Bài viết “Vấn đề lợi ích quốc gia-nhận thức và khung hành động chung trong quan hệ quốc tế” của ThS. Nguyễn Thanh Tùng

Thứ tư - 10/10/2018 09:08
Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Vấn đề lợi ích quốc gia-nhận thức và khung hành động chung trong quan hệ quốc tế” của ThS. Nguyễn Thanh Tùng, được đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 3, Số 4 (08/2017), tr. 430-437.

     Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Vấn đề lợi ích quốc gia-nhận thức và khung hành động chung trong quan hệ quốc tế” của ThS. Nguyễn Thanh Tùng, được đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 3, Số 4 (08/2017), tr. 430-437.

Toàn văn:

     *Toàn cầu hóa đã khiến sân khấu chính trị thế giới xuất hiện thêm rất nhiều chủ thể như: cá nhân, tập đoàn, liên minh nhà nước, liên minh dân sự… Các chủ thể này đang ngày càng gia nhập sâu vào môi trường quan hệ quốc tế với sự cạnh tranh lợi ích hết sức phức tạp. Có quan điểm cho rằng đã đến lúc lợi ích quốc gia cần phải bị xem xét lại để xóa bớt đi, thay vào đó là lợi ích của nhân loại và/ hoặc lợi ích của cá nhân. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, chắc chắn sẽ thấy rằng mặc dù các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia hiện nay đang gặp phải xung đột, đang bị giằng xé cạnh tranh với các chủ thể khác. Song, quốc gia vẫn đang là chủ thể quan trọng nhất, mạnh nhất trong chính trường quan hệ quốc tế. Do vậy, khi các vấn đề lựa chọn lợi ích giữa các chủ thể quốc tế nổi lên, lợi ích quốc gia vẫn là cơ bản nhất, quyết định mọi hành động của quốc gia. Lợi ích quốc gia vẫn đang là mục tiêu hoạt động chính cho các đất nước trên thế giới. Việc nhìn nhận lại bộ lợi ích căn bản của quốc gia như thế nào và từ đó xác lập nên khung hành động quốc gia đó ra sao là vấn đề cần phải bàn đến để hiểu được cái bất biến vẫn chưa thể thay đổi về chất trong chính sách đối ngoại của các nhà nước hiện nay trên thế giới.

  1. Nhận thức về lợi ích quốc gia

    Chủ thể chính trị quốc tế nào cũng có lợi ích riêng. Đối với chủ thể quốc gia, lợi ích của nó chính là lợi ích của cả dân tộc mà nhà nước-kẻ đại diện cho dân tộc ấy-phải có trách nhiệm kiếm tìm, duy trì và phát triển các lợi ích mà người dân (lập ra nó) đòi hỏi. Do vậy, khi nhắc đến lợi ích quốc gia thì ta phải hiểu đó chính là lợi ích của cả dân tộc. Ngay cả nhà nước và chế độ của quốc gia cũng được xây dựng trên những lợi ích chung và căn bản của toàn dân tộc. Một cách khái quát, lợi ích của mỗi dân tộc gồm có:

    Thứ nhất-Giữ gìn an ninh cho người dân: Nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt là an toàn về tính mạng (Rourke 1991: 215). Trong các lợi ích mà con người quan tâm, sự sống là điều tối quan trọng, nhà nước phải sử dụng toàn lực bộ máy an ninh, quốc phòng để tìm và ngăn chặn, thậm chí tiêu diệt tất cả nguy cơ nằm ngay bên trong hoặc bên ngoài lãnh thổ đe dọa tới an ninh của người dân. Giữ gìn an ninh cho người dân là lợi ích dân tộc quan trọng nhất, là mối quan tâm hàng đầu trong nhóm các lợi ích dân tộc.

    Thứ hai-Giữ gìn và phát triển lợi ích vật chất cho quốc gia: Nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo cho các công dân đầy đủ thực phẩm, nhà cửa, quần áo, y tế, lãnh thổ, lãnh hải... và những nhu cầu khác của con người (T. Rourke 1991: 215). Người dân mong đợi rằng, dưới sự điều hành của bộ máy nhà nước mà họ lập ra, các nhu cầu sinh sống thiết yếu của người dân phải được đáp ứng đầy đủ và ngày càng tốt hơn, cuộc sống của họ càng ngày càng được phồn vinh hơn, đất nước càng ngày càng phồn thịnh hơn. Nhà nước, do vậy, luôn phải tìm kiếm các nguồn lực trong và ngoài lãnh thổ cung cấp cho quốc gia những đòi hỏi trên.

    Thứ ba-Giữ gìn sự gắn kết trong lòng dân tộc: Sự cố kết dân tộc bao gồm sự thống nhất (tương đối) các tư tưởng, hệ tư tưởng và đạo đức… (Rourke 1991: 215-216) Nhà nước phải điều hành sao cho sự đồng thuận trong lòng dân tộc là lớn nhất để dân tộc có thể ổn định và phát triển. Nếu có bất kỳ bất đồng nào xảy ra, nhà nước phải xử lý sao cho những bất đồng đó được giải quyết, hoặc điều chỉnh sao cho những bất đồng đó không lớn lên đến mức gây ra phân rã các lực lượng dân chúng. Trong lịch sử, có một lý do mà Pháp và Mỹ đã phải thoát ra khỏi cuộc chiến ở Việt Nam là để tránh sự tiếp tục phân rã cơ cấu dân tộc khi người dân trong nước bị chia cắt làm những phe ủng hộ chiến tranh, phản chiến và trung lập.

    Thứ tư-Đảm bảo môi trường chính trị tốt ở trong và ngoài nước. Các quốc gia trong quá trình vận hành và đối ngoại đều chú ý giữ gìn ổn định chính trị trong nước và tăng cường tiếng nói quyền lực quốc gia mình trên chính trường quốc tế (Rourke 1991: 215). Mối quan hệ này cũng tương đối phức tạp, các quốc gia luôn ưu tiên ổn định chính trị trong nước hơn so việc tăng cường quyền lực trên thế giới, vì có ổn định trong nước mới có cơ sở vững chắc, an tâm để phát triển quyền lực quốc gia (Tất nhiên cũng có trường hợp thể hiện/ tăng cường quyền lực trên sân khấu chính trị quốc tế để góp phần tăng cường sự ổn định chính trị trong nước).

    Thứ năm-Tạo lập và phát huy danh tiếng (quốc thể, danh dự) cho quốc gia. Đây là lợi ích dân tộc liên quan tới lĩnh vực tinh thần mà các quốc gia thời đại toàn cầu hóa hiện nay đang ra sức theo đuổi (Phạm Thái Việt 2012: 69). Mỗi quốc gia, hay cụ thể là mọi công dân của quốc gia đều luôn có nhu cầu được các chủ thể quốc tế khác tôn sùng, kính nể và kính trọng mình, họ luôn mong rằng họ là hình ảnh đẹp trong mắt và trong tim những người dân khác trên thế giới.

    Đó là năm lợi ích dân tộc cơ bản mà tất cả quốc gia trên thế giới đã và vẫn đang theo đuổi trong quá trình hoạt động. Bốn lợi ích đầu có thể xếp vào lợi ích vật chất, và lợi ích thứ năm chính là lợi ích tinh thần. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau; các chủ thể khi đạt được một lợi ích, có thể có những lợi ích dân tộc khác và ngược lại. Trên chính trường quốc tế ngày nay, các quốc gia vẫn luôn sử dụng “lợi ích dân tộc” để hợp lý hóa và hợp pháp hóa mọi hành động của mình.

    Hành động đối ngoại của mỗi nhà nước, xét đến cùng, đều nhằm hướng đến việc đảm bảo và phát triển ít nhất một trong năm lợi ích dân tộc như trên. Quan hệ quốc tế, theo cái nhìn khoa học chính trị, chính là sự tranh đấu để gìn giữ, tranh giành lợi ích trong khả năng của mỗi chủ thể. Vì vậy, dưới “lăng kính” lợi ích dân tộc, chúng ta có thể dễ dàng giải mã mục tiêu hành động của các quốc gia. Ví dụ, Afghanistan là một đất nước nằm rất xa nước Mỹ, nhưng sau vụ khủng bố 11/9, nước Mỹ đã đưa quân đến tiêu diệt cái gọi là “nơi đào tạo và chứa chấp khủng bố”, nhằm ngăn chặn những vụ khủng bố gây nguy hại tới tính mạng người Mỹ (ảnh hưởng tới lợi ích dân tộc thứ nhất) và gây suy sụp nền kinh tế Mỹ (ảnh hưởng tới lợi ích dân tộc thứ hai), thể hiện cho thế giới thấy rằng nước Mỹ có một tiềm lực quân sự hùng mạnh, đi đầu trong việc chống khủng bố, giữ gìn an ninh cho cả thế giới (đạt được lợi ích dân tộc thứ tư và thứ năm)…

    Hoặc khi Trung Quốc thể hiện những động thái gây bất bình ở biển Đông, quân đội Mỹ và Úc sau đó đã gia tập trận cùng quân đội Philippines. Đây là một thông điệp gửi tới quốc tế rằng không ai được xâm hại tới Philippines, vì “động tới” Philippines nghĩa là động tới Mỹ và đồng minh của Mỹ. Dưới giác độ lợi ích dân tộc, người ta có thể đọc được thông điệp nữa là lợi ích Philippines đã gắn liền với nước Mỹ và phe đồng minh của Mỹ, đó là những lợi ích về mặt an ninh, kinh tế… mà các nước này đã gắn với nhau từ trước[1]. Bên cạnh đó, cuộc tập trận quân sự này cũng là thông điệp răn đe rõ ràng của Mỹ và liên minh đối với Trung Quốc.

    Một vấn đề khác liên quan đến các khoản cho vay với lãi suất “ưu đãi” hoặc viện trợ không hoàn lại, dưới cái nhìn từ lý thuyết lợi ích quốc gia, vấn đề trở nên rõ ràng khi ta biết rằng các khoản tiền đó luôn đi kèm một số các điều kiện mà bên vay tiền phải chấp nhận. Đó có thể là yêu cầu thuê mảnh đất nào đó trên lãnh thổ nước đi vay nợ với thời gian 50 năm hoặc 70 năm, đó có thể là yêu cầu giảm hoặc miễn thuế cho một số loại hàng hóa nhập khẩu vào nước đi vay nợ, đó có thể là yêu cầu phía nước đi vay nợ phải “lờ đi” một số chuẩn mực về môi trường, về quyền lợi người lao động trong quá trình các công ty nước ngoài kia hoạt động sản xuất trên lãnh thổ nước sở tại, đó có thể là những ưu tiên trong các cuộc đấu thầu quốc tế trong lãnh thổ nước đi vay nợ… Những điều kiện kèm theo này mới là điều quan trọng, cần phải đạt được đối với những nước cho vay. Nếu nước đi vay đồng ý các điều kiện trên thì một thời gian sau, ai cũng rõ là lợi ích kinh tế mà các nước cho vay kiếm được lớn hơn gấp nhiều lần số tiền mà họ cho vay hoặc viện trợ “không hoàn lại”! Câu được cá thì không tiếc mồi câu! Họ có được cả lợi ích dân tộc thứ hai lẫn thứ năm (thể hiện tinh thần bao dung tương trợ với nước khác!).

    Như vậy, căn cứ trên năm lợi ích dân tộc cốt yếu, chúng ta có thể hiểu được mục tiêu của các quốc gia trong quá trình tương tác với các chủ thể quốc tế khác. Những lời tuyên bố khẳng định, phủ nhận, những hành động ôn hòa, căng thẳng, nhu nhược, những vụ thử bom, bắn tên lửa, những cái bắt tay, những chữ ký, những nụ cười… trong bối cảnh toàn cầu hóa này vẫn có thể được giải mã thông qua những lợi ích quốc gia của họ.

  1. Khung hành động dựa trên lợi ích quốc gia

    2.1. Sức mạnh quốc gia-Nền tảng hoạch định chính sách đối ngoại

    Hiện nay trong các tài liệu tiếng nước ngoài, mà cụ thể là tiếng Anh, từ power được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực quan hệ chính trị quốc tế. Khi dịch sang tiếng Việt, chúng ta thường gọi đó là quyền lực hoặc sức mạnh. Thực ra nên hiểu và sử dụng thuật ngữ đó theo nghĩa là sức mạnh, vì xét đến cùng, mọi loại quyền lực chính trị của con người đều phải có sức mạnh ở trong đó. Hơn nữa, thuật ngữ sức mạnh phù hợp với rất nhiều văn cảnh, dễ đưa đến cách hiểu thống nhất, phần nào tránh khỏi những tranh cãi về từ ngữ khi sử dụng thuật ngữ quyền lực.

    Các nhà nghiên cứu cho rằng sức mạnh quốc gia bao gồm cả các tham số hữu hình và vô hình rất phức tạp (Lại Văn Toàn 2001: 11-12), khó có thể định lượng rõ ràng và đưa ra một công thức chuẩn, thống nhất về cách thức đo lường sức mạnh quốc gia. Cho dù vậy, trên thực tế, các quốc gia thường ước lượng sức mạnh bản thân thông qua những yếu tố sau: số lượng và chất lượng trang thiết bị quân sự, số lượng quân nhân, vị trí tài chính, sức sản xuất công nghiệp, sức sản xuất nông nghiệp, trình độ thông tin liên lạc, trình độ giáo dục của người dân, truyền thống lịch sử… Tất cả các quốc gia luôn phải tổng hợp những thành tố này để đánh giá được sức mạnh bản thân nhằm xác định được khả năng của mình đến đâu trong quá trình theo đuổi các lợi ích dân tộc.

    Bên cạnh đó, các quốc gia cũng luôn tự ý thức về những đặc tính sức mạnh của mình và của các chủ thể quốc tế khác trong quá trình tương tác như sau:

    Sức mạnh là mối quan hệ: Không được phép phán xét một cách trừu tượng, chung chung, cố định rằng chủ thể này là mạnh, chủ thể khác là yếu. Để nhận định chủ thể nào mạnh hơn chủ thể nào trên chính trường quốc tế phải đặt trong sự so sánh giữa các chủ thể với nhau (Rourke và cộng sự 2002: 189). Ví dụ, về mặt quân sự, nước Pháp đương nhiên mạnh hơn Lào; tuy nhiên trong mối tương quan với Nga thì sức mạnh của Pháp cần phải xem lại.

    Sức mạnh mang tính tình huống: Ở mỗi tình huống mà mỗi loại sức mạnh phát huy vai trò hoặc không đóng vai trò gì cả cho chủ thể (Rourke và cộng sự 2002: 190). Ví dụ, nước Mỹ có thể tự hào về sức mạnh hạt nhân với những đội quân hiện đại của mình; song họ lại khó đối phó với những kẻ khủng bố luôn ẩn mình trong đám đông; và đặc biệt họ rất lo lắng về việc vũ khí hạt nhân lọt vào tay những kẻ khủng bố đó.

    Sức mạnh có tính năng động: Theo thời gian mà mỗi thành tố sức mạnh của mỗi chủ thể có thể tăng trưởng hay suy giảm(Rourke và cộng sự 2002: 188). Ví dụ thế chiến thứ II là lúc Nhật Bản và Đức phô diễn sức mạnh quân sự hữu hình của họ, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, sức mạnh quân sự của hai đất nước này chỉ còn là tiềm năng, song từ đó họ lại phát triển sức mạnh mềm về uy tín, trách nhiệm bằng con người và những mặt hàng họ sản xuất cho thế giới.

   Sức mạnh là đa diện: Sức mạnh không chỉ là quân sự, cần phải có cái nhìn toàn diện đối với các thành tố của sức mạnh tổng hợp(Rourke và cộng sự 2002: 190). Có được sức manh cả vô hình lẫn hữu hình, cả sức mạnh cứng (hard power) và sức mạnh mềm (soft power) luôn là nỗ lực và mơ ước của bất kỳ quốc gia nào.

    Sức mạnh mang tính chủ quan và khách quan: Có những thành tố sức mạnh cũng như chủ thể chính trị thực sự có sức mạnh rất lớn được các chủ thể khác thừa nhận; nhưng cũng có những chủ thể tự cho là mình mạnh trong khi thực tế chưa chắc đã là như vậy (Rourke và cộng sự 2002: 189). Lịch sử cho thấy trong cuộ chiến tranh vùng Vịnh, Kuwait đã không biết lượng sức khi dám thách thức Iraq, và rồi sau đó chính Iraq cũng không biết lượng sức khi đối đầu với phe liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Kết quả là cả Kuwait và Iraq đều nhận được những bài học quá đắt cho việc đánh giá chủ quan về bản thân mình.

    Tương tác trong môi trường quốc tế là tương tác thực, dẫn đến những kết quả và thậm chí hậu quả thực sự, nên việc hiểu đúng sức mạnh của mình là điều tối quan trọng cho các vị nguyên thủ quốc gia. Bên cạnh sức mạnh nội tại, một quốc gia có thể tăng cường sức mạnh bằng cách gia nhập liên minh, nhưng cần lưu ý rằng gia nhập liên minh sẽ bị liên minh chi phối và luôn phải nhớ đến cảnh báo của chủ nghĩa hiện thực rằng đừng có quá tin tưởng vào liên minh, không nên có đồng minh vĩnh cửu, và cũng không nên có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ nên dựa vào chính mình để theo đuổi các lợi ích tự thân. Dưới môi trường vô chính phủ, đừng nên quá dựa dẫm vào đồng minh nào, đừng nên quá tin tưởng vào lòng trung thành vĩnh cửu của các nước trong phe mình liên minh hoặc những nước mà mình giúp đỡ để vào phe liên minh với mình. Lịch sử đã cho thấy vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Iraq khi Saddam Hussein đánh Iran những năm 1980 sau đó được dùng để chống lại Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh 1991. Và những tên lửa Stinger Mỹ cung cấp cho Taliban chống lại quân Liên Xô năm 1979 ở Afghanistan sau đó đã rơi vào tay quân khủng bố để chống lại chính nước Mỹ (Kegley và cộng sự 2011: 292).

    2.2. Những điểm các quốc gia phải lưu ý khi sử dụng sức mạnh để đạt lợi ích dân tộc

    Các phương thức để đạt mục tiêu lợi ích dân tộc luôn phải được căn cứ trên những điều sau đây:

    Thứ nhất: Mục tiêu hoặc những mục tiêu lợi ích nào quốc gia muốn hướng tới. Tất cả các quốc gia đều mong muốn gia tăng cả năm lợi ích dân tộc như đã phân tích ở trên. Song hiện thực cho thấy không có quốc gia nào luôn luôn đạt được cả năm lợi ích cùng một lúc, thậm chí có những thời điểm phải chấp nhận thua thiệt về lợi ích này để có được những lợi ích khác quan trọng hơn[2]. Do đó, họ phải xác định thứ bậc lợi ích quốc gia cần ưu tiên tùy theo hoàn cảnh thực tiễn[3] (Và lẽ dĩ nhiên, họ luôn luôn cố gắng có được càng nhiều lợi ích quốc gia càng tốt).

     Thứ hai: Quốc gia đưa ra chính sách đối ngoại trong bối cảnh khủng hoảng hay không khủng hoảng? Tình trạng khủng hoảng là khi (1) các nhà hoạch định chính sách bị bất ngờ bởi sự kiện nào đó, (2) cảm thấy bị đe dọa (đặc biệt là về mặt quân sự), (3) tin rằng có rất ít thời gian để đưa ra quyết định. Trong giai đoạn này, các quyết định thường được tiến hành bởi một số tương đối ít nhóm quan chức chính trị cấp cao. Với thời gian quá cấp bách để thu thập thông tin cộng với sự lo lắng (thậm chí giận dữ) trước cuộc khủng hoảng, các quyết định thường mang tính cảm tính rất nhiều. Với lượng thông tin bị hạn chế, ít thời gian để suy tính, nhà quyết sách dựa nhiều vào những hình ảnh, những quan niệm sẵn có từ trước. Trong lúc đó, giả sử nếu một quốc gia vốn thù địch điều động quân đội thì các nhà lãnh đạo nước còn lại sẽ có xu hướng quy kết rằng phe kia chuẩn bị tấn công. Còn trong tình trạng không khủng hoảng, các chủ thể chính trị khác trong nước như cơ quan lập pháp, nhóm lợi ích, công chúng có thời gian ảnh hưởng và tham dự nhiều tới các quyết sách đối ngoại (Rourke và cộng sự 2002: 59).

    Thứ ba: Tương quan sức mạnh quốc gia trong mối quan hệ với các chủ thể quốc tế khác. Họ phải suy ngẫm xem hành động mà mình đang/sẽ tiến hành có ảnh hưởng tới những chủ thể nào, những quốc gia nào. Tương quan sức mạnh giữa mình và các quốc gia khác ra sao: bằng, kém, hơn. Sức mạnh đó có thể là sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế hoặc sức mạnh cả quân sự lẫn kinh tế (thậm chí cả sức mạnh mềm). Đây là điểm lưu ý trước nhất, vì các vị nguyên thủ đều hiểu rằng mục tiêu mà không phù hợp với sức mạnh của mình thì chỉ dẫn tới thảm họa! Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 là bài học lịch sử xương máu cho Iraq. Khi Saddam Hussein đứng lên chống lại Mỹ và phe phương Tây bằng cách cho quân vào đánh chiếm Kuwait, ngay lập tức liên minh gần 30 nước do Mỹ lãnh đạo nhanh chóng đập tan quân đội Iraq, buộc nước này phải rút quân khỏi Kuwait cảnh tỉnh Iraq và các quốc gia khác hãy tỉnh táo nhìn nhận lại sức mạnh thực sự của bản thân mình khi lựa chọn hành động trên chính trường quốc tế.

    Thứ tư: Quốc gia có nằm trong liên minh hay không (sức mạnh và sự cố kết của liên minh đó đến đâu), để từ đó xác định xem có dễ được ủng hộ từ liên minh hoặc có phải đối đầu với liên minh nào không. Trong mối quan hệ giữa quốc gia và liên minh, có thể phân chia thành bốn loại đất nước như sau:

  1. Cường quốc và có liên minh với nhiều nước khác. Quốc gia này vừa có sức mạnh trên chính trường quốc tế, vừa dễ có được sự ủng hộ quốc tế từ phía các liên minh.
  2. Cường quốc nhưng không liên minh với nước nào. Quốc gia này có sức mạnh trên chính trường quốc tế, nhưng không dễ có được sự ủng hộ quốc tế do không có liên minh.
  3. Không phải cường quốc nhưng nằm trong liên minh với nhiều nước khác. Quốc gia này có thể tăng cường sức mạnh của mình thông qua liên minh.
  4. Không phải cường quốc nhưng không liên minh với nước nào. Quốc gia này khó huy động được sự ủng hộ sức mạnh từ quốc tế, chỉ còn cách duy nhất là tự mình thúc đẩy phát triển để hùng mạnh hơn.

    Thứ năm: Khuynh hướng chính trị trong nước mình hiện ra sao (cá tính của vị nguyên thủ quốc gia đang nắm quyền, đảng phái nào đang chiếm ưu thế, xu hướng dư luận thế nào...) (Kegley và cộng sự 2011: 18-19). Từ đó các nguyên thủ quốc gia có thể đưa ra dự đoán về phản ứng trong nước đối với các chính sách đối ngoại mà mình sẽ đề xuất thực hiện (Và ngược lại, cũng có thể phần nào đưa ra những dự đoán về phản ứng từ người dân các nước khác đối với những hành vi của nước mình). Ví dụ, các đảng cánh hữu lên nắm quyền sẽ có khuynh hướng đề cao tính dân tộc chủ nghĩa, có thể tăng chi phí quốc phòng và giảm thuế...

    Thứ sáu: Cục diện khu vực đang như thế nào. Khu vực đang có vấn đề gì về chiến tranh, xung đột, khủng bố, kinh tế, môi trường… ra sao, từ đó hoạch định nên những chính sách đối ngoại phù hợp. Lịch sử cho thấy Kuwait đã quá chủ quan trước Iraq do Saddam Hussein lãnh đạo, khi cho rằng mình đã có sẵn Mỹ và phe đồng minh phương Tây hỗ trợ, nên Iraq không dám động quân với Kuwait. Sự kiện quân đội Iraq tháng 8 năm 1991, đè bẹp quân đội Kuwait và tiến sâu vào lãnh thổ Kuwait cho nước này bài học “nước xa không cứu được lửa gần”, đã cảnh tỉnh các quốc gia việc luôn luôn phải nhận thức rõ tình hình địa chính trị các nơi trên thế giới, nhất là ở khu vực quốc gia mình sinh sống.

     Thứ bảy: Cục diện thế giới đang ra sao. Quốc gia cần xác định bối cảnh thế giới đang có xu thế chiến tranh, xung đột, cạnh tranh, hòa bình, hợp tác, phát triển... cụ thể ra sao để từ đó đưa ra những hành động phù hợp với khuynh hướng phát triển chung của cả thế giới xét về dài hạn (Cần lưu ý rằng, trong ngắn hạn, có quốc gia thậm chí có thể đưa ra những hành động ngược với xu thế chung của cả thế giới, miễn sao có lợi cho dân tộc mình). Thế giới hiện vẫn chưa thể im tiếng súng, song khuynh hướng giảm thiểu tổn thất, đề cao đàm phán và lắng nghe dư luận quốc tế luôn được đặt lên hàng đầu trong các cuộc xung đột lợi ích. Nếu đàm phán không đạt kết quả, những biện pháp liên quan đến kinh tế sẽ là bước tiếp theo để tranh giành lý lẽ giải quyết xung đột. Xung đột vũ trang chỉ là giải pháp cuối cùng nếu như không thể tìm được các biện pháp giải quyết khác. Do đó, mặc dù Iran luôn thách thức và công khai chống lại nước Mỹ và phe đồng minh của Mỹ, thì cho đến nay, các biện pháp được phương Tây đưa ra với Iran mới chỉ đến những cấm vận và trừng phạt kinh tế mà thôi. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán thương lượng luôn được mở ra để trao đổi giữa Iran với các nước có liên quan.

     Đó là bảy điều cần lưu ý cho mỗi quốc gia trước khi xác định phương thức thể hiện hành vi của mình đối với quốc tế.

     2.3. Phương thức thực hiện hành động   đối ngoại

    Biết mình, biết người, từ đó các nước mới hoạch định được chính sách phù hợp trong tiến trình tương tác với quốc tế[4]. Những chính sách đó có thể mang khuynh hướng lý tưởng (Idealism) hoặc mang khuynh hướng hiện thực (Realism) miễn sao hiệu quả để thu lại lợi ích cho dân tộc mình.

    Khuynh hướng lý tưởng, nói một cách ngắn gọn, đó là các hành vi mà nhìn vào đó, các chủ thể không thấy sức ép quân sự và sức ép kinh tế được tiến hành. Đó là những cuộc ký kết các hợp đồng kinh tế một cách tự do, tự nguyện, là việc giải giáp vũ trang, là tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và dư luận quốc tế, là những tuyên bố nêu cao tinh thần hòa bình, hợp tác, phát triển chung…

     Khuynh hướng hiện thực, là các hành vi mà nhìn vào đó, các chủ thể thấy sự hiện diện của sức ép quân sự, hoặc kinh tế, hoặc cả quân sự và kinh tế. Đó là những tuyên bố cứng rắn, hung hãn, hoặc hành động tập trận quân sự, thử vũ khí, dàn quân… hoặc cấm vận kinh tế, áp thuế…

    Nhìn chung, các quốc gia hiện nay, nhất là các nước lớn luôn sử dụng các biện pháp hỗn hợp giữa lý tưởnghiện thực trong chính sách đối ngoại nhưng thường ưu tiên phương án lý tưởng, vì kết quả nếu đạt được sẽ ít tốn kém hơn so với phương án hiện thực, và đó cũng chính là xu hướng tiến hóa chung của toàn nhân loại hiện nay. Hành vi mang tính hiện thực chỉ là bắt buộc khi họ không có lựa chọn lý tưởng nào khác, hoặc không đủ thời gian, thậm chí tiềm lực để áp dụng phương án mang tính lý tưởng. Tuy nhiên cho dù là hiện thực hay lý tưởng thì cũng xoay quanh ba kiểu biểu hiện của sức mạnh như sau mà nhà nghiên cứu Joseph Nye đã chỉ ra (Nye 2011: 14):

     Thứ nhất: Bên A sử dụng sự đe dọa hoặc phần thưởng khiến bên B thay đổi hành vi ngược lại với những gì thuộc về sở thích hay kế hoạch vốn được B mong muốn. Bên B biết rõ những sự thưởng/phạt đó của bên A và cảm nhận được rõ ràng ảnh hưởng sức mạnh của bên A.

     Thứ hai: A kiểm soát hoạt động theo nghĩa giới hạn các sự lựa chọn của bên B. Bên B có thể biết hoặc không biết điều này nhưng cảm thấy e dè với bên A. Trong điều thứ hai này bên B có sự tự do hơn với điều thứ nhất đã nói ở trên.

    Thứ ba: A giúp B hình thành niềm tin, quan điểm và sở thích. Bên B chưa chắc đã biết được ảnh hưởng đằng sau của A. Trong điều thứ ba này, bên B hoàn toàn tự do lựa chọn theo sở thích của B (nhưng lại hoàn toàn phù hợp với những gì A mong muốn!).

Và khi nghiên cứu nền nền chính trị quốc tế, cần phải ghi nhớ cả ba hình thức biểu hiện sức mạnh chính này của quyền lực chính trị.

  1. Phần kết

     Như vậy, từ những phân tích ở trên, có thể xác định được khung hành động chung để hoạch định chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia hiện nay là: căn cứ trên sức mạnh bản thân, các cá thể và các tổ chức đại diện cho nhà nước-dân tộc phải khéo léo sử dụng các phương tiện và cách thức để tìm kiếm và khai thác lợi ích ở bên ngoài về cho quốc gia mình. Cụ thể hơn, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia vẫn phải tuân theo những điều sau khi muốn đưa ra chính sách đối ngoại: Xác định mục tiêu lợi ích mình muốn đạt được, xác định khả năng của mình, xác định môi trường và những chủ thể mình phải tương tác, hoạch định phương thức hành động phù hợp với khả năng của mình.

    Môi trường chính trị nói riêng và môi trường sống con người nói chung luôn có những quy luật, quy tắc, nguyên tắc khiến mọi chủ thể phải tuân theo, càng hiểu được sâu sắc chúng bao nhiêu, càng có những bước đi phù hợp và dễ gặt hái được những lợi ích trong tầm tay của mình. Đó là điều các quốc gia và các học giả nghiên cứu quan hệ quốc tế vẫn luôn phải lưu tâm.

Nguyễn Thanh Tùng

(In trong Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 3, Số 4 (08/2017), tr. 430-437)

 

Tài liệu trích dẫn

Kegley, Charles W. & Shannon L. Blanton. 2011. World Politics – Trend and Transformation (2010-2011 Edition). Boston: Wadsworth, Cengage Learning.

Lại Văn Toàn (Chủ biên). 2001. Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh: Phân tích và dự báo (Tập 2). Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

Nye, Joseph. 2011. The Future of Power. New York: PublicAffairs.

Phạm Thái Việt (chủ biên). 2012. Ngoại giao văn hóa – Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính.

Rourke, John T. 1991. International Politics on the World Stage (Third Edition), New York: Guilford, Dushkin Publishing Group.

Rourke, John T. & Mark A. Boyer. 2002. International Politics on the World Stage (Brief), New York: McGraw-Hill/Dushkin.

[1] Tuy nhiên, sau đó, động thái nhún nhường trước Trung Quốc của tổng thống Durterte cũng cho thấy Tổng thống Mỹ Obama chỉ tuyên bố suông mà thực tế lại có phần bỏ rơi Philippines khiến Trung Quốc được đà hơn ở Biển Đông!

[2] Như Hiệp định Sơ bộ Việt Nam ký với Pháp năm 1946 đã đưa 15.000 quân Pháp ra Bắc để chấp nhận đối đầu với đội quân này thay vì đối đầu với 20 vạn quân Tưởng luôn có hậu thuẫn từ phía bên kia biên giới và Việt Nam cũng được tiếng tuân thủ tốt các công ước quốc tế (song bên cạnh đó, phải chấp nhận phần nào tai tiếng khi các phe đối lập vu cáo là bán nước với sự hiện diện của quân đội Pháp ở miền Bắc Việt Nam).

[3] Sau vụ 11/9/2001, nước Mỹ đặt vấn đề an ninh quốc gia lên hàng đầu; và sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nước Mỹ đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu.

[4] Phù hợp hay không lại là khả năng phản tư của mỗi dân tộc và đó lại liên quan tới trình độ lãnh đạo của các nguyên thủ quốc gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây