Bài viết “Hành xử đối ngoại nhân quyền của một số tổng thống Mỹ” của PGS. TS. Nguyễn Anh Cường

Thứ năm - 11/10/2018 14:06
Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Hành xử đối ngoại nhân quyền của một số tổng thống Mỹ” của PGS. TS. Nguyễn Anh Cường, được đăng trên Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, số 4/2018, tr. 3-14.

     Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Hành xử đối ngoại nhân quyền của một số tổng thống Mỹ” của PGS. TS. Nguyễn Anh Cường, được đăng trên Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, số 4/2018, tr. 3-14.

 

 

     Tóm tắt: Việc tiếp tục có sự hiện diện của nhân quyền như một chủ đề chính sách có ảnh hưởng đến Chính quyền Mỹ có thể được giải thích bởi cả hai thể chế là các quyền con người và vị trí trung tâm của chúng đối với danh tính Mỹ. Điều này không có nghĩa rằng mỗi một chính quyền do tổng thống thành lập đều chấp nhận nhân quyền và phản ứng một cách phù hợp với mối quan tâm nhân quyền. Ngược lại, vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại Mỹ là một câu chuyện thường xuyên căng thẳng và nhiều phản kháng, với những giải thích và lại giải thích.

     Trước những xu hướng không hề biết trước trong chính sách đối ngoại nhân quyền của các Chính quyền Mỹ, bài viết này tìm hiểu bản chất của quá trình đầy biến động, cũng như khám phá cách thức chấp nhận và phản kháng đối với nhân quyền qua một số hành động chủ yếu của các tổng thống Mỹ có mối quan tâm tới nhân quyền một cách nổi bật.

     Từ khóa: đối ngoại nhân quyền, Hoa Kỳ, chính sách đối ngoại, quyền con người

     Toàn văn:

     Mối quan hệ giữa nhân quyền với chính sách đối ngoại Mỹ theo truyền thống đã được định hình trong những điều khoản về lợi ích quốc gia. Có người cho rằng, lợi ích quốc gia Mỹ ngày nay chắc chắn bao gồm việc Hoa Kỳ thúc đẩy quyền con người và cách tránh xa các chế độ vi phạm vấn đề nhân quyền.[1] Hoặc có người khẳng định rằng, lợi ích quốc gia trong chính sách đối ngoại Mỹ có thể được tương hỗ do "sự nhạy cảm với đạo đức", nó bao gồm việc chăm sóc cho những quyền cơ bản của con người.[2] Bất kể ai đó có định nghĩa lại về lợi ích quốc gia, hoặc cho rằng có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn nữa trong đạo đức ở Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ trong thực tế vẫn thường xuyên bày tỏ sự lo lắng về quyền con người khi hợp tác với một nước khác. Các nhà ngoại giao Mỹ khá thường xuyên viện dẫn quyền con người trong quan hệ với các nước khác tới mức mà, đối với một số khu vực, Hoa Kỳ đã hình thành đòi hỏi yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền nhất định.[3]

     Tổng thống James Earl Carter - cam kết nhân quyền nhiều hơn là thực hiện

     Trong thời gian từ năm 1977 đến năm 1980, việc theo đuổi một cách độc lập nhân quyền phổ quát thường được biết đến như là một đặc tính chính thức của Chính quyền Carter. Tổng thống Carter trong một lần tuyên bố "chúng tôi nên là một ngọn hải đăng cho các dân tộc tìm kiếm các quyền con người cơ bản".[4] Tổng thống sau đó kêu gọi Hoa Kỳ “thiết lập một tiêu chuẩn chung giữa cộng đồng các dân tộc, đó là lòng dũng cảm, lòng từ bi, tính toàn vẹn và sự cống hiến cho quyền con người cơ bản và quyền tự do”.[5] Trong bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống xác định “tình yêu tự do” như là “dòng máu chung” chảy qua tĩnh mạch của người Mỹ.[6]

     Tuy nhiên, chính sách nhân quyền của Carter hiếm khi thành công. Nhiều người tin rằng cam kết không có cơ sở của Carter đối với nhân quyền là một thủ đoạn chính trị. Mặc dù Carter đã ký hai hiệp ước quốc tế về nhân quyền (Hiệp ước quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị, và Hiệp ước Quốc tế về quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa) vào năm 1977, nhưng ông đã không sử dụng địa vị chính trị trung tâm của mình để thúc đẩy thông qua quá trình phê chuẩn các hiệp ước. Các nhà phê bình tin rằng đây là bằng chứng cho thấy đó chỉ là những cam kết hoa mỹ của Carter đối với quyền con người.[7]

     Việc áp dụng chính sách đối ngoại của Carter ở Trung Đông là ví dụ cho thấy rõ hơn điều này. Giống như cách mà các chính quyền trước đã làm, Tổng thống Carter giảm sự tập trung vào riêng hành vi bạo lực nhân quyền tại các quốc gia Trung Đông nhằm mục tiêu đảm bảo ổn định thị trường dầu thế giới. Những gì biết đến trong học thuyết Carter là khả năng sử dụng bất kỳ phương tiện cần thiết nào, bao gồm cả lực lượng vũ trang, nhằm đảm bảo chắc chắn cho Hoa Kỳ có được nguồn cung cấp dầu ở vùng Vịnh. Học thuyết Carter cho rằng, bất kỳ hành động tấn công nào của Nga vào vùng Trung Đông sẽ bị đẩy lùi, theo Tổng thống, đây là khu vực có lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ và nó chứa “dầu của chúng ta”.[8] Trong thực tế học thuyết Carter đánh dấu cho sự hiện diện thường trú của quân đội Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông, với cam kết giữ eo biển Hormuz mở rộng cho việc vận chuyển dầu và việc thiết lập Lực lượng Triển khai Nhanh nhằm đối phó với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào.[9] Thực hiện học thuyết này cũng liên quan tới việc Mỹ đưa máy bay truyền thông AWAC và máy bay phản lực chiến đấu F-15 bảo vệ chế độ quân chủ Ả Rập Saudi phi dân chủ bởi lo ngại việc mất quyền lực của nó sau thành công của cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979.[10] Sự kiện này mở ra một chế độ Hồi giáo được xem là rất ít nghiêng theo trật tự của Washington so với chế độ không qua bầu cử của vua Ba tư - Shah mà nó thay thế.

    Carter đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng con tin ở Iran, sự hiện diện quân sự lớn của Liên Xô tại Cuba, Liên Xô tiến vào Afghanistan, và sự thiếu hụt khí đốt. Sau những thất bại tại Iran, Afghanistan, Cuba và Nicaragua, chính sách nhân quyền của Chính quyền Carter đã suy giảm rõ ràng trong khi các lợi ích truyền thống của an ninh quốc gia lại bước vào giai đoạn chính. Những sự kiện này đã làm chương trình nghị sự về nhân quyền thay đổi theo hướng hiện thực truyền thống của quyền lực chính trị.

     Không chỉ ở Tổng thống, khoảng cách lớn giữa lời nói và việc làm cũng được thấy trong công chúng Mỹ. Công chúng Mỹ, cùng với tổng thống của mình, sẽ không hỗ trợ cho quyền con người khi phải mất chi phí cao. Người Mỹ hỗ trợ mạnh các khái niệm trừu tượng về quyền con người, nhưng họ đã không ủng hộ chính phủ của họ hành động. Theo Skidmore (1993), cuộc thăm dò năm 1978 cho thấy 67% người Mỹ và 78% các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ nên gây áp lực đối với chính phủ những nước vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống đối với công dân nước đó. Nhưng khi được hỏi liệu Chính phủ Mỹ có nên chống lại các quốc gia cụ thể vì điều kiện quyền con người của nước đó (ví dụ, Chính phủ Nam Phi với tệ phân biệt chủng tộc), thì đại đa số người Mỹ trả lời không đồng ý.[11]

     Những nỗ lực của Carter trong chính sách nhân quyền, mặc dù không phải luôn luôn thành công nhưng đã đặt tiền lệ cho các chính quyền sau đó không thể bỏ qua. Mục đích chính sách nhân quyền của Carter là tăng cường an ninh Hoa Kỳ trên thế giới bằng cách hỗ trợ quyền con người và quyền tự do cơ bản, giữ khoảng cách giữa Hoa Kỳ trước các chế độ lạm dụng quyền con người, và gia tăng ủng hộ các chế độ tự do và thân thiện.

     Tổng thống Bill Clinton - Lợi ích kinh tế át nhân quyền

    Đối với Chính quyền Clinton, cộng đồng kinh doanh là một khu vực bầu cử quan trọng mà không thể bỏ qua. Sự cương quyết ban đầu của Clinton về nhân quyền và nhân đạo - vấn đề trung tâm của chính sách đối ngoại nhanh chóng không trụ vững trước áp lực vận động hành lang của lợi ích kinh tế mà khuyến khích nhấn mạnh vào tự do hóa thương mại và thúc đẩy “kinh tế thị trường.” Điều này cho thấy tăng trưởng thương mại ở Mỹ có liên quan tới cải cách chính trị, vì thế Hoa Kỳ sẵn sàng tìm cách mở cửa thương mại với các quốc gia cho dù có sự vi phạm lớn về quyền con người.[12]

    Mặc dù Clinton vận động mạnh mẽ ủng hộ kết nối thực hiện Hiệp định thương mại với việc cải thiện nhân quyền, thì thành tích của ông vẫn nghèo nàn, đặc biệt khi so sánh với hai tổng thống tiền nhiệm. Một nghiên cứu năm 1999 về trợ giúp nước ngoài cho thấy, có sự cân nhắc vai trò của vấn đề nhân quyền trong việc xác định cho hay không cho một nhà nước nhận viện trợ quân sự dưới thời Chính quyền Reagan và Chính quyền Bush, nhưng điều này không thấy có trong thời Chính quyền Carter và Clinton. Sự ngoại lệ của Chính quyền Clinton ở chỗ nhân quyền là một yếu tố trong việc cấp viện trợ kinh tế, mặc dù nó giữ tầm quan trọng thứ cấp... Cân nhắc nhân quyền không là duy nhất cũng không phải là xem xét chính trong sự chỉ định viện trợ.[13]

    Để có mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với dân chủ, thương mại, và nhân quyền, Chính quyền Clinton cũng tái cấu trúc Cục những vấn đề Nhân quyền và Nhân đạo và chuyển nó thành Cục Dân chủ Nhân quyền và Lao động (DRL), đứng đầu là John Shattuck. Trong phiên điều trần trước Tiểu ban hoạt động ở nước ngoài của Quốc hội, Shattuck nói rằng "thúc đẩy nhân quyền và dân chủ là một trong những mục tiêu cơ bản trong chính sách đối ngoại của chúng ta, mục tiêu đó củng cố mục đích giữ gìn an ninh Mỹ và tăng cường sự thịnh vượng của chúng ta"[14].

     Các học giả về quyền con người và các nhà hoạt động cho rằng thành tích của Clinton là "hỗn hợp."[15] Clinton phải chấp nhận chi phí tài chính và chính trị lớn cho các nỗ lực nhân đạo như ở Haiti và Rwanda để có được một sự khởi đầu tích cực so với các chính quyền trước đây, cũng như để thể hiện một cam kết chưa từng có đối với chính sách đối ngoại dựa trên nhân quyền. Hình ảnh tích cực về nhân quyền của công chúng Mỹ đối với Clinton là ở trong sự quan tâm kinh tế, và trong sự mở rộng dân chủ. Và so với nghĩa vụ quốc tế là duy trì và hỗ trợ các quyền con người thì kinh tế và dân chủ được ưu tiên hơn.[16]

    Giống như Chính quyền Carter vào cuối thập niên 1970, Chính quyền Clinton cũng có kinh nghiệm trong phân tách nội bộ để vượt qua cuộc xung đột vốn có giữa lợi ích thương mại và nhân quyền. Các tổ chức kinh tế, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, và Hội đồng Kinh tế Quốc gia, ủng hộ tính ưu việt của mở rộng kinh tế. Nhưng các nhà điều hành Bộ Ngoại giao (đặc biệt là Christopher và Shattuck) và đại diện Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc (Madeleine Albright) ủng hộ cho chương trình nghị sự về quyền con người mạnh mẽ. Tuy nhiên, không giống như trong Chính quyền Carter, cuộc xung đột giữa tất cả các nhà hoạch định chính sách đối ngoại dưới thời Clinton đã không làm tê liệt việc ra quyết định cho chính sách đối ngoại. Thay vào đó, Clinton đã ban đặc ân cho những người ủng hộ mở rộng toàn cầu hóa kinh tế hơn cả những người ủng hộ nhân quyền.

    Là một Tổng thống với tuyên bố ủng hộ nhân quyền, và khuyến khích những người ủng hộ nhân quyền trong những năm đầu Clinton làm tổng thống, người ta có thể lạc quan rằng các tiêu chuẩn quốc tế công nhận quyền con người sẽ được thừa nhận và được tôn trọng trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Nhưng thực tế Clinton không bao giờ có bất kỳ sự ưu tiên nào cho nhân quyền khi ra quyết định trong chính sách đối ngoại của mình. Nhìn lại thì, Chính quyền Clinton chỉ hỗ trợ quyền con người khi Mỹ có được thứ khác tương thích, chủ yếu là kinh tế và lợi thế trong chính sách đối ngoại. Việc xem xét nhân quyền nhanh chóng bị bỏ rơi khi chúng xung đột với sự thúc đẩy kinh tế nhiều hơn, hoặc các vấn đề chính trị quan trọng. Clinton hy sinh nhân quyền cho lợi ích kinh tế của Mỹ. Đối với Clinton, chủ nghĩa tự do quốc tế trở thành chủ nghĩa tự do kinh tế.

     Kết quả tổng thể của sự bỏ bê (trong hành động chứ không phải trong lời nói) của chính quyền Clinton đối với quyền con người là sự gia tăng khổ đau và nghèo đói của nhiều nhóm dễ bị tổn thương trên khắp thế giới, thúc đẩy hội nhập thậm chí đẩy mạnh trật tự hội nhập kinh tế toàn cầu. Sự coi nhẹ nhân quyền của Clinton đã mở rộng nỗi lo âu của nhiều người trên thế giới mà "Lời nói đãi bôi" (lip service) của Hoa Kỳ trả cho nhân quyền là không thể nhiều hơn cách Mỹ nuôi dưỡng lợi ích kinh tế. Clinton hoang phí các cơ hội đánh giá lại và chuyển các nỗ lực quốc tế hướng tới việc thiết lập và bảo vệ nhân quyền. Việc Clinton cố ý không thúc đẩy nhân quyền trong chính sách đối ngoại Mỹ có lẽ là nghịch lý làm nản lòng tất cả nhất.[17]

     Tổng thống George W. Bush - Cuộc thập tự chinh nhân quyền ngoại trừ tai tiếng

     Sau ngày 11/9/2001, chính sách đối ngoại Hoa Kỳ nhanh chóng biến thành một cuộc thập tự chinh tư tưởng để bảo vệ và mở rộng giá trị Mỹ và cũng để ảnh hưởng đến các nước khác.

     Tuyên bố Liên bang trong cả hai năm 2002 và 2003, Tổng thống Bush đã đưa ra khái niệm "nhân phẩm" gần với "Giá trị Mỹ" như một thuật ngữ chính sách mới. Các nghĩa vụ "nhân phẩm", ông đưa ra trong bài phát biểu năm 2003, là cốt lõi của đặc điểm người Mỹ: "cờ Mỹ đại diện cho hơn cả sức mạnh và lợi ích của chúng ta. Những người lập quốc của chúng ta mở ra cho đất nước này giá trị nhân phẩm, quyền của mọi người, và khả năng cho mỗi cuộc đời. Nhận thức này dẫn dắt chúng ta biết đi cứu giúp những ưu phiền, bảo vệ hòa bình và làm thất bại các mưu đồ của kẻ ác."[18]

     Chính sách đối ngoại mới được Chính quyền Bush công bố với đặc điểm chủ đạo là "tôn trọng phẩm giá con người" như một nguyên lý hàng đầu của chính sách đối ngoại Mỹ,[19] nhưng thiếu vắng trong chính sách là sự công nhận đầy đủ các nguyên tắc bình đẳng, có giá trị, và công bằng giá trị. Điều này được thấy rõ trong cuộc chiến chống khủng bố, được bắt đầu như là một phản ứng đối với các sự kiện của ngày 11/9, và nó đã nhanh chóng trở thành một tình trạng lâu dài trên toàn cầu.

    "Chiến tranh chống khủng bố" của Tổng thống Bush và chính sách của chính quyền ông về quyền con người được biết đến với hai giả định. Trước tiên, chính quyền chấp nhận khái niệm "tự do có trật tự," có nghĩa là tự do và an ninh được bổ sung cho nhau.[20]  Thứ hai, chính quyền thừa nhận tính hợp pháp và đạo đức của học thuyết quyền ưu tiên trong can thiệp, nó cho phép Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ an ninh của người Mỹ bất cứ khi nào có "nguy hiểm hiện thực tiềm tàng." Trong bài phát biểu tại West Point năm 2002, Tổng thống Bush đã giải thích cách tiếp cận này, "nếu chúng ta chờ đợi cho mối đe dọa trở thành hiện thực hoàn toàn, chúng ta sẽ phải đợi quá lâu... chiến tranh chống khủng bố sẽ không thể chiến thắng với cách phòng thủ. Chúng ta phải đưa cuộc chiến tới kẻ thù, phá vỡ kế hoạch của chúng, và đối đầu với những mối đe dọa tồi tệ nhất trước khi chúng xuất hiện."[21]

     Hành động của Tổng thống Bush sau ngày 11/9 đi ngược lại nỗ lực mờ nhạt của ông trong việc triển khai lời tuyên bố hùng hồn về nhân quyền và quyền tự do cơ bản. Trong Tuyên bố Liên bang của Tổng thống George W. Bush năm 2002 ông cho rằng, "Mỹ sẽ lãnh đạo bằng cách bảo vệ tự do và tư pháp bởi vì chúng là sự thật, đúng đắn và không thay đổi đối với tất cả mọi người ở khắp mọi nơi... Mỹ sẽ luôn luôn đại diện vững chắc cho các nhu cầu không tranh cãi của phẩm giá con người: pháp quyền; hạn chế quyền lực của nhà nước; sự tôn trọng phụ nữ; sở hữu tư nhân; tự do ngôn luận; tư pháp bình đẳng; và khoan dung tôn giáo."[22]

    Như Mertus có lập luận, tổng thống sử dụng chiến lược mồi và roi (bait and switch strategy), bằng cách sử dụng ngôn ngữ nhân quyền để biện minh cho cuộc phiêu lưu chính sách đối ngoại của mình mà không có cam kết thực tế nào đến nhân quyền.[23] Đặc biệt là ở Iraq, khi vấn đề trở nên rõ ràng là không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nào được tìm thấy, chính quyền đã phải liên tục nhấn mạnh lại nỗ lực nhân đạo của mình và cố gắng khuyến khích tự do và quyền con người bằng việc giải phóng những người Iraq không may mắn.

     Chính quyền Bush, trực tiếp hoặc gián tiếp, cố ý hoặc vô ý, cho phép giữ bí mật các tù nhân, tra tấn hoặc hành hạ nhằm đạt được tin tức tình báo, và tước đoạt thực phẩm và các điều kiện vệ sinh vi phạm giá trị Mỹ, các quyền tự do cơ bản, các quyền cơ bản, luật pháp quốc tế, và những yêu cầu thiết yếu của con người. Trọng lượng của các bằng chứng, được đưa ra từ các bản ghi tiết lộ từ Bộ Tư pháp (ngày 1/8/2002), chỉ ra rằng Chính quyền Bush đã tra tấn, độc ác, vô nhân đạo, và ngăn cản chính sách trừng phạt của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Tuy nhiên, tại Văn phòng Bộ Tư pháp của Hội Luật sư vào ngày 1/8/2002, biên bản ghi nhớ kết luận rằng Hoa Kỳ có thể phát triển phòng thủ pháp lý cho việc sử dụng "thẩm vấn khắc nghiệt" những kẻ khủng bố bị nghi ngờ. Hơn nữa, phát hiện của Tổng thống Bush[24] rằng việc bảo vệ tù nhân được viết trong công ước Geneva không được áp dụng trong cuộc chiến tranh chống khủng bố nhằm đối xử ít nhân đạo hơn đối với tù nhân như so với trước đây và không áp dụng việc bảo vệ pháp lý của Chính quyền Mỹ đối với những binh sĩ nước ngoài bị bắt giữ trong thời gian xung đột. Bằng chứng khác cho thấy việc tra tấn đã trở thành chính sách nhà nước là một thực tế, đó là việc thiếu tướng George Miller được gửi từ Guantánamo tới Iraq để tăng cường thu thập thông tin tình báo từ các tù nhân. Tra tấn đã trở thành một phương pháp được chấp nhận để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi bị thiệt hại hơn nữa từ những kẻ khủng bố cuồng tín.

     Không chỉ tuyên bố rằng công ước Geneva là lỗi thời trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, mà còn cho rằng tổng thống là tổng tư lệnh không bị ràng buộc bởi các quy tắc của chiến tranh hoặc thậm chí bởi pháp luật Hoa Kỳ, và bằng cách đánh đồng các tù nhân, các chiến binh của đối phương là bất hợp pháp, Chính quyền Bush đã tạo ra một môi trường cho các binh sĩ và những người tra hỏi tin rằng họ ở bên ngoài pháp luật hoặc vượt ra ngoài các phép tắc của con người. Những hình ảnh kinh hoàng của hành vi sai trái và tàn bạo gây ra đối với các tù nhân ở Abu Ghraib tại Iraq đã cho thấy điều này. Điều đó đã được báo cáo rằng "các vi phạm diễn ra, những con ruồi đã lộ, trong một môi trường hỗn loạn và nguy hiểm thậm chí được thực hiện nhiều hơn, như vậy bởi áp lực liên tục từ Washington để nắm bắt tin tức tình báo từ các tù nhân"[25].

      Việc sử dụng nhà tù ở nước ngoài, việc đặt lại tên mới cho các tù nhân, việc giam giữ các tù nhân tại các địa điểm không được tiết lộ, và từ chối chấp nhận Hội chữ thập đỏ tới nhà tù đã cho phép Hoa Kỳ che giấu hoạt động bất hợp pháp và vô đạo đức đối với các tù nhân trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Chính phủ Hoa Kỳ tin rằng các xem xét tư pháp của các hoạt động đầu hàng rồi tái phạm (sự hồi hương mạnh mẽ) của những kẻ khủng bố sẽ "gây nguy hiểm cho tin tức tình báo, chính sách đối ngoại và lợi ích an ninh quốc gia Hoa Kỳ"[26].

     Tuy nhiên, bằng cách tập trung quyền lực chính quyền trong nhánh hành pháp, Chính quyền Bush có thể điều hành một cách tự do mà không có sự giám sát tư pháp, sự can thiệp của Quốc hội, hoặc sự giám sát của công chúng. Tự do ngôn luận, sự bất mãn, và kháng nghị hòa bình được cho là không ái quốc và nguy hiểm. Người Mỹ không giúp ích được gì cho chính tự do dân sự của mình, như một nhóm học giả và các nhà nghiên cứu đã cẩn thận chỉ ra trong tài liệu, có thể thoát được khỏi bị bắt giữ và bị bỏ tù.[27]

     Ganh đua với chủ nghĩa đơn phương cực đoan và sự ngoại trừ đã cho thấy phần nhiều đặc tính của Chính quyền Bush, ít nhất là trong nhiệm kỳ thứ hai, với sự lo lắng sâu sắc của Tổng thống Bush trong di sản của ông. Trong một chuyển động dường như 180 độ, vào tháng 3 năm 2009, Tổng thống Bush phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tránh chủ nghĩa đơn phương và kêu gọi thay vào đó "mọi thành viên của Liên Hợp Quốc tham gia vào sứ mệnh giải phóng."[28] Phát biểu này phù hợp với mối quan hệ mong manh của Chính quyền Bush với các thể chế và công cụ nhân quyền, tuy nhiên, Tổng thống Bush vẫn còn dùng thuật ngữ này một cách miễn cưỡng, thay vì thích "tự do."[29]

     Tổng thống Brack Obama - Nhân quyền phải chăng không phải là vấn đề lớn khi hợp tác?

     Obama quyết định để Hoa Kỳ trở thành thành viên đại diện tham gia tranh cử thành công vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc mới. Điều này đảo ngược chính sách dưới thời chính quyền Bush là tẩy chay tổ chức này.[30] Nhưng trái ngược với quyết định của Obama tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ông tẩy chay Durban II (2009), cuộc họp của Liên Hợp Quốc nhằm thiết kế việc chống lại phân biệt chủng tộc và bài ngoại, điều đó là tiếp theo bước chân của George W. Bush - đoàn đại biểu của Bush đã rời khỏi Durban I (được tổ chức vào năm 2001).[31]

    Chính quyền Obama hiếm khi khuyến khích các quốc gia khác tôn trọng nhân quyền, cho thấy rằng đây là một quyết định chính sách có tính toán kỹ lưỡng.[32]  Obama đã từ chối chỉ trích đồng minh của Mỹ ở Trung Đông vi phạm nguyên tắc dân chủ.[33] Ở Trung Á, ông đã do dự nâng cao mối quan tâm nhân quyền tại các quốc gia đàn áp là Turkmenistan và Uzbekistan vì tầm quan trọng chiến lược của họ trong việc cung cấp các đường vận chuyển quân sự vào Afghanistan và bắt nguồn từ sự tôn trọng chủ quyền của các quốc gia này mà Mỹ đã công khai.[34]  Ngoại trưởng Clinton đã yêu cầu báo cáo cấm vận của Hoa Kỳ chống lại chế độ độc tài quân sự Myanmar, và Chính quyền Obama xem xét việc giảm các biện pháp trừng phạt chống lại Sudan.[35] Khi Hugo Chavez tổ chức cuộc trưng cầu để bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống ở Venezuela, Chính phủ Hoa Kỳ thể hiện rõ nỗ lực nhằm công khai xác nhận quá trình này là dân chủ mặc dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã phá hỏng nặng nề nền dân chủ tại quốc gia Nam Mỹ này.[36] Chính quyền Obama đã không áp dụng bất kỳ áp lực nào đối với Chính phủ Nga để chấm dứt sự im lặng của các nhà lãnh đạo xã hội dân sự hoặc các vụ giết nhà báo và các nhà hoạt động chính trị.[37]

     Trong bài phát biểu tại Berlin vào tháng 7 năm 2008, Obama hỏi một cách hoa mỹ, "Có phải chúng ta sẽ ủng hộ cho quyền con người của những người bất đồng chính kiến ở Myanmar, các blogger ở Iran, hoặc cử tri ở Zimbabwe? Có phải chúng ta sẽ đưa ra ý nghĩa cho từ “không bao giờ làm lại” ở Darfur?"[38] Bài hùng biện này cho tới nay đều không thấy phù hợp với hành động cụ thể nào, mặc dù Chính quyền Obama chắc chắn xứng đáng để được đánh giá cao với lập trường mạnh mẽ về nhân quyền Hoa Kỳ. Điều dễ thấy là Obama muốn có khoảng cách trong chính sách của mình với các chính sách của người tiền nhiệm, tuy nhiên trong quá trình làm như vậy ông đã lao quá xa theo hướng đối diện, đó là coi việc vi phạm nhân quyền không trở thành vấn đề được chú ý trong hợp tác quốc tế lớn.

    Ví dụ quan trọng được tiết lộ cho thấy Chính quyền Obama có lẽ né tránh việc thúc đẩy nhân quyền ở Ai Cập và Iran. Khi những người Ai Cập gây ra những vấn đề trong sự kiện tại Tunisia thì Chính quyền Obama buộc phải tham gia nghiêm túc đối với các vấn đề dân chủ và nhân quyền ở đây. Tại Cairo, Obama nói: "... Tôi đã thể hiện rõ ràng rằng Mỹ không - và sẽ không bao giờ - chiến tranh với đạo hồi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ, không ngừng đối đầu với những kẻ bạo lực cực đoan, chúng đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của chúng ta - bởi vì chúng tôi cũng phản đối những điều mà người dân của các tín ngưỡng khác phản đối như: giết những người đàn ông vô tội, giết phụ nữ và trẻ em… Nhưng tôi có một niềm tin vững chắc rằng tất cả mọi người đều mong mỏi những điều cơ bản là: có thể nói lên quan điểm của mình và nói về cách bạn nên được quản lý thế nào; tự tin trong sự cai trị của pháp luật (pháp quyền - rule of law) và tư pháp bình đẳng với chính quyền; chính quyền minh bạch và không trục lợi người dân; tự do sống như bạn muốn. Điều đó không phải chỉ là ý tưởng của người Mỹ; mà chúng là quyền con người. Và đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ hỗ trợ nhân quyền ở khắp mọi nơi.”[39]

     Thành công trong việc gây áp lực quốc gia với chính quyền độc tài Tunisia, điều đó gây ra một hiệu ứng domino ở Ai Cập và hơn thế, nó ảnh hưởng đáng kể đến tình hình chính trị tại Yemen, Bahrain, Libya, và Syria. Logic tương tự liên quan đến chính sách của Mỹ đối với Tajikistan, nơi người Mỹ cần phục vụ hậu cần quân sự liên quan đến việc Afghanistan ngăn cản bất kỳ sự tập trung quan trọng nào của chính quyền Obama đối với tình trạng nghèo nàn về quyền con người và thiếu dân chủ đích thực ở đây.[40] Chính quyền Obama tương tự như vậy đã làm mềm mại vị trí của người Mỹ đối với Iran. Trong lời phát biểu được soạn trước để chuyển tới Cairo ngày 4 tháng 6 năm 2009, Obama thay mặt cho Hoa Kỳ đã xin lỗi đối với việc lật đổ Chính phủ Iran vào năm 1953 và ủng hộ quốc gia Hồi giáo như đã có trong Chiến tranh Lạnh.[41] Ngoài ra, Obama đã ca ngợi lịch sử và văn hóa Ba Tư (Persian), gửi nhiều thư cá nhân tới Ayatollah Khomeini, đề nghị đàm phán trực tiếp về vấn đề hạt nhân, từ bỏ các đe dọa của Chính quyền Bush và bãi bỏ sử dụng thuật ngữ "trục ma quỷ".[42] Tổng thống cũng đề cập đến Iran là một nước "Cộng hòa Hồi giáo Iran" trong một nỗ lực để thể hiện sự tôn trọng của người Mỹ đối với nhà nước Trung Đông này.[43]

     Đã có một số thay đổi tiến bộ so với George W. Bush, không chỉ trong vấn đề giảm lạm dụng các tù binh đối phương trong "chiến tranh" chống lại Al Qaeda, đồng minh và các nhánh của chúng, mà còn trong các vấn đề quan tâm lớn hơn là thường dân tại khu vực chiến tranh như Afghanistan. Chính sách của Chính quyền Obama không hoàn toàn khác so với hầu hết các chính quyền hiện đại khác, trừ sự ngoại lệ trong các điều khoản riêng của Reagan và George W. Bush.

     Chính sách của Obama không phải là một chính sách trong chủ nghĩa biệt lập (nó đòi hỏi không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác), cũng không phải là một trong chính sách của chủ nghĩa can thiệp (chính sách mà sẽ thúc đẩy sự thay đổi chế độ) - nhưng nó tập trung sắc bén và hạn chế các can thiệp cho mục tiêu cụ thể như: an ninh, hoặc bảo vệ quyền đối với cuộc sống.[44]

     Tuy nhiên không phải là đơn giản hóa vấn đề nhân quyền, mà nhân quyền được Chính quyền Obama hiểu một cách ôn hòa hơn. Chẳng hạn, chính quyền Obama tiếp tục thực hiện Đạo luật tự do tôn giáo quốc tế có từ năm 1998 để hạn chế những hành vi xâm phạm thô bạo quyền tự do tôn giáo và gọi những nước đó là những nước đặc biệt quan tâm (Countries of Particular Concern - CPCs). Cùng với các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các xã hội dân sự, Chính quyền Obama cũng đã làm việc để thông qua và thực hiện Nghị quyết 16/18 của Hội đồng Liên Hợp Quốc, vạch ra các hành động xây dựng để thúc đẩy sự tôn trọng đối với người dân của các tôn giáo khác nhau. Nghị quyết kêu gọi chính phủ các quốc gia sử dụng các phương pháp tiếp cận xã hội dân sự để bảo vệ công dân và quyền tự do biểu hiện của công dân trong khi tiếp tục thúc đẩy tôn trọng sự khác biệt tôn giáo. Cùng với thực thi chính sách ngoại giao, Chính phủ Obama sử dụng các chương trình để thúc đẩy tự do tôn giáo - nhân quyền. Điều quan trọng là Chính quyền Obama muốn cộng tác với các xã hội dân sự, và các chính phủ để giúp tự do tôn giáo, dân chủ, cũng như thịnh vượng cho toàn thế giới.

     Kết luận

     Những câu chuyện và những phân tích nổi bật về cách hành xử của bốn tổng thống Mỹ về vấn đề nhân quyền, gồm James Earl Carter 1977-1980, Bill Clinton 1992-2000, George W. Bush 2001-2008, và Barack Obama 2009-2016 đã cho thấy những giá trị cốt lõi của mỗi tổng thống với đặc trưng bản chất nhất về giá trị của quyền con người trong chính sách đối ngoại.

     Câu chuyện của James Earl Carter là ước vọng lớn về tính đại diện giá trị nhân quyền phổ quát cho toàn thế giới, nhưng phần lớn trong những giá trị đó cũng chỉ dừng lại ở những lời cam kết, còn khi thực thi thì thường thất bại.

    Tổng thống Bill Clinton gắn mở rộng nhân quyền trong chính sách đối ngoại với tăng cường an ninh và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế Clinton vẫn hướng tới kinh tế hơn là nhân quyền.

     George W. Bush nổi tiếng với cuộc thập tự chinh chống lại sai trái, độc ác được tiến hành sau ngày 11/9/2001. Nhưng đằng sau cuộc chiến đó là hành động tàn bạo liên quan tới việc xâm lược và tra tấn tù nhân vi phạm những giá trị về nhân quyền mà chính Mỹ đang theo đuổi.

    Tổng thống Obama thì thực dụng hơn vì rất hiếm khi ông khuyến khích các quốc gia khác cần phải tôn trọng nhân quyền theo giá trị Mỹ trong hợp tác quốc tế. Đây là cách hiểu ôn hòa về nhân quyền thời Obama.

     Tổng thống Mỹ nào cũng có những nghịch lý riêng của mình mà không thể giải quyết triệt để được. Với những biểu hiện cả trong nhận thức và hành động của các tổng thống là không giống nhau, nó tùy thuộc vào bối cảnh thời đại đó, nhưng điều tựu chung dễ thấy là vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Mỹ luôn gắn với lợi ích quốc gia của họ. Lợi ích quốc gia chính là giá trị cốt lõi để trên cơ sở đó vấn đề nhân quyền được bộc lộ và thực hiện, điều mà mỗi nước cần hiểu và luôn nhớ khi quan hệ với Hoa Kỳ.

PGS. TS. Nguyễn Anh Cường

(Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, ISSN 0868-3654, số 4/2018, tr. 3-14)

 

Chú thích

[1] Jack C. Donnelly, Universal Human Rights: In Theory and Practice, 2nd ed. (Ithaca, N.Y: Cornell University Press, 2003), 161.

[2] Belinda Cooper and Isabel Traugott, “Women’s Rights and Security in Central Asia,” World Policy Journal 20, no. 1 (2003): 59–67.

[3] L. Kathleen Roberts, “The United States and the World: Changing Approaches to Human Rights Diplomacy under the Bush Administration,” Berkeley Journalof International Law 21 (2003): 631.

[4] Jimmy Carter, quoted in Henry Kissinger, Does America Need a Foreign Policy? Toward a Diplomacy for the 21st Century, New York, Simon and Schuster, 2001, p. 250.

[5] Jimmy Carter, quoted in Rosemary Foot, ‘Credibility at stake: domestic supremacy in US human rights policy’, in Eugene Wittkopf and James McCormick (eds) The Domestic Sources of American Foreign Policy: Insights and Evidence, Lanham, MD, Rowman and Littlefield Publishers, 2004, p. 105.

[6] Jimmy Carter , Farewell Address, Washington, DC, January 14, 1981

[7] Hartmann, Hauke. 2001. US Human Rights Policy under Carter and Reagan, 1977–1981. Human Rights Quarterly 23 (2): 414

[8] Jimmy Carter quoted in Phyllis Bennis, Before and After: United States Foreign Policy and the War on Terrorism, Moreton-in-Marsh, Arris Books, 2003, p. 48 and Ambrose and Brinkley, Rise to Globalism, pp. 288-289.

[9] David Harvey, The new Imperialism, Oxford, Oxford University Press, 2003, p. 21.

[10] Bennis, Before and After, p. 48.

[11] Clair Apodaca, U.S. Human Rights Policy A Paradoxical Legacy, Routledge Talor & Rrancis Group, 2006.

[12] Dorsey, “Human Rights,” 4.

[13] Apodaca and Stohl, “Foreign Assistance,” 185; see also Forsythe, “Price of Principles,” 39–40.

[14] Shattuck, John. April 1, 1998. Human Rights and Democracy. Statement before the House Committee on Appropriations, Subcommittee on Foreign Operations. Washington, DC: House Committee on Appropriations, Subcommittee on Foreign Operations.

[15] Dorsey, “Human Rights,” 3.

[16] Julie A. Mertus, Bait and Switch Human Rights and U.S. Foreign Policy Second Edition, Routledge Taylor & Francis Group, 2008, pp 39-65.

[17] Clair Apodaca, Understanding U.S. Human Rights Policy A Paradoxical Legacy, Routledge Talor & Rrancis Group, 2006.

[18] George W. Bush, “President Bush Delivers State of the Union Address,” January 28, 2003, http://www.whitehouse.gov/news/releases/2003/01/print/2003 012819.html.

[19] White House, “National Security Strategy,” 1.

[20] See, e.g., David Luban, “Eight Fallacies about Liberty and Security,” in Richard Ashby Wilson, ed., Human Rights and the War on Terror (New York: Cambridge University Press, 2005), 242–57. For a chilling account of the actual and potential impact of efforts to strike a balance between freedom and security, see Matthew Brezezinski, Fortress America: On the Frontlines of Homeland Security (New York: Bantam Books, 2004).

[21] Bush, George W. February 2002b. Humane Treatment of al Qaeda and Taliban Detainees. www.washingtonpost.com/wpsrv/nation/documents/020702 bush.pdf (accessed April 14, 2006).

[22] Bush, George W. January 29, 2002. State of the Union Address. www.c-span.org/executive/transcript. asp?cat=current_event&code=bush_admin&year=2002 (accessed March 23, 2006).

[23] Mertus, Julie. 2004. Bait and Switch: Human Rights and U.S. Foreign Policy. New York: Routledge.

[24] Bush, George W. February 2002b. Humane Treatment of al Qaeda and Taliban Detainees. www.washingtonpost.com/wpsrv/nation/documents/020702 bush.pdf (accessed April 14, 2006).

[25] Pound, Edward, and Kit Roane. 2004. Hell on Earth. U.S. News & World Report 137 (2): 10–18.

[26] Human Rights Watch. 2002. Leading Liberian Journalist Re-arrested: Facing Possible “Terrorist” Charges. www.hrw.org/press/2002/07/liberia0704. htm (accessed December 10, 2004), p. 35.

[27] Brown, Cynthia. 2003. Lost Liberties: Ashcroft and the Assault on Personal Freedom. New York: New Press.

[28] President George Bush, “Addresses Before the United Nations General Assembly.” The United Nations Headquarters, New York, N.Y., September 25, 2007, http://www.whitehouse.gov/news/releases/2007/09/20070925-4.html.

[29] Mertus, Julie. 2008. Bait and Switch: Human Rights and U.S. Foreign Policy. New York: Routledge.

[30] Neil McFarquhar, U.S. Joins Rights Panel after a Vote at the U.N., N.Y. Times, 12 May 2009, available at http://www.nytimes.com/2009/05/13/world/13nations.html.

[31] Neil McFarquhar, Concerns Keep U.S. from Talks on Racism, N.Y. Times, 19 Apr. 2009, available at http://www.nytimes.com/2009/04/20/world/20nations.html.

[32] Joshua Muravchik, “The Abandonment of Democracy,” Commentary (July/August, 2009): 23.

[33] Kenneth Roth, “Empty Promises? Obama’s Hesitant Embrace of Human Rights,” Foreign Affairs 89, no. 2 (March/April 2010): 12.

[34] Kenneth Roth, “Empty Promises? Obama’s Hesitant Embrace of Human Rights,” Foreign Affairs 89, no. 2 (March/April 2010): 15.

[35] Andrew Moravcsik,“The Paradox of US Human Rights Policy,” in American Exceptionalism and Human Rights, ed. Michael Ignatieff (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2005), 23.

[36] Andrew Moravcsik,“The Paradox of US Human Rights Policy,” in American Exceptionalism and Human Rights, ed. Michael Ignatieff (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2005), 24.

[37] Kenneth Roth, “Empty Promises? Obama’s Hesitant Embrace of Human Rights,” Foreign Affairs 89, no. 2 (March/April 2010): 12.

[38] Barack Obama, “A World that Stands as One,” Berlin. July 24, 2008. http://www.gees.org/documentos/ Documen-03057.pdf (accessed on June 20, 2010).

[39] Obama, B. 2009d. “Remarks by the President on a New Beginning.” Available at http://www.whitehouse. gov/the_press_office/Remarks-by-the-President-at-Cairo-University-6-04-09/ (retrieved 10 January 2010).

[40] See Luke Harding, US Opens Route to Afghanistan through Russia’s Backyard, Guardian, 30 Mar. 2009, available at http://www.guardian.co.uk/world/2009/mar/30/afghanistan-tajikistan-obama-pakistan.

[41] Joshua Muravchik, “The Abandonment of Democracy,” Commentary (July/August, 2009): 24.

[42] Charles Lane, “Obama’s Year One: Medius,” World Affairs, January/February 2010. http://www. worldaffairsjournal.org/articles/2010-JanFeb/full-Lane-JF-2010.html (accessed on June 20, 2010).

[43] Erica Fosenfield, The Implications of Obama’s Foreign Policy for Domestic and International Human Rights, University of Denver, Josef Korbel School of International Studies, https://yonseijournal.files.wordpress.com/2012/08/obamac2a1c2afs-foreign-policy-and-international-human-rights.pdf.

[44] Amitai Etzioni, Obama’s Implicit Human Rights Doctrine, Published online: 28 April 2010, Springer Science + Business Media B.V.2010.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây