Bài viết “Tư tưởng phê phán Kitô giáo của Nietzsche” của TS. Đỗ Thị Ngọc Anh

Thứ tư - 10/10/2018 08:43
Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Tư tưởng phê phán Kitô giáo của Nietzsche” của TS. Đỗ Thị Ngọc Anh, được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Số 2 (197), năm 2017.

       Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Tư tưởng phê phán Kitô giáo của Nietzsche” của TS. Đỗ Thị Ngọc Anh, được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Số 2 (197), năm 2017.

 

 

Tóm tắt: Nietzsche là một nhà triết học vĩ đại. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng rộng rãi và sâu đậm trên thế giới, đặc biệt là ở Đức, Pháp và các nước Châu âu. Nietzsche sinh ra trong một gia đình có truyền thống thần học, có cha là một mục sư nên ngày nhỏ Nietzsche rất mộ đạo. Dần dần ông chuyển sang chống đạo Kitô một cách quyết liệt. Nietzsche đưa ra nhiều lý thuyết để lên án Chúa với những phạm trù trung tâm như phẫn hận, mặc cảm tội lỗi, lòng thương cái chết của Chúa… Phê phán Kitô giáo mạnh mẽ, nhưng ông lại xây dựng cho mình một tôn giáo mới, tôn giáo ở tư tưởng Siêu nhân, ở Lý tưởng trở về vĩnh cửu và ở lòng tin giải bầy trong Zarathoustra - đó là thứ tôn giáo không dối trá mà ông đã tìm khiếm khuây khỏa cho mình. Bài viết bước đầu đi vào tìm hiểu tư tưởng phê phán Kitô giáo của Nietzsche.

Từ khoá: Nietzsche, phê phán Kitô giáo, cái chết của Chúa, Zarathoustra.

Toàn văn:

  1. Vài nét về cuộc đời Nietzsche

      Friedrich Nietzsche là một nhà triết học lớn của thế giới. Ông để lại cho nhân loại một tài sản đồ sộ về nhiều lĩnh vực như triết học, âm nhạc, ngôn ngữ… Tuy nhiên có một điểm chung là, khi đề cập đến các tác phẩm của Nietzsche, nên coi đó như một thứ “nhật ký nội tâm” hay là “lời thú nhận thành khẩn và tha thiết của một tâm hồn mang tư chất hiếm có” (lời của nhà phê bình nổi tiếng Lichtenberger - giáo sư của Đại học Sorbonne - Pháp). Bởi thế, ở Nietzsche hơn bất cứ nhà tư tưởng nào, điều cần thiết là phải biết rõ cuộc đời ông trước khi đi vào nghiên cứu tư tưởng và các tác phẩm của ông.

     Friedrich Nietzsche sinh ngày 15 tháng 10 năm 1844 tại Roecken, tỉnh Turin, nơi chào đời trước đây của nhà thần học Luther, cha đẻ của phong trào cải cách. Turin có dân số nửa gốc Đức, nửa gốc Slave là trung tâm của tư tưởng tự do, tinh thần phê bình, đối lập với các tư tưởng bảo thủ.

     Bước ngoặt quan trọng nhất là năm Nietzsche 21 tuổi, khi ông mua được tác phẩm của Schopenhauer ở một hiệu sách cũ, khi đó ông đã đọc say sưa trong hai tuần, trừ vài giờ gục xuống ngủ.

    Do được sự tiến cử của Ritschl: “đây là một thiên tài”, Nietzsche được mời làm giáo sư giảng dạy môn ngữ học cổ điển tại một trường đại học ở Ba Lan. Sau một năm giảng dạy, ông được mời làm giáo sư thực thụ.

     Tháng 5 năm 1869, theo lời mời của gia chủ, Nietzsche đến thăm gia đình một nhạc sĩ tài hoa - ngài Wagner tuổi ngót lục tuần khi đó đang sống với người vợ trẻ đẹp và thông minh. Người phụ nữ cao quý ấy đã gợi nên trong trái tim Nietzsche một tình yêu nồng cháy nhưng câm nín, vô vọng. “Từ đây, khởi đầu một thiên tình sử cao đẹp nhất của thế kỷ XIX, thiên tình sử câm lặng và đau xót mà mãi đến ngày nay vẫn chưa một ai biết rõ”[1].

     Năm 26 tuổi ông bị bệnh, “Những cơn đau đầu như búa bổ, bao tử quặn thắt kinh hồn, làm nôn mửa liên miên có khi đến vài giờ, mắt nhức nhối không chịu nổi khi tiếp xúc với ánh sáng hơi chói..”[2], từ đó sức khỏe của ông ngày càng yếu dần và không phục hồi được nữa.

     Năm 32 tuổi, ông thôi công việc giảng dạy ở trường Đại học và bắt đầu đi chữa bệnh. Từ đây trở về sau, trong hơn mười năm liên tiếp, năm nào Nietzsche cũng cho ra đời một tác phẩm mới, mặc dù, “ông sống trong tình trạng ba phần tư là đau đớn, phần còn lại là kiệt lực”[3]. Bệnh hoạn mỗi ngày một nặng khiến ông không còn đọc được nữa. Chính bạn bè phải đọc, chép lại ghi chú và sửa chữa bản thảo cho ông. Bệnh tật và sự đau khổ trong tình yêu khiến ông thường xuyên thay đổi nơi ở mới để tìm quên lãng, thậm chí có lúc tuyệt vọng, ông đã có ý định tử tự.

      Sức khỏe của Nietzsche mỗi ngày một yếu hơn nhưng tác phẩm của ông thì ngày một nhiều hơn. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông ra đường và bị ngã, khi ông chứng kiến một con ngựa bị chủ đánh đập vào đầu rất tàn nhẫn, ông đã quỳ xuống ôm cổ con ngựa rồi ngất đi. Từ đó, ông sống trong cảnh tâm thần rối loạn, khi thì trầm cảm, khi thì điên loạn đập phá. Ông từ trần ngày 25 tháng 8 năm 1900, hưởng dương 56 tuổi.

  1. Một số tư tưởng cơ bản của Nietzsche về Kitô giáo

     Nietzsche “một tâm hồn lớn nhất mà nước Đức và cả Châu Âu đã sản sinh được từ sau Goethe đến nay”. Đó là lời của một trong những nhà văn nổi tiếng nhất ở Đức, ông Emil Ludwig.

      Giữa cuộc đời và sự nghiệp của Nietzsche có một tương quan vô cùng chặt chẽ. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, nên coi các tác phẩm của ông như một thứ nhật ký nội tâm vô cùng lôi cuốn, nó chứng tỏ sức mạnh tâm thần thật đáng khâm phục. Trong các tác phẩm của Nietzsche, “chưa bao giờ ngôn ngữ Đức lại được đưa dẫn đến một hình thức phô diễn diễm lệ đến thế”[4]. “Nó đã đạt đến một âm điệu trong suốt và thuần túy nhất”[5]. Tuy nhiên, để hiểu được tư tưởng của triết gia Nietzsche là một điều không dễ, bởi tư duy của ông siêu phàm đến mức vượt ra khỏi suy nghĩ của những người thông thường, nên đọc và hiểu được là một điều rất khó. Và, mặc dù vậy, tư tưởng của Nietzsche cũng hấp dẫn ngay cả khi khó hiểu và tính chất khó hiểu của nó.

      Ảnh hưởng của Nietzsche thật rộng rãi và sâu đậm. Trong lĩnh vực triết học, ông được coi là người theo chủ nghĩa vô thần khi ông gay gắt chống lại Kitô giáo. Ông có ảnh hưởng lớn đến triết học hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại, phân tâm học và nhiều tư tưởng theo sau đó.

2.1. Chuyển hướng từ một Kitô hữu sang chống đạo Kitô

     Dòng họ của Nietzsche đa số đều là những nhà thần học Tin Lành, “đó chính là môi trường kết hợp một nền văn hóa rộng rãi với một thứ luân lý khắt khe và một lòng tôn trọng các đức tin tôn giáo”[6]. Cha của Nietzsche là một mục sư. Ngay từ khi còn nhỏ, Nietzsche đã là một cậu bé thông minh và mộ đạo, được mọi người mệnh danh là “ông mục sư con”, rất có khả năng về làm thơ và sáng tác nhạc. Đến khi học đại học, Nietzsche vẫn giữ nguyên lòng tin như thời ấu thơ, nhưng càng ngày nỗi hoài nghi lớn càng lớn dần trong ông. “Ông không dứt bỏ đột ngột đạo Kitô như thể vài người Công giáo khác đột nhiên không tìm thấy trong tôn giáo của mình chân lý tuyệt đối mà họ đã tin theo. Bởi là người Tin lành, Nietzsche tự xét mình có quyền sáng tạo một niềm tin riêng tư, dựa trên căn bản tự do phê phán. Nhưng khi tinh thần phê phán càng mạnh mẽ, niềm tin càng yếu dần rồi mất hẳn”[7].

     Khi Nietzsche không tìm thấy trong tôn giáo của mình chân lý tuyệt đối mà ông đã tin theo, ông cho rằng, mình có quyền sáng tạo một niềm tin tôn giáo riêng tư, dựa trên sự tự do phê phán. Vì thế, Nietzsche gửi thư cho em gái bày tỏ: “Có hai con đường cho chúng ta: nếu em muốn hạnh phúc và tâm hồn an nghỉ, thì hãy tin; còn nếu em muốn suốt đời là kẻ theo đuổi chân lý thì hãy tìm kiếm”[8].

     Trong các tác phẩm của mình, Nietzsche thể hiện tư tưởng chống Kitô và chủ nghĩa thực nghiệm, ông mong muốn sẽ cải hóa con người và đưa họ tới cái nhìn rộng lớn hơn về vũ trụ bao la. Thái độ lên án đạo Kitô của Nietzsche được thể hiện một cách rõ ràng. Khi ông gặp Wagner, tác giả soạn vở nhạc kịch Parisifal (một vở kịch ca ngợi tôn giáo, ca ngợi đạo Kitô) thì ông đã kinh tởm chạy trốn, và nói với em gái rằng: “Anh chịu không nổi ở đây”. Nietzsche đã thể hiện quan điểm chống Kitô giáo một cách quyết liệt trong tác phẩm Ecce Homo (Đây là con người ấy) dưới nhan đề “Bình minh”, “Suy nghĩ về các thành kiến luân lý” (xuất bản năm 1881), và như chính ông thừa nhận, “với cuốn sách này tôi bắt đầu một trận chiến chống luân lý”[9].

      Xuyên suốt trong tư tưởng của Nietzsche, chúng ta có thể tìm thấy tinh thần tân giáo, tinh thần mà những nhà thần học trước ông đã cổ suý và cha mẹ ông khơi dậy, còn ông thì ra sức cự tuyệt. Trong bức thư gửi Rohde, ông tuyên bố sự thù hận đạo Thiên Chúa: “tôi chưa bao giờ cảm thấy mình đầy tinh thần Luther như vậy. Tôi ca ngợi cái không khí tốt lành và thuần khiết đó”[10].

      Trong tư tưởng của Nietzsche có tinh thần phê phán tự do của người tân giáo. Tuy nhiên, tinh thần phê phán của ông không phải theo lối tư duy phủ định sạch trơn như một số người, mà ngược lại, như chính ông đã từng nói trong bức thư gửi Peter Gast năm 1881: “dù đã đả phá đạo Kitô, tôi vẫn không quên rằng đời sống tinh thần của mình đã rút được ở đó nhiều kinh nghiệm quý giá. Tự thâm tâm tôi hy vọng chẳng bao giờ khó chịu khi đối mặt với nó”[11]. Và trên thực tế, ông vẫn rất yêu mến con người lý tưởng của Jesus.

     Ông đã dùng hiểu biết và trí tuệ của mình để khám phá thế giới đầy bí ẩn. Với tinh thần phê phán và luôn hướng đến sự tìm tòi, ông nhất quyết phá hủy những gì không phải là chân lý. Ông viết trong cuốn Ecco Homo: “tôi không phải là người, tôi là bộc phá”[12]. Vì vậy, người ta tìm thấy trong hệ thống tư tưởng của ông cùng một vấn đề, cùng một lý tưởng chỉ đạo, một khát vọng. Nietzsche luôn luôn đặt các vấn đề, các giá trị mà con người gắn chặt với hành động và tình cảm của mình, ông tuyên bố xét lại, phá đổ, đảo ngược các giá trị, ông thường xuyên phê phán các lý tưởng đạo đức và tôn giáo cổ truyền. Khi nói về vấn đề này, Nietzsche cho rằng “Kitô giáo trong tư cách giáo điều đã bị làm cho tàn lụi bởi chính nền luân lý của nó”, và “Kitô giáo với tư cách là nền luân lý cũng cần phải đi đến chỗ lụi tàn”[13].

2.2. Châm ngòi cho cuộc tấn công các linh mục Kitô

     Một trong những yếu tố không nhỏ tác động đến Nietzsche là đức tin. Sinh ra trong một gia đình Kitô giáo lâu đời nên niềm tin và lòng mộ đạo đã gắn bó với Nietzsche suốt thời thơ ấu. Nhưng khi lớn lên ông bắt đầu nghi ngờ sức mạnh của Chúa và đã phê phán Chúa. Điều này được ông thể hiện thông qua quan niệm về con người phẫn hậnmặc cảm tội lỗi.

    “Nếu chúng ta hỏi con người phẫn hận là gì, chúng ta không được quên nguyên tắc này: nó không tác động - trở lại nữa. Và từ “phẫn hận” cho một chỉ dẫn chính xác: phản ứng không còn bị tác động, thay vào đó, trở thành một cái gì được cảm nhận[14]. Như vậy, phẫn hận là một phản ứng vừa trở nên nhạy cảm vừa không còn bị tác động nữa. Nietzsche cho rằng cái tạo nên đặc trưng của con người là phẫn hận, đó là việc ý thức bị xâm chiếm bởi các dấu vết của trí nhớ, trí nhớ dâng lên ngập tràn ý thức. Nietzsche nhấn mạnh có những điều con người không thể nào quên được trong cuộc sống, tôi cho rằng điều ông muốn đề cập ở đây chính là cái mà chúng ta gọi là số phận và bổn phận của con người (còn Nietzsche gọi đó là phản ứng không còn bị tác động, thay vào đó, trở thành một cái gì được cảm nhận).

     Còn mặc cảm tội lỗinội tâm chính là mục tiêu của phẫn hận xét từ hai phương diện của nó: tước bỏ khỏi sức mạnh hoạt năng những điều kiện vật chất cho phép nó hoạt động; dứt khoát tách nó ra khỏi cái mà nó có thể. Nhưng sức mạnh hoạt năng là cái gì? Nietzsche cho rằng, dù là gì đi nữa, cái lý do khiến cho sức mạnh hoạt năng bị sai lệch, bị tước bỏ mất các điều kiện hoạt động, bị tách khỏi cái mà nó có thể, là: nó hướng vào trong, nó quay lại chống chính nó. Nội tâm hóa quay lại chống chính mình, đó là cách thức khiến cho sức mạnh hoạt năng thực sự trở thành phản ứng. Theo Nietzsche, “Tất cả mọi bản năng không có lối ra, một sức mạnh trấn áp nào đó ngăn không cho chúng bùng nổ ra ngoài, cúng hướng vào trong: đó là cái mà tôi gọi là sự nội tâm hóa của con người…Chính nó là nguồn gốc của mặc cảm tội lỗi”[15]. Quan niệm này của Nietzsche cũng thống nhất với quan niệm của các nhà mácxít khi nói về nguồn gốc tâm lý của tôn giáo.

     Nội tâm là một khái niệm phức tạp. Cái bị nội hiện, trước tiên, đó là sức mạnh hoạt năng; nhưng sức mạnh nội hiện trở thành yếu tố tạo ra nỗi đau, và nỗi đau được tạo ra càng dồi dào, nội tâm càng lan tỏa theo “chiều sâu, chiều rộng, chiều cao”, vực sâu càng thăm thẳm.

    Việc Nietzsche phát minh ra mặc cảm tội lỗi chính là ông đã tìm ra một ý nghĩa mới đối với sự đau khổ, một ý nghĩa nội tại. Ông cho rằng: “Niềm đam mê của những kẻ hoang dã nhất: người ta biến nỗi đau thành hậu quả của một sự sai lầm và thành phương tiện cứu rỗi; người ta chữa lành nỗi đau bằng cách tạo ra nhiều đau đớn hơn; bằng cách nội hiện nó hơn nữa; người ta tự huyễn hoặc, nghĩa là tự chữa lành cơn đau bằng cách làm nhiễm trùng vết thương[16]. Phát minh này của Nietzsche cho thấy con người phẫn hận đã tự huyễn hoặc mình để chống lại nỗi đau bằng niềm đam mê mặc cảm tội lỗi.

     Để nội hiện sức mạnh, nội hiện bản thân nỗi đau thì cần phải có sự can thiệp của tu sĩ và các linh mục. Chính linh mục là sự hóa thân của Kitô giáo. “Chỉ trong bàn tay của linh mục - người nghệ sĩ đích thực của cảm giác có tội - mà cảm giác này được bắt đầu hiển hiện”[17]. Theo ông, linh mục chính là người làm cho mặc cảm tội lỗi thoát khỏi trạng thái thô sơ của nó và là người chủ trì nỗi đau, người bóp méo chân lý. Vì thế, “ở đâu mà bản năng thần học mở rộng ảnh hưởng, thì những phán đoán giá trị bị dựng ngược đầu và những khái niệm “thật” và “giả” nhất thiết bị đảo ngược”[18].

    Trong một nghiên cứu về tư tưởng triết học của Nietzsche, Gilles Deleuze viết: “Chính ông ta, vị linh mục - thầy thuốc, người chữa lành cơn đau bằng cách làm nhiễm trùng vết thương. Chính ông ta, vị linh mục - nghệ sĩ, người đưa mặc cảm tội lỗi tới hình thái bậc cao của nó: nỗi đau, hậu quả của một tội lỗi. Nhưng ông ta đã tiến hành như thế nào? Nếu người ta muốn tóm tắt trong một công thức ngắn gọn, giá trị của cuộc đời linh mục, cần phải nói rằng: linh mục là người chuyển hướng phẫn hận”[19]. Ở đây, cả Gilles Deleuze và Nietzsche đều có đồng quan điểm với nhau trong việc chống Kitô giáo.

    Con người phẫn hận, với bản chất khổ đau đã luôn cố gắng tìm kiếm nguyên nhân cho nỗi đau của mình. Anh ta đã lên án tất cả những gì hiện hữu trong cuộc sống của anh ta, và linh mục đã xuất hiện như một vị cứu cánh, đứng ra chủ trì và tổ chức sự lên án. Trong con mắt của con người phẫn hận với chồng chất nỗi đau, linh mục là người hoàn hảo với tình yêu bao la sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu. Còn với Nietzsche, ông cho rằng linh mục là những con người độc ác, lừa dối: “Đúng vậy, con chiên của ta, phải có ai đó gây ra nỗi đau khổ của con, nhưng chính con là nguyên nhân của tất cả những điều này, bản thân con là nguyên nhân của chính con”[20]. Nietzsche đã phê phán sâu sắc các linh mục Kitô giáo. Một mặt, linh mục giữ vai trò là người đứng ra chủ trì sự lên án, đi tìm nguyên nhân nỗi đau của con người. Mặt khác, linh mục lại chuyển hướng cho rằng nỗi đau đó là do con người, hãy tìm kiếm trong mỗi chúng ta. Linh mục bịa ra khái niệm tội lỗi. “Tội lỗi là sự kiện lớn nhất trong lịch sử của những tâm hồn bệnh hoạn, cho đến tận ngày nay; nó trình diễn cho chúng ta trò quỷ thuật tai hại nhất của diễn giải tôn giáo”[21]. Ở đây nỗi đau chính là hậu quả của tội lỗi.

    Nietzsche cho rằng, một mặt Kitô giáo là kết quả của Do thái giáo, nó là sự tiếp tục và hoàn tất tiến trình. Nhưng mặt khác, Kitô giáo lại mang đến một thông điệp mới, “nó không bằng lòng với việc hoàn tất sự phẫn hận, nó chuyển hướng phẫn hận. Nó áp đặt sự phát minh mới mẻ này: mặc cảm tội lỗi. Thế nhưng kể cả ở đây, ta sẽ không tin rằng hướng mới này của phẫn hận trong mặc cảm tội lỗi sẽ đối lập với hướng ban đầu của nó. Ở đây vẫn chỉ là một sự cám dỗ. Phẫn hận nói “đó là lỗi của ngươi”, mặc cảm tội lỗi nói “đó là lỗi của tôi”. Nhưng đúng ra phẫn hận không nguôi dịu phần nào nó chưa lan tỏa sự lây nhiễm. Mục đích của nó là toàn bộ đời sống phải trở thành phản ứng, là những người khỏe mạnh phải mang bệnh. Với nó, lên án cũng chưa đủ, mà kẻ bị lên án cần phải cảm thấy có tội nữa. Thế là chính trong mặc cảm tội lỗi mà phẫn hận cho thấy điều nó mong muốn, và sức mạnh lây nhiễm của nó đạt tới đỉnh điểm: bằng cách làm chuyển hướng. Đó là lỗi của tôi, đó là lỗi của tôi, cho tới lúc toàn bộ thế giới lặp lại cái điệp khúc sầu não này, cho tới lúc tất cả những gì là hoạt năng trong đời sống làm phát triển chính cái cảm giác phạm tội này. Và không có những điều kiện khác cho quyền lực của linh mục: do bản tính của mình, linh mục là kẻ biến mình thành ông chủ của những người đau khổ”[22].

   Đó là cách lý giải của Nietzsche về bản chất cứu rỗi của đạo Chúa và sự truyền đạo của các linh mục. Như thế, theo Nietzsche, sự xuất hiện của Chúa không phải để giải thoát con người phẫn hận khỏi những nỗi đau khổ mà là sứ mệnh nhân nỗi đau khổ ấy ra toàn thế giới. Ở đây, chúng ta có thể hiểu được logic của Nietzsche khi ông nói về Kitô giáo và đề cập tới hai khía cạnh của mặc cảm tội lỗi: Một là tăng sinh nỗi đau do nội hiện sức mạnh; hai là nội hiện nỗi đau bằng cách chuyển hướng phẫn hận. Giữa mặc cảm tội lỗi và phẫn hận có tính song song với nhau và điều này được Nietzsche đặc biệt nhấn mạnh.

2.3. Quan niệm về lòng thương và cái chết của Chúa trong tác phẩm “Zarathoustra đã nói như thế

    Nietzsche cho rằng Chúa đã chết, nhưng ông ta chết vì cái gì? “ông ta chết vì lòng thương”. Theo Nietzsche, lòng thương luôn dùng để chỉ phức cảm của ý chí hư vô và của các sức mạnh phản ứng, dùng để chỉ ái lực giữa chúng, chỉ việc chúng phải chịu đựng lẫn nhau. Nietzsche nói: “Lòng thương, đó là sự thực hành của chủ nghĩa hư vô. Lòng thương khiến người ta tin vào hư vô. Người ta không nói là hư vô, trái lại, ở vị trí của thế giới bên kia, người ta đặt vào đó hoặc là Chúa, hoặc là cuộc sống đích thực, hoặc là Niết bàn, hoặc là sự giải thoát, hoặc là hạnh phúc tuyệt đối. Cái kiểu tu từ học ngây thơ này thuộc phạm vi phản ứng tự vệ của tôn giáo và luân lý, nó có vẻ ít ngây thơ hơn khi chúng ta hiểu cái xu hướng phô trương trong cái vỏ ngôn từ cao quý ở đây là gì: là mối thù ghét cuộc sống”[23].

   Ở đây Nietzsche phê phán lòng thương của Chúa dành cho con người khi ông ấy khiến con người trở nên thù ghét và chối bỏ cuộc sống hiện tại, tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu ở thế giới hư vô. Quan điểm này của Nietzsche thể hiện rõ ông là một nhà triết học vô thần theo khuynh hướng hiện sinh, không ảo tưởng.

   Chính con người phản ứng đã giết chết Chúa vì nó không chịu được lòng thương của ông ta nữa, nó muốn tồn tại một mình với chiến thắng của nó, bằng sức mạnh duy nhất của nó. Nó tự đặt mình vào vị trí của Chúa: nó không còn biết đến các giá trị cao siêu hơn đời sống, mà chỉ biết đến một đời sống phản ứng và hài lòng với đời sống này. “Các vũ khí mà Chúa đưa cho nó, phẫn hận, thậm chí cả mặc cảm tội lỗi, tất cả các phương diện chiến thắng của nó, nó sử dụng chúng để quay lại chống Chúa, nó đối lập chúng với Chúa. Phẫn hận trở thành vô thần, nhưng chủ nghĩa vô thần này vẫn còn là phẫn hận, luôn luôn là phẫn hận, luôn luôn là mặc cảm tội lỗi”[24].

    Con người phản ứng là kẻ giết Chúa. Bởi theo như Nietzsche, thà không hề có Chúa, thà tự mình quyết định số phận của mình, thà phát điên, thà tự trở thành Chúa, thà không có các giá trị nào còn hơn là có các giá trị cao siêu, thà không có một ý chí nào, thà là sự hư vô của ý chí, còn hơn là một ý chí hư vô. Quan điểm này của Nietzsche cho thấy ông đã lên án gay gắt Kitô giáo đến nhường nào. Nietzsche đã phủ định vai trò của Chúa trong việc cứu rỗi cuộc sống của con người. Thay vì cầu cứu Chúa, Nietzsche cho rằng hãy tự mình quyết định cuộc sống cho mình. Đức tin mà tôn giáo mang lại không thể xóa hết đau khổ và xoa dịu những bất hạnh của loài người. Quan điểm này của Nietzsche cho thấy ông là người của chủ nghĩa vô thần, thống nhất với quan điểm của các nhà mácxit.

    Cũng giống Ludwig Feuer Bach (1804- 1872), Nietzsche cho rằng Chúa chẳng qua là sản phẩm do con người tưởng tượng ra và cũng có những đặc tính giống như con người. Vì vậy, khi miêu tả cái chết của Chúa, theo Nietzsche, Chúa chết vì do già nua và kiệt sức; do hậu quả của một hành vi tội lỗi; do mệt mỏi vì mong muốn “cuối cùng một ngày Chúa dập tắt lòng thương quá bao la của mình”… Nhưng dù cái chết đó có do nguyên nào đi chăng nữa, thì xét đến cùng kẻ giết Chúa vẫn là con người phản ứng. Nó muốn phá vỡ đức tin truyền thống của con người, thay thế các giá trị hữu hình bằng những giá trị vô hình hư ảo. Theo Nietzsche, “khi người ta không đặt trọng tâm của đời sống trong đời sống, mà đặt nó trong thế giới bên kia, trong hư vô, thì người ta đã tước bỏ khỏi đời sống trọng tâm của nó”[25]. Quan điểm này Nietzsche chứng tỏ ông là một nhà triết học hiện sinh, chống lại quan điểm của chủ nghĩa duy tâm mù quáng.

    Với ý nghĩa đó, Nietzsche cho rằng, ý niệm đời sau hay thế giới bên kia cũng chỉ được tạo nên để làm giảm giá trị của thế giới hiện hữu duy nhất này, để ta không còn bảo vệ cho trần gian đích thực của mình một mục đích, một lý lẽ, một nhiệm vụ nào. Ông còn đi xa hơn trong việc phê phán Chúa khi cho rằng, ý niệm hay linh hồn bất tử chẳng qua đó cũng là cái được tạo ra để khinh bỉ thân xác. Từ đó Nietzsche kêu gọi con người hãy tránh xa Chúa và sống trung thực với thế giới trần gian, với chính đức hạnh của mình: “Đừng bao giờ để đức hạnh mình bay vù lên sự vật trên trời, đập cánh vào những bức tường vĩnh cửu… Vâng, hãy mang nó về thân xác, về cuộc đời để nó đem đến cho trần gian một ý nghĩa, ý nghĩa con người”[26].

    Như vậy, lý thuyết của Nietzsche về cuộc đời, về ý nghĩa cuộc đời cho thấy đó không phải là lý thuyết của hạnh phúc nhưng nó mang đến hạnh phúc và hướng con người tìm kiếm hạnh phúc ở trần gian.

    Phê phán Kitô giáo mạnh mẽ, nhưng ông lại xây dựng cho mình một tôn giáo mới, tôn giáo ở tư tưởng Siêu nhân, ở Lý tưởng trở về vĩnh cửu và ở lòng tin giải bầy trong Zarathoustra - đó là thứ tôn giáo không dối trá mà ông đã tìm khiếm khuây khỏa cho mình.

   Zarathoustra là tên của một nhà tiên tri Ba Tư, được Nietzsche sử dụng làm nhân vật chính cho tác phẩm vĩ đại của ông - trường thi Zarathoustra đã nói như thế. Trong bức thư gửi nhà xuất bản, Nietzsche đã nói về tác phẩm của mình rằng, “đây là một bài thơ, một cuốn Phúc âm thứ năm, một điều mới lạ tuyệt vời”[27]. Tên tác phẩm Zarathoustra đã nói như thế được Nietzsche cảm ứng từ lời mở đầu những kinh điển Phật giáo (evan me sutam – có nghĩa là Tôi (đức Thế Tôn thuyết) đã nói như thế). Nietzsche chịu ảnh hưởng Phật giáo từ Schopenhauer (một triết gia bi quan chủ nghĩa say mê nghiên cứu triết lý phương Đông) và qua việc ông tự tìm hiểu. Quan niệm của Schopenhauer về sự tồn tại mãi mãi của ý chí nguyên thuỷ và một khi hiện tượng người (tức một con người cụ thể - ĐTNA) chết đi thì ý chí đó tìm cách thể hiện mình trong một bản thể khác rất gần với thuyết luân hồi của đạo Phật. Môn đệ của ông, Nietzsche, tuy không nhấn mạnh đến ý chí nguyên thuỷ như ông nhưng khẳng định cội nguồn của vạn vật là ở ý chí vươn tới sức mạnh, tới quyền lực và cái mãi mãi được bảo tồn trong đại dương sự sống là sức mạnh nguyên thuỷ và tất cả đều quy hồi vô lượng trong vòng quay của tồn tại.

   Trong một công trình đăng trên Tạp chí Triết học Châu Á[28], R.G.Morrison đã chỉ ra và phân tích những điểm tương đồng giữa Nietzsche và Phật giáo, đó là khi con người được coi là trung tâm trong vũ trụ vô thần mà chẳng có bất kỳ quyền lực và sự tồn tại nào bên ngoài thế giới hiện thực.

    Tác giả Quang Chiến khi tán đồng quan điểm của Morrison khi bàn về sự tương đồng giữa tư tưởng của Nietzsche và đạo Phật trong cuốn sách “Chân dung triết gia Đức” cũng đã viết:

   “Cả hai đều coi con người như một dòng chảy không ngừng biến đổi của nhiều áp lực tâm lý, và dòng chảy đó không có chủ thể tự trị hoặc bất biến. Cả hai đều nhấn mạnh sự phân cấp tồn tại hoặc có thể tồn tại không chỉ giữa các cá thể mà còn giữa nhiều sức mạnh hợp thành con người. Tháp nhọn của hệ phân cấp đó ở Nietzsche là siêu nhân, một cái đích có thể là tiềm năng cho một số người, còn ở đạo Phật thì tiềm năng đó đã đạt được bởi Thích Ca hoặc chí ít ở một vài môn đệ của ông. Đi xa hơn, Morrison lặp luận rằng mục đích này phải đạt được nhờ quá trình vượt lên bản thân mình ở Nietzsche, và tâm – thiền – định theo Phật giáo nguyên thuỷ, cả hai đều được hiểu như là sự biểu hiện tinh thần của một sức mạnh tự nhiên cơ bản hơn: ở Nietzsche đó là ý chí cường lực, và ở đạo Phật, đó là tanha[29].

   Trong bài viết này tôi chưa có điều kiện đi vào phân tích và so sánh sự tương đồng trong tư tưởng của Phật giáo và Nietzsche, tuy nhiên qua việc tìm hiểu quan điểm triết học tôn giáo của Nietzsche có thể thấy rõ tư duy của ông cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ triết lý của đạo Phật. Điều này được thể hiện qua các tác phẩm của ông, trong đó rõ nhất là Zarathoustra đã nói như thế. Tác phẩm gồm có 4 phần và một phần tự ngôn khai tấu được xếp vào trong phần thứ nhất.

    Phần thứ nhất bắt đầu khi Zarathoustra từ biệt quê hương để lên núi vào năm 30 tuổi. Mười năm sau Zarathoustra rao giảng đạo lý. Trọn vẹn chủ đề phần thứ nhất là miêu tả hình ảnh siêu nhân, qua bối cảnh cái chết của Chúa. Chúa đã chết, con người phải sống đời sống của mình một cách bi tráng và phải khai mở tất cả khả tính tiềm ẩn trong mình: Siêu nhân phải sống. Trong 22 bài thuyết giáo của phần thứ nhất Zarathoustra đã tấn công, đạp phá những chướng ngại của tôn giáo cổ truyền và hướng đến xây dựng hình ảnh siêu nhân. Vì thế, Nietzsche được mệnh danh là triết gia với cây búa tạ, “tìm cách đập phá mọi giá trị lưu truyền, là một nhà tư tưởng táo bạo và rất tự tin”[30]. Ông tự coi mình có sứ mệnh của một nhà tiên tri (qua hình tượng Zarathoustra) để truyền bá những tư tưởng mới, tín ngưỡng mới cho chúng sinh. Nietzsche cũng ý thức được vai trò sáng tạo của mình và khẳng định người sáng tạo trước hết phải là người huỷ diệt. Quan niệm này đã đưa ông đến việc phủ định những giá trị đạo đức truyền thống, chống lại dân chủ, chống xã hội chủ nghĩa, chống bình đẳng, chống duy lý và chống Kitô giáo…

     Phần thứ hai xoay quanh chủ đề cốt lõi là ý chí cường lực. Cái chết của Chúa ngoài ý nghĩa giải phóng tất cả những ẩn giấu của con người, còn mang một ý nghĩa quan trọng khác là hoàn trả thời gian cho con người, để nó là cái đích thực thuộc về con người chứ không như trước đây bị tước đoạn và gán cho Chúa. Từ đây, con người được thỏa sức sáng tạo và chơi đùa, đấy là ý chí cường lực tối thượng.

     Zarathoustra đã châm ngòi cho một cuộc tấn công mới nhắm đến các mẫu người cao cả: những linh mục, những người anh hùng, những thi sĩ… Cuộc tấn công này để chuẩn bị đất đai cho việc xây dựng đạo lý mới của Zarathoustra về ý chí cường lực được nhắm đến những đối tượng chọn lọc hơn và thu hẹp hơn, thay vì cho đám đông dân chúng như ở phần thứ nhất. Đạo lý về ý chí cường lực được thể hiện qua bài thuyết giáo về sự chiến thắng tự thân. Sự chiến thắng này không phải theo lối của chủ nghĩa khắc kỷ, mà là để vươn lên việc sáng tạo những hình thể mới của cường lực, vươn lên mạnh mẽ cao như một ngọn tháp. Kết thúc phần thứ hai, Zarathoustra đã run rẩy, kinh hãi và khóc lóc cho rằng, “mình chưa đủ sức mạnh của con mãnh sư để rống lên chân lý ấy”[31].

     Phần thứ ba là tuyệt đỉnh của tác phẩm, cũng là tuyệt đỉnh của tư tưởng Zarathoustra. Xuyên suốt trong phần này chỉ là những lời độc thoại của Zarathoustra với chính mình về đạo lý tối thượng của hắn: sự quy hồi vĩnh cửu.

    Rao giảng về siêu nhân, Zarathoustra ngỏ ý với đám đông; rao giảng về ý chí cường lực, Zarathoustra ngỏ ý với môn đệ, bằng hữu; còn rao giảng về sự quy hồi vĩnh cửu, Zarathoustra chỉ thủ thỉ với chính tâm hồn mình. Đạo lý này dạy rằng tất cả chúng ta, dù là con người thượng đẳng hay hạ đẳng, cùng với tất cả vạn sự sẽ quay lại với cùng hình thức này: khổ đau hay hạnh phúc, quằn quại hay hoan lạc tất cả sẽ quy hồi trở lại vô số lần trong vòng trầm luân vô hạn của vạn kiếp thiên thu.

    Phần thứ tư của tác phẩm mang một đặc tính riêng so với những phần trước đó. Nó được xây dựng như một lớp lang đoản kịch. Tác phẩm được kết thúc với quang cảnh Zarathoustra rời hang đá để bắt đầu một hành trình mới, “mạnh mẽ như một mặt trời ban mai”[32].

  1. Kết luận

   - Nietzsche là một thiên tài với một bộ óc vô cùng sáng suốt. Khả năng sáng tạo của ông được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau như triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học… Các tác phẩm của ông để lại rất phong phú, sâu sắc và vô cùng giá trị, có nhiều ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng, xã hội Đức nói riêng và Châu Âu cũng như nhân loại nói chung.

   - Mặc dù xuất thân trong một gia đình Kitô giáo, ngày nhỏ chịu nhiều ảnh hưởng của thần học Kitô nhưng lớn lên ông lại trở thành người chống Kitô vô cùng mạnh mẽ. Với tinh thần tân giáo, ông đã ra sức phá huỷ những giá trị đạo đức truyền thống, tuyên bố Chúa đã chết vì vậy con người cần thoát khỏi cái vỏ ngôn từ cao quý là lòng thương và sự cứu rỗi của Chúa. Từ đây, con người trở về với thời gian và giá trị đích thực của mình, làm chủ cuộc sống và được thỏa sức sáng tạo, tìm kiếm hoan lạc ở thế giới hiện thực chứ không phải ở một nơi ảo tưởng xa xôi.

     - Con người phản ứng là kẻ đã ghiết Chúa. Phẫn hận, mặc cảm tội lỗi chính là vũ khí để con người phản ứng sử dụng chống lại Chúa. Nietzsche đã phê phán Kitô giáo quyết liệt tuy nhiên ông lại xây dựng cho mình một tôn giáo mới, tôn giáo ở tư tưởng Siêu nhân, ở Lý tưởng trở về vĩnh cửu và ở lòng tin giải bầy trong Zarathoustra.

          - Tác giả tạm khép lại những tìm hiểu bước đầu về tư tưởng phê phán Kitô giáo của Nietzsche tại đây. Cuối cùng, xin mượn lời nhận xét của Nietzsche khi nói về Zarathoustra trong một bức thư ông gửi cho Rohde: “Tất cả những điều chứa đựng trong cuốn Zarathoustra đều độc đáo, kỳ tuyệt vô song, từ trước giờ chưa từng có ai nói đến. Kẻ nào đã trầm mình đắm say trong tác phẩm, sẽ trở lại sống giữa loài người với một bộ mặt đổi mới”[33]. Quả thực, đây là một tác phẩm khó hiểu nhưng đầy tính hấp dẫn, cho người đọc cảm nhận sâu sắc về đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ. Các nhà nghiên cứu cận đại, hiện đại và hậu hiện đại sẽ còn có những đánh giá khác nhau về Nietzsche, tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, ai đã từng đọc những tác phẩm của ông sẽ đều có chung sự thán phục trước một con người tài ba như thế - Friedrich Nietzsche.

Đỗ Thị Ngọc Anh

 (Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Số 2 (197), năm 2017)

[1] F. Nietzsche (1971), Zarathoustra đã nói như thế (Trần Xuân Kiêm dịch) Nxb An Tiêm, Sài Gòn, tr.VIII.

[2] F. Nietzsche, Sđd., tr.IX.

[3] F. Nietzsche, Sđd., tr.X.

[4] F. Nietzsche, Sđd., tr.XIV.

[5] Felicien Challaye (2007), Nietzsche - cuộc đời và triết lý (Mạnh Tường dịch), Nxb Văn Nghệ, TP. Hồ Chí Minh, tr.37.

[6] Felicien Challaye, Sđd., tr.11.

[7] Felicien Challaye, Sđd., tr.13.

[8] Felicien Challaye, Sđd., tr.13.

[9] Felicien Challaye, Sđd., tr.28.

[10] Felicien Challaye, Sđd., tr.42.

[11] Felicien Challaye, Sđd., tr.43.

[12] Felicien Challaye, Sđd., tr.44.

[13] Gilles Deleuze (2010), Nietzsche và triết học (Nguyễn Thị Từ Huy dịch) Nxb Tri Thức, tr.135.

[14] Gilles Deleuze, Sđđ., tr.160.

[15] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.180.

[16] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.184.

[17] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.184.

[18] Friedrich Nietzsche: Kẻ phản Kitô – Thử đưa ra một phê bình Kitô giáo (2011), Nxb Tri thức, tr.41.

[19] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.184.

[20] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.184.

[21] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.185.

[22] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.197.

[23] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.215.

[24] Gilles Deleuze, Sđđ., tr.215.

[25] Trích theo Gilles Deleuze, Sđđ., tr.218.

[26] Trích theo Felicien Challaye, Sđd., tr.143.

[27] F. Nietzsche, Sđd., tr.XII.

[28] R.G.Morrison: Nietzsche và đạo Phật: một nghiên cứu về thuyết hư vô và ái lực cay đắng, số 2, 1998, tr.129-131, bản Việt ngữ của Hoàng Thị Thơ, Viện Triết học, Hà Nội.

[29] Quang Chiến, Nietzsche và sự quy hồi vĩnh hằng trong tác phẩm “Chân dung triết gia Đức” (2000), Viện Triết học, TTKHXH&NVQG, tr120-121.

[30] Quang Chiến, Sđd tr. 109.

[31] F. Nietzsche, Sđd., tr.XX.

[32] F. Nietzsche, Sđd., tr.XXIII.

[33] F. Nietzsche, Sđd., tr.XXIV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây