Bài viết “Niềm tin, giá trị và ý kiến công chúng - Những nhân tố xã hội cơ bản ảnh hưởng đến nội dung chính sách đối ngoại Mỹ” của PGS. TS. Nguyễn Anh Cường

Thứ năm - 11/10/2018 14:12
Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Niềm tin, giá trị và ý kiến công chúng - Những nhân tố xã hội cơ bản ảnh hưởng đến nội dung chính sách đối ngoại Mỹ” của PGS. TS. Nguyễn Anh Cường, được đăng trên Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, số 9/2018, tr. 68-78.

     Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Niềm tin, giá trị và ý kiến công chúng - Những nhân tố xã hội cơ bản ảnh hưởng đến nội dung chính sách đối ngoại Mỹ” của PGS. TS. Nguyễn Anh Cường, được đăng trên Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, số 9/2018, tr. 68-78.

    Tóm tắt: Một loạt các lớp yếu tố xã hội ảnh hưởng tới nội dung chính sách đối ngoại Mỹ. Văn hóa chính trị của Mỹ, các nhu cầu, giá trị, niềm tin, và sự tự nhìn nhận cơ bản về hình ảnh của chính mình (self-images) đối với hệ thống chính trị được chia sẻ rộng rãi bởi người Mỹ - biểu hiện như các nhân tố xã hội cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ít nhất thì, những niềm tin đó biểu hiện ở các giá trị và thể chế chính trị mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ tìm cách xuất khẩu sang các nước khác kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Bài viết đề cập tới quan điểm của truyền thống tự do Mỹ - có tham chiếu một số quyền trong xã hội Mỹ, cũng như những nhân tố xã hội ảnh hưởng có tính liên tục lên chính sách đối ngoại Mỹ từ những ngày đầu lập nước cho đến nay, đó là niềm tin, giá trị và ý kiến công chúng.

    Từ khóa: chính sách đối ngoại Mỹ, nước Mỹ, xã hội Mỹ, giá trị Mỹ

    Toàn văn:

 

     Niềm tin và các giá trị

     Nước Mỹ được lập ra dựa trên những giá trị không giống với những phần còn lại của thế giới. Đó là một quốc gia dân chủ trong một thế giới được cai trị bởi các chế độ quân chủ và chuyên chế. Thật vậy, theo một sử gia, những người Mỹ lập quốc "không chỉ muốn tin rằng họ đã tham gia vào một cuộc nổi dậy thấp hèn nhỏ bé từ rìa của Đế quốc Anh hay của nền văn minh châu Âu. Họ muốn tin rằng mình đã mang đến một mô hình tốt hơn... một cách tốt hơn cho người dân để lập ra một chính phủ sẽ đáp ứng được đòi hỏi của họ", Thomas Jefferson đã nêu quan điểm này, mô tả tốt nhất khi ông cho rằng nước Mỹ mới là "nước cộng hòa đơn độc trên thế giới, đài tưởng niệm duy nhất của nhân quyền... người giữ ngọn lửa thiêng liêng duy nhất cho tự do và tự quản, từ đây ngọn lửa đó được dùng để thắp sáng cho các vùng khác trên trái đất, nếu các vùng khác muốn được ảnh hưởng tốt từ nó."[1] Hơn nữa, vì nó nhấn mạnh đến các giá trị dân chủ, nước Mỹ phát triển với niềm tin rằng xã hội của họ là độc đáo và sở hữu một bộ các giá trị mô phỏng đúng với các hành vi tốt đẹp từ những nơi khác. Trong ý nghĩa đó, quốc gia này xuất hiện như một xã hội có tư tưởng sâu sắc (mặc dù người Mỹ không dễ dàng thừa nhận nó), và là một điều không phải dễ được chấp nhận với những người giữ quan điểm ngược lại.[2]

      Một xã hội tự do

     Năm 1776, nước Mỹ ra đời trong tự do và bình đẳng trái ngược với các quốc gia khác, nơi mà những lời tán tụng và đặc quyền là rất quan trọng. "Nó xuất hiện cơ bản như một xã hội tự do trong một thế giới nhấn mạnh quyền lực và trật tự. Có những giá trị và nguyên tắc mà hầu hết người Mỹ phản ứng bất chấp những triết lý chính trị đặc biệt họ đã phải theo. Mặc dù không có bất kỳ một định nghĩa nào lột tả đầy đủ bản chất của nước Mỹ, thì với giả định cho rằng tổng hợp niềm tin "chính thống" trong chính trị Mỹ làm nước này có thể được dán mác là chủ nghĩa tự do. Nền tảng của chủ nghĩa tự do có từ các di sản niềm tin tự do của Thomas Jefferson, được trân trọng cất giữ trong tuyên ngôn độc lập, rằng mục đích của chính quyền là bảo đảm cho công dân các quyền không thể xâm phạm tới đó là quyền sống, quyền tự do, và mưu cầu hạnh phúc. Bản "Khế ước xã hội" nằm trong số những thứ người Mỹ thử nghiệm, đã tìm cách bảo vệ những quyền thiêng liêng này. Vì thế, quyền của người dân, là quyền thiêng liêng giúp họ nổi dậy chống chính phủ khi chính phủ vi phạm “hợp đồng”. "Bất cứ khi nào với bất kỳ cách thức phá hoại nào của chính phủ thì bản khế ước sẽ kết thúc," Jefferson kết luận, "đó là quyền của người dân được thay đổi hoặc xoá bỏ chính phủ."[3] Cách diễn đạt mới này của người Mỹ, đi đến một tiêu chuẩn rộng rãi, năng động, không giai cấp, tự do, và đối lập với châu Âu, mà chủ yếu là danh giới giai cấp (classbound) và những hạn định.[4] Vì vậy, cách mạng Hoa Kỳ diễn ra là sự thách thức các nguyên tắc chặt chẽ mà châu Âu quản lý. Trong bối cảnh đó, hình thành một ác cảm tự nhiên với các giá trị châu Âu - và các chính sách đối ngoại của nó - điều đó thúc đẩy củng cố niềm tin của người Mỹ vào tính độc đáo của riêng mình.[5]

     Cũng như vậy, những nguyên lý cơ bản này tạo thành cơ sở cho chủ quyền phổ biến. Chính phủ của Abraham Lincoln xây dựng trong nguyên tắc cơ bản được khẳng định là của người dân, do người dân và vì người dân. Do nét đặc biệt của người Mỹ là ủng hộ nồng nhiệt nguyên tắc này, họ tự nghĩ rằng họ là “người tự do” (free people).

    Những người lãnh đạo Mỹ bất kể theo đảng phái hoặc học thuyết triết học nào - thường xuyên tái khẳng định sự tin tưởng cơ bản vào truyền thống tự do của Locke, nó xem như tài liệu được người Mỹ khẳng định và tôn vinh vào ngày lễ quốc gia. Do đó chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi các quốc gia khác thấy ít sự khác biệt trong các nguyên tắc mà chính sách đối ngoại của Mỹ dựa vào, thậm chí khi quyền lực chính trị chuyển đổi từ tổng thống này tới tổng thống khác, hoặc từ một đảng chính trị này tới một đảng chính trị khác.[6]

     Bình đẳng trước pháp luật

     Từ chỗ quan tâm cho các cá nhân, tự do cá nhân và thành tích cá nhân tự nhiên nổi lên như các giá trị từ lâu đã được ấp ủ trong xã hội Mỹ. Trong tín điều tự do, như Jefferson khẳng định, quyền lực chính trị hợp pháp phát sinh từ sự chấp thuận được quản lý. Các nguyên tắc và các giá trị khác được hình thành trong truyền thống tự do, bắt nguồn từ thế kỷ XVII - thế kỷ triết học chính trị của nhà tư tưởng người Anh John Locke. Trong đó, tự do cá nhân, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trong đối xử trước pháp luật ("tất cả mọi người được tạo ra bình đẳng"), được sở hữu, tự quyết, tự do kinh doanh, quyền (tự nhiên) không thể xâm phạm, quy tắc đa số và quyền của thiểu số, tự do ngôn luận, lập hội. Có sự phân chia quyền lực trong chính phủ, có cơ hội bình đẳng tham gia vào các vấn đề chung, và tuân thủ pháp luật tuyệt đối ("quản trị tuân thủ luật, không phải tuân thủ người"). Tất cả đều phù hợp với niềm tin của Locke rằng chính phủ nên được giới hạn để bảo vệ cuộc sống cá nhân, tự do cá nhân và tài sản thông qua nhận thức phổ biến. Hơn nữa, bình đẳng trước pháp luật còn là sự cần thiết để đảm bảo rằng tất cả các cá nhân có thể tối đa hóa tiềm năng của họ trên cơ sở duy nhất là tài năng. Tuy nhiên, trong một xã hội mà nhấn mạnh rất nhiều vào sự tự do của cá nhân, thì bình đẳng được xem là một cách cụ thể. Những gì được đảm bảo sẽ không bình đẳng về kết quả (bình đẳng thực chất - substantive equality) nhưng bình đẳng về cơ hội (bình đẳng thủ tục - procedural equality) cho tất cả. Mặc dù tất cả công dân không được đảm bảo là cuộc đời họ có bến đỗ cuối cùng giống nhau, nhưng tất cả rất có thể (theo lý thuyết) được tạo điều kiện phù hợp nhất với khả năng cá nhân của mình để tiến xa nhất. Trong khi bình đẳng về cơ hội là quan trọng đối với xã hội Mỹ, thì sự tự do xác định mức độ đạt được của mỗi người được xem là đặc trưng của xã hội mới này.[7]

     Tầm quan trọng của các giá trị trong nước

     Các nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Mỹ mới khác biệt so với các nhà lãnh đạo đồng cấp ở châu Âu ở chỗ: mối quan hệ giữa các giá trị trong nước và chính sách đối ngoại. Không giống các quốc gia châu Âu đã có từ lâu, hầu hết các nhà lãnh đạo mới của Mỹ đã không xem chính sách đối ngoại có tính ưu việt hơn chính sách đối nội, hoặc như là một triết lý mà theo đó quyền lực và vị trí của quốc gia phải được bảo đảm và có chi phí cao hơn so với các chi phí phúc lợi trong nước. Cũng không phải là các nhà lãnh đạo mới xem giá trị của chính sách đối ngoại và chính sách đối nội phân biệt với nhau, nơi mà một hệ thống giá trị đạo đức định hướng hành động trong nước và các hành động khác, nếu cần thiết, nó hướng dẫn cho hành động giữa các quốc gia.[8]

     Những giá trị và niềm tin như vậy của quốc gia mới này đã làm cho các hành động của chính sách đối ngoại trở lên quan trọng. Vì Mỹ nuôi dưỡng hệ thống chính trị dân chủ, phát triển mạnh mẽ tự do và bình đẳng các giá trị trong nước và tin tưởng vào tính ưu việt của chính sách đối nội với chính sách đối ngoại, do đó chính sách đối ngoại với hai nội dung truyền thống quan trọng nhanh chóng nổi lên: một mặt nhấn mạnh vào tác động của chủ nghĩa biệt lập đến các nước khác, mặt khác nhấn mạnh vào các nguyên tắc đạo đức trong việc định hình chính sách đối ngoại. Hơn nữa, cả hai nội dung truyền thống này bổ sung tích cực cho nhau và hỗ trợ nhau trong việc duy trì giá trị độc đáo Mỹ: trước đây, để giảm can dự của Mỹ trong vấn đề thế giới, Mỹ giảm can dự đặc biệt vào các vấn đề ở châu Âu; sau đó, Mỹ chỉ giảm can dự ở nước ngoài nếu đó là lý do đạo đức. Đôi khi, cả hai truyền thống này đi theo các hướng khác nhau (một dựa trên sự thúc đẩy tránh xa các vấn đề của thế giới, hướng khác dựa trên sự thúc đẩy cải cách thế giới bằng các hành động đơn phương), nhưng cả hai đều thống trị các hành động của chính sách đối ngoại ở quốc gia mới này.

     Vai trò của chủ nghĩa biệt lập

     Từ những ngày đầu trong lịch sử của nước Mỹ, bài diễn văn từ biệt của Washington và học thuyết Monroe đã định hình chủ nghĩa biệt lập và thiết lập giới hạn cho chính sách đối ngoại.

     Diễn văn từ biệt đầu tiên của tổng thống vào tháng 9 năm 1796 ban đầu có ý nghĩa là để cảm ơn người dân Mỹ tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông, nhưng nó cũng chứa một loạt các cảnh báo về những vấn đề mà có thể phát sinh và tiếp tục đe dọa nền cộng hòa. Washington khuyên các công dân Mỹ không nên tham gia vào các phe nhóm (ví dụ, các đảng chính trị), các khu vực chia cắt (ví dụ: Đông với Tây, hoặc Bắc với Nam) hoặc các vướng mắc quốc tế. Ý kiến của ông đối với các vấn đề quốc tế đã giải thích những gì chủ nghĩa biệt lập hướng tới trong việc xác định chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thế kỷ rưỡi.

     Thái độ của Mỹ đối với thế giới nên là một thái độ đơn giản, Washington nói: Tôn trọng niềm tin tốt đẹp và công bằng đối với tất cả các quốc gia. Chăm sóc hòa bình và hòa hợp với tất cả. Trong việc thực hiện kế hoạch như vậy không có gì quan trọng hơn là sự thường xuyên, lâu dài; thói quen ăn sâu chống lại các quốc gia cụ thể và muốn gán cho nước khác nên bị loại trừ, và như vậy, điều chỉ nên làm là muốn thân thiện với tất cả.[9]

     Ông cảnh báo nguy cơ hình thành các quan hệ gần gũi với các quốc gia khác: Mong muốn gắn bó với một quốc gia khác vì những lợi ích tạo ra một loạt các hệ lụy. Cảm thông với các quốc gia yêu thích, tạo điều kiện cho những ảo ảnh về lợi ích tưởng tượng trong các trường hợp không có lợi ích chung thật sự tồn tại, và tạo ra sự thù địch của nước khác, phản bội lại những gì đã có trước đây. Đó là một phần của các cuộc tranh cãi và sau đó là chiến tranh mà không có nguyên nhân rõ ràng hoặc minh chứng đúng.[10]

      Và Washington đưa ra một "quy tắc ứng xử" cho Hoa Kỳ với nhắc nhở rằng bất kỳ sự tham gia phức tạp nào vào chính trị ở châu Âu sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước này: Quy tắc lớn cho hành động của chúng ta liên quan đến nước ngoài là, mở rộng quan hệ thương mại và càng có ít các kết nối chính trị càng tốt. Cho đến nay khi chúng ta đã thiết lập được quan hệ với niềm tin tốt đẹp, thì nên dừng lại. Châu Âu có một loạt các lợi ích to lớn mà chúng ta không có, hoặc còn lâu mới có. Do đó, chúng ta phải tham gia tranh cãi thường xuyên với các nước cho những lợi ích cơ bản của chúng ta. Vì thế, sẽ là không khôn ngoan khi ta đưa vào những quan hệ tự tạo với những thăng trầm thông thường của chính trị hoặc với sự kết hợp thông thường để rồi va chạm hay thù địch với tình bạn.[11]

     Tóm lại, Washington đề nghị trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không nên hoàn toàn không can thiệp (vì các quan hệ kinh tế với một số quốc gia là tốt và hữu ích, và việc quan hệ ngoại giao thân thiện với các quốc gia khác cũng đáng ca ngợi), ông phản đối mạnh mẽ việc thiết lập bất kỳ liên kết chính trị thường xuyên nào với các nước khác. Đặc biệt, ông trực tiếp cảnh báo chống lại bất kỳ sự tham gia nào vào công việc của châu Âu.

     Trong khi diễn văn từ nhiệm của Washington nêu ra một định hướng chung biệt lập với thế giới, học thuyết Monroe chỉ ra bốn hướng dẫn cụ thể cho sự can dự hoặc không can dự của Mỹ đối với vấn đề quốc tế. Học thuyết này được đặt tên sau bản thông báo lần thứ bảy hàng năm của Tổng thống James Monroe trước Quốc hội, ngày 2 tháng 12 năm 1823 - được thông qua một phần như là phản ứng trước khả năng tăng cường các hoạt động của các cường quốc châu Âu trong các vấn đề của Hoa Kỳ lục địa, đặc biệt là khi một số quốc gia ở Nam Mỹ đã chuyển theo hướng độc lập hoặc vừa đạt được điều đó.[12]

     Monroe lần đầu tiên trình bày về chủ đề này bằng cách tuyên bố rằng Hoa Kỳ lục địa "từ nay trở đi không được coi là đối tượng cho bất kỳ cường quốc thực dân châu Âu nào trong tương lai." Bất kỳ sự dính líu nào vào công việc của châu Mỹ sẽ ảnh hưởng đến "quyền và lợi ích" của Hoa Kỳ. Gần cuối thông điệp, ông nhấn mạnh sự khác biệt trong chính sách giữa Hoa Kỳ và châu Âu với nhau và với Mỹ Latinh.[13]

     Học thuyết Monroe vì vậy đã đưa đến khái niệm "hai bán cầu" trong chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách nhấn mạnh sự khác biệt giữa Tây và Đông bán cầu - thế giới mới so với thế giới cũ.[14] Như Washington đã làm trước đó, Monroe tuyên bố kêu gọi không can dự chính trị trong các vấn đề của châu Âu. Nhưng thông điệp của Monroe đã cho thấy sự mở rộng hơn so với Washington; nó chỉ ra rằng chính sách của Mỹ trong chính trị không can dự ở châu Âu không áp dụng giống như ở Mỹ Latinh. Với khẳng định rằng "quyền và lợi ích" của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì châu Âu liền ngay ở Tây bán cầu, quả thật vậy, nó quy định rằng Mỹ, đã có các lợi ích chính trị vượt ra ngoài biên giới đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Với cách nhìn này, chủ nghĩa biệt lập trong chính trị Mỹ đã không hoàn toàn áp dụng cho Tây bán cầu. Thay vào đó, lợi ích chính trị của Mỹ ở Mỹ Latinh đã trở thành phổ biến rộng rãi, và chúng đã có nguồn gốc được thể hiện trong học thuyết Monroe.

     Xem lại hai thông điệp này có thể thấy đó là hướng dẫn có giá trị về chủ nghĩa biệt lập của Mỹ định hướng cho các vấn đề toàn cầu. Các nguyên tắc đề ra trong đó thường phản ánh thực tiễn ngoại giao Mỹ trong suốt thế kỷ XIX và XX, và những lời trong đó đã trở thành cơ sở cho quốc gia này tiếp tục thực thi chính sách đối ngoại.

     Chủ nghĩa thực dụng đạo đức và sự cân bằng quyền lực

    Khái niệm cân bằng quyền lực, đã thống trị việc làm chính sách ở châu Âu kể từ khi hình thành hệ thống quốc gia dân tộc, được xác nhận bằng một số giả định quan trọng. Giả định thứ nhất cho rằng, tất cả các nước đều chú ý ngăn ngừa chiến tranh quy mô lớn và nhất trí duy trì sự tồn tại của vài nước lớn trong hệ thống quốc tế. Giả định thứ hai dựa trên quan điểm rằng tất cả các nước thúc đẩy cơ bản hành vi chính sách đối ngoại trên cơ sở xem xét quyền lực và lợi ích quốc gia. Giả định thứ ba rằng các quốc gia sẵn sàng và có khả năng tham gia liên minh (và thay đổi liên minh) để ngăn chặn sự thống trị của bất cứ quốc gia nào. Giả định thứ tư rằng sẽ có một chút khó khăn chính trị trong nước ngăn cản các quốc gia hoạt động chính trị.[15] Bản chất của khái niệm quyền lực cân bằng là sử dụng khéo léo ngoại giao và thương lượng, nhưng vẫn có thể duy trì lực lượng và bạo lực - điều này nên được sử dụng để duy trì hệ thống.

     Ý thức của người Mỹ về đạo đức liên quan đến hai yếu tố. Thứ nhất, hành vi của quốc gia có thể được đánh giá theo các tiêu chuẩn đạo đức. Thứ hai, đạo đức Mỹ cung cấp các tiêu chuẩn phổ quát cho việc thực hiện những phán xét. Theo định nghĩa, hành động của Mỹ phải được thực hiện đúng đắn và chính đáng về mặt đạo đức. Những sáng kiến chính sách không hoàn thiện thường xuyên được quy do sự thiếu hụt lãnh đạo, hoặc sự cố trong hành vi tổ chức và không có chỉ dẫn đánh giá.

    Trong đánh giá các hành vi của nhà nước theo tiêu chuẩn đạo đức, Mỹ thường coi trọng việc đặt trách nhiệm cho những vấn đề chính sách đối ngoại vào bản chất xấu xa của đối thủ hơn là động lực tiềm ẩn của chính trị thế giới hoặc hành động của riêng mình. Năm 2001, trên báo có chuyên mục bảo thủ mới viết ngay sau khi các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, khẳng định "Mỹ không chỉ là công dân quốc tế ... Mỹ ở một vị thế để định hình lại chuẩn mực, thay đổi kỳ vọng và tạo ra thực tế mới. Làm thế nào? Không bằng biện giải và luôn không nao núng."[16]

     Chủ nghĩa thực dụng Mỹ sử dụng dạng "tiếp cận kỹ thuật" để giải quyết vấn đề trong chính sách đối ngoại. Trong đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô, cách tiếp cận của Mỹ xử lý chiến tranh hạt nhân theo tư duy chiến lược kiểu "bài tập toán học" và các khái niệm cơ bản (răn đe, giảm trừ và trả đũa) có nghĩa vụ phải "đảm bảo" duy trì an ninh Hoa Kỳ. Đối với Liên Xô, hoạt động trên cơ sở của kinh nghiệm lịch sử rất khác, Liên Xô phát triển khái niệm (chiến thắng, vượt trội và công kích hành động) đó "là mục tiêu để nỗ lực phấn đấu, không điều kiện bảo đảm." Đối với Liên Xô, bản chất cố hữu của chiến tranh vẫn là không chắc chắn, không có giải pháp kỹ thuật tồn tại.[17]

     Người Mỹ ưa thích phương pháp tìm ra các giải pháp bằng cách phá vỡ các vấn đề lớn thành những cái nhỏ hơn - giống như một kỹ sư có một bản thiết kế lớn chi tiết và anh ta có thể chia nó thành nhiều phần nhỏ hơn. Một giải pháp tổ chức hoặc giải pháp cơ học được tính toán cho cả các vấn đề phụ. Trong quá trình giải quyết cái nhỏ, sẽ không phụ thuộc vào bối cảnh chính trị của vấn đề lớn.

     Cho đến gần đây, Mỹ có xu hướng từ chối triết lý xã hội cho hầu hết các giả định quan trọng của việc cân bằng quyền lực chính trị.[18] Xã hội Mỹ duy trì kiểu chính sách đối ngoại được thúc đẩy bởi các nguyên tắc đạo đức chứ không phải bởi việc cân nhắc lợi ích và quyền lực; giá trị trong nước được xem như là cơ sở duy nhất cho hành vi của chính sách đối ngoại. Như Henry Kissinger, một người Mỹ có ác cảm với sức mạnh của chính sách, cho rằng: "Đó là một phần của văn hóa dân gian Mỹ, trong khi các quốc gia khác có quyền lợi, chúng tôi có trách nhiệm; trong khi các quốc gia khác quan tâm trạng thái cân bằng, chúng tôi quan tâm các yêu cầu pháp lý hòa bình."[19]

     Ý kiến công chúng

     Ý kiến công chúng được quan tâm đặc biệt cho việc xác định vị trí trung tâm của công dân trong quản lý nhà nước của một chính thể dân chủ. Đối với một quốc gia "của dân, do dân, vì dân" - được Abraham Lincoln đưa ra trong một bài phát biểu nổi tiếng tại Gettysburg - ý kiến công chúng cung cấp chỉ dẫn cần thiết cho hành động của chính phủ. Vai trò này của công chúng gây tranh cãi và đã thay đổi đáng kể theo thời gian. Hơn nữa, kể từ khi công chúng Mỹ bị phân mảnh mạnh mẽ với các nhóm đa dạng về các lợi ích khác nhau, hiếm khi công chúng đưa ra một tín hiệu thống nhất cho các nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn chuyện làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc, điều này có lợi cho các công ty và ngân hàng trong khi gây ra sự giận dữ cho các nhóm hoạt động tôn giáo và các nhóm nhân quyền. Các lãnh đạo chính trị không thụ động chờ đợi ý kiến của công chúng cho quyết định của họ, mặc dù họ biết ít nhất là nó có khả năng đáp ứng một phần nào. Với sự tôn trọng này, theo các nhà lý thuyết dân chủ, ý kiến công chúng đóng vai trò kiến tạo - điều đó tăng khả năng chính sách của chính phủ sẽ phản ánh sở thích của công chúng. Tuy nhiên, người lãnh đạo cũng vận dụng ý kiến công chúng bằng nhiều cách: bằng cách tập trung vào các vấn đề cụ thể trong các bài phát biểu và ở các cuộc phỏng vấn, bằng cách đặt đúng thời điểm chiến lược trong hành động của họ để đạt được lợi thế chính trị, và bằng cách sáng tạo trong phát triển giải thích (hoặc "vòng vo") đối với các nước khác. Các nhà hoạch định chính sách, cũng nhận thức rõ sự thiếu kiến thức về hầu hết các vấn đề chính sách đối ngoại của dân số nói chung, vì thế các nhà hoạch định chính sách có thể mong đợi sự ủng hộ của cả bạn bè và kẻ thù để được chấp nhận dễ dàng (Ginsberg 1986).

     Ý kiến công chúng được xem như là sự kiềm chế cho việc thay đổi chính sách đối ngoại.

     Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, một trong những lý do chính sách đối ngoại Mỹ thể hiện sự đề kháng để thay đổi là nhận thức của công chúng về chính trị quốc tế. Ý kiến công chúng hoạt động như chiếc phanh đối với sự thay đổi chính sách, không phải bằng cách ngăn chặn sự đổi mới, mà bằng cách hạn chế sự sửa đổi bởi vì nhận thức của những người lập chính sách là không nhân nhượng còn ý kiến của công chúng thì không thể đoán biết được.

    Việc kiềm chế tác động của hội chứng Việt Nam (Vietnam Syndrome) minh hoạ xu hướng đó.[20] Nếu các nhà quyết định chính sách nghĩ rằng tiếng nói công chúng sẽ không cho phép thực thi một số sáng kiến và lo sợ rằng công chúng có thể trở thành lực lượng chống lại sự đổi mới, rằng chính công chúng có thể hạn chế các lựa chọn thay thế kể cả các xem xét thay đổi. Vì thế, nhiệm vụ của họ là "đưa ra những cuộc tranh luận về những vấn đề mà người ta quan tâm, hoặc để ý." Có lẽ vì những lý do chính trị và tâm lý này chính sách đối ngoại của Mỹ thu nhận được ý kiến của rất nhiều nhà phân tích và vì thế các nhà lãnh đạo chính trị bị bối rối bởi thái độ của công chúng.

     Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại không thể bỏ qua ý kiến công chúng nếu họ muốn duy trì sự hỗ trợ trong nước cho các hành động của họ ở nước ngoài. Những người bỏ phiếu cho tổng thống hy vọng rằng lời hứa trong chiến dịch bầu cử đối với chính sách đối ngoại sẽ được thực thi. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhóm xã hội - dựa trên tộc người chiếm ưu thế, dựa trên nhu cầu kinh tế, dựa trên sự cống hiến cho nhân quyền và những lợi ích chung khác - những thứ chịu ảnh hưởng trực tiếp và chặt chẽ với chính sách đối ngoại.

     Trong lịch sử hoạt động của công chúng có xu hướng làm theo quyết định của lãnh đạo, người biết khuyến khích công chúng nghĩ rằng họ có thể ủng hộ những gì người lãnh đạo muốn họ làm. George Elsey cố vấn cho tổng thống Truman, tâm sự rằng "công việc của tổng thống là dẫn dắt ý kiến công chúng, không phải là một người mù chỉ biết đi theo. Bạn không thể ngồi đâu đó và chờ đợi ý kiến công chúng bảo bạn phải biết làm gì... Bạn phải quyết định những gì bạn sẽ làm và làm điều đó và cố gắng giáo dục công chúng biết những lý do cho hành động của bạn."[21]

     Những ý kiến chính của công chúng ở bên ngoài nước Mỹ cũng ngày càng tăng lên, vì các nhà hoạch định chính sách đối ngoại mong muốn sự ủng hộ của người dân và chính phủ nước ngoài. Điều này đã đặc biệt đúng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nghịch lý thay, việc này không chỉ để Mỹ vô song quyền lực, mà còn rất dễ bị tổn thương với những chỉ trích và giám sát của các nước khác. Tác động ngày càng tăng của thế giới công luận hình thành từ nhiều nguồn: tiến bộ của công nghệ thông tin, sự phát triển của xã hội dân sự đáp ứng với những cải cách dân chủ và nhiều vấn đề vượt biên giới quốc gia khác.

     Ý kiến công chúng như là sự khích lệ cho việc đổi mới chính sách đối ngoại

     Có những trường hợp khi các ý kiến công chúng diễn ra sự thay đổi thì sau đó có sự thay đổi của chính sách. Hãy xem xét vấn đề gia nhập Liên Hợp quốc của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Năm 1950, không quá 15% công chúng Mỹ ủng hộ, nhưng vào năm 1969 đã có hơn một nửa ủng hộ, mức độ đó có thể đã làm Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng là không ngăn chặn Trung Quốc gia nhập nữa. Cũng giống như vậy, nhiều người ủng hộ Chính phủ Mỹ công nhận ngoại giao đối với Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ trước khi Tổng thống Carter nới rộng nguyên tắc vào năm 1978.[22] Gần đây hơn là, đa số công chúng nói chung và thậm chí nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam trước rất lâu việc Chính quyền Clinton thực hiện sáng kiến này.[23]

     Tổng thống Obama, khi nhận giải Nobel hòa bình vào tháng 12 năm 2009, ghi nhận sự cần thiết phục hồi uy tín của Mỹ được thể hiện trong ý kiến của công chúng ở trong nước và trên thế giới. Tổng thống trở lại chính sách đối ngoại đa phương, và ủng hộ ngoại giao hợp tác không bàn tới việc cạnh tranh quân sự, điều này phản ánh không chỉ nguyên tắc mà còn là ưu tiên chính trị của ông được đặt ra trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2008. Sự chuyển đổi trong chính sách đối ngoại Mỹ cũng được sự ủng hộ hăng hái của công chúng, chúng được văn phòng bầu cử của Obama ưu tiên ghi nhớ.

     Ngày càng tăng số lượng người Mỹ phát triển một cách thận trọng học thuyết Bush. Cuộc điều tra vào tháng 7 năm 2008 cho thấy, "vị trí trên thế giới của nước Mỹ đang cải thiện" do chính sách đối ngoại Mỹ là ưu tiên hàng đầu của công chúng (Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago năm 2009). Ưu tiên tiếp theo - bảo vệ công việc của người Mỹ và bảo vệ các nguồn cung cấp năng lượng - phản ánh sự lo lắng của những người quản lý trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt những năm làm tổng thống của Bush. Những mối quan tâm này, cùng với những gì liên quan đến phổ biến vũ khí hạt nhân, làm lu mờ sự chú ý của họ. Sau đó, phần lớn quan điểm trong chính sách đối ngoại Mỹ được Barack Obama tán thành trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đã đặt cho ông một ủy nhiệm rõ ràng của công chúng trong cách tiếp cận tự do với công việc ngoại vụ. Liên kết giữa các sở thích của công chúng và chính sách ngoại giao của Obama được nhìn thấy trong bốn lĩnh vực chính: ngoại giao, hợp tác đa phương, luật pháp quốc tế và các tổ chức quốc tế.[24]

     Ý kiến công chúng như một nguồn tài nguyên trong thương lượng quốc tế.

     Trớ trêu thay, sự ảnh hưởng mang tính chế ngự của ý kiến công chúng đôi khi tác động có lợi cho Mỹ trong việc đối phó với các quốc gia khác. Ví dụ, những nhà ngoại giao Mỹ, có thể nâng cao tầm quan trọng của công chúng khi nó có lợi cho mình trong cuộc thương lượng với tuyên bố rằng "người dân Mỹ sẽ không bao giờ chịu đựng được điều này." Bằng cách mô tả chính mình là nạn nhân của sở thích công chúng, đàm phán ngoại giao thực sự có thể đạt được đòn bẩy thương lượng đáng kể.

     Tất nhiên, trong thực tế, Quốc hội Mỹ thường thể hiện ý kiến công chúng về các vấn đề ngoại giao. Biết rõ điều này, các tổng thống đôi khi tìm cách vẽ tỉ mỉ chính sách của họ khi có được sự hỗ trợ bởi "người dân Mỹ," làm nó có hiệu lực bằng cách sử dụng ý kiến của công chúng không chỉ trong việc thương lượng với các chính phủ khác, mà cũng có thể với Quốc hội. Đôi khi chiến lược của họ thành công, đôi khi không thành công. Ví dụ, Clinton có thể tin vào công chúng rộng lớn hỗ trợ cho việc thiết lập quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc, tạo ra biên độ chiến thắng trong Quốc hội lớn hơn so với những suy nghĩ ban đầu. Nhưng ông đã không thể thuyết phục các bộ phận quan trọng của xã hội Mỹ hoặc Quốc hội ủng hộ Nghị định thư Kyoto hình thành công ước khung về biến đổi khí hậu.[25]

     Kết luận

      Như vậy, không khó để nhận ra rằng chính sách đối ngoại của Mỹ bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó những nhân tố xã hội thuộc về giá trị, niềm tin, và ý kiến công chúng có một ảnh hưởng đặc biệt quan trọng. Người Mỹ cho rằng họ sống trong một xã hội tự do, có một nền luật pháp bình đẳng, có những giá trị cao đẹp mang tính tinh hoa của nhân loại và không bị ràng buộc bên ngoài, với sự thực dụng của đạo đức và sự cân bằng giữa quyền lực và trách nhiệm. Hơn nữa, trong một xã hội mà vị trí của công dân là trung tâm, nhà nước được xác định là của dân, do dân, vì dân thì công chúng tham gia vào chính sách đối ngoại là điều dễ hiểu. Công chúng góp phần khích lệ đổi mới chính sách đối ngoại nhưng cũng có khả năng kiềm chế chúng. Công chúng cũng là lý do cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại mang lại lợi ích cho Mỹ trong các cuộc thương lượng quốc tế. Nếu hiểu rõ tất cả những điều đó thì người ta có thể lý giải rất có cơ sở phần nào cho những hành động và khẩu hiệu của Tổng thống Donald Trump thời gian qua: “Nước Mỹ trên hết”.

PGS. TS. Nguyễn Anh Cường

(Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, số 9/2018, tr. 68-78)

Chú thích:

[1] Robert W. tucker and David C. Hendrickson, “Thomas Jefferson and Foreign Policy,” Foreign Affairs 69 (Spring 1990): 136.

[2] George F. Kennan “Is Detente Worth Saving?” Saturday Review; March 6, 1976, 12-17.

[3] Eugen R. Wittkopf, Charles W. Kegley, Jr., James M. Scott, American Foreign Policy Pattern and Process Sixth Edition, 2003, Thomson Wadsworth, p. 245.

[4] Gordon A. Craig and Alexander I. George, Force and Statecraft, 3rd ed. (New York and Oxford: Oxford University Press 1995), pp, 27-31.

[5] Niềm tin cơ bản của người Mỹ là rất khác với các giá trị lâu đời ở châu Âu, nó có thể được tóm tắt trong khái niệm của chủ nghĩa tự do cổ điển, đặc biệt là được tán thành bởi John Locke. Trong truyền thống tự do này cá nhân là tối quan trọng, và vai trò của chính phủ là hạn chế. Nhiệm vụ của chính phủ chỉ là làm những gì cần thiết để bảo vệ cuộc sống và tự do cho công dân mình và mang lại hạnh phúc cho họ. Nói chung công dân được để cho riêng tư, để họ tự do theo đuổi mục tiêu của mình và tìm kiếm những phần thưởng xứng đáng với khả năng của họ.

[6] Eugen R. Wittkopf, Charles W. kegley, Jr., James M. Scott, American Foreign Policy Pattern and Process Sixth Edition, 2003, Thomson Wadsworth, p. 246.

[7] Giáo sư Frank A. Cassell (Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Wisconsin-Milwaukee) nhận ra đặc tính này trong cuộc phỏng vấn vào ngày Quốc khánh Mỹ  năm 1989. Xem Jerry Resler, U.S. as Model Would Please Founder, Milwaukee Sentinel, July 4, 1989, part 4, p.1.

[8] Tucker and Hendrickson, “Thomas Jefferson and Foreign Policy,” p. 139. Cuộc tranh luận về quan điểm của Jefferson được chia sẻ thế nào cho các nhà lãnh đạo đầu thời kỳ đầu, xem pp. 143-146. Về những khó khăn thực sự của Jefferson trong những công việc này, xem pp, 146-156.

[9] “Washington’s Farewell Address”, Annals of the Congress of the United States, 4th cong., 2nd sess., 1786-1797, 2877.

[10] Ibid and David Clinton, “Tocqueville’s Challenge,” The Washington Quarterly 11 (Winter 1988): 1973-1989.

[11] Ibid and David Clinton, “Tocqueville’s Challenge,” The Washington Quarterly 11 (Winter 1988): 1973-1989. P. 2878.

[12] The Monroe Doctrine and World Peace (Port Washington, NY: Kennikat Press, 1972), pp. 15-20. The quote is at p. 19. Emphasis in original.

[13] “President’s Maessage,” Annual of the Congress of the United States, 18th Cong., 1st sess., 1823-1824, 22-23. Emphasis added.

[14] Nhiều học giả cho đến nay vẫn nhấn mạnh như vậy đối với học thuyết Monroe, nhiều hơn bất kỳ các học thuyết nào khác đã định hình và cố kết truyền thống biệt lập của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Xem Perkins, The Evolution of American Foreign Policy, 2nd ed. (New York: Oxford University Press, 1966), pp. 33-38; Nye, This Almost chosen People, p. 184; and Spanier, American Foreign Policy, p. 6.

[15] Tranh luận về sự cần thiết, mục đích và ý nghĩa của cân bằng quyền lực có thể thấy trong Edward V. Gulick, Europe’s Classical Balance of Power (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1955), pp. 3-91.

[16] Both Kennan and Krauthammer are quoted in Anatol Lieven and John C. Hulsman, “Neo-Conservatives, Liberal Hawks, and the War on Terror,” World Policy Journal, Fall 2006, 64-74.

[17] Freeman Dyson, “On Russians and Their Views of Nuclear Strategy,” in Charles W. Kegley, Jr., and Eugene R. Wittkopf, The Nuclear Reader (New York: St. Martin’s, 1985), pp. 97-99.

[18] Những thay đổi trong các quan điểm và niềm tin về sự cân bằng hệ thống quyền lực xảy ra đột ngột trong những năm Henry Kissinger chịu trách nhiệm xây dựng chính sách đối ngoại Mỹ.

[19] Henry A. Kissinger, American Foreign Policy, expanded ed, (New York: W. W. Norton and Company, 1974), pp. 91-92.

[20] Sau chiến tranh ở Việt Nam, nhiều người Mỹ rơi vào trầm cảm và mắc các chứng bệnh về cảm xúc đặc trưng.

[21] Eugen R. Wittkopf, Charles W. Kegley, Jr., James M. Scott, American Foreign Policy Pattern and Process Sixth Edition, 2003, Thomson Wadsworth.

[22] Nhiều nghiên cứu trường hợp, xem sự tác động của ý kiến công chúng đối với chính sách đối ngoại như Gilboa (1987), Kusnitz (1984), Leigh (1976), và Leverting (1976), Powlick (1991) cũng chỉ ra rằng, chính sách đối ngoại chính thức của Mỹ nói chung chịu tác động ngày càng lớn của công chúng, và khi có những quyết định đối lập nổi lên, họ sẽ cố gắng thay đổi ý kiến công chúng bằng cách “giáo dục” cho công chúng.

[23] Steven W. Hook, U.S. Foreign Policy the Paradox of World Power Third Edition, CQ Press, 2011, pp 212-233.

[24] Steven W. Hook, U.S. Foreign Policy the Paradox of World Power Third Edition, CQ Press, 2011, pp 212-233.

[25] Eugene R. Wittkopf, Charles W. Kegley, jr., James M.Scott, American Foreign Policy Pattern and Process Sixth Edition, Thomson Wadsworth, 2003, pp 272-274.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây