh bắt đầu như thế nào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 131, 70.
[9] Philippe Devillers, Paris – Saigon - Hanoi, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, 2003, tr. 116-117.
[10] Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.  536.
[11] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử (tập 3), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 171.
[12] Archimedes L.A.Patti, Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2008, tr. 577.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 273.
[14] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử (tập 3), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 112.
[15] Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 101.
[16] Dixee R.Bartholomew-Feis, OSS và Hồ Chí Minh – Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2007, tr. 357.
[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 151.
[18] Stein Tonnesson, Việt Nam 1946 – Chiến tranh bắt đầu như thế nào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.  296.
[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 421-422.
[20] Jean Sainteny, Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, Nxb. Công an nhân dân, 2004, Hà Nội, tr.171.
[21] Dixee R.Bartholomew-Feis, OSS và Hồ Chí Minh – Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2007, tr. 392, 391, 367-369.
[22] Stein Tonnesson, Việt Nam 1946 – Chiến tranh bắt đầu như thế nào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.  431.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây