Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết "Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, trong xây dựng hệ thống chính trị nước ta theo quan điểm Đại hội Đảng lần thứ XII" của PGS.TS. Đinh Xuân Lý, được đăng trên Tạp chí Triết học, số 11, tháng 11/2016.
Tóm tắt:
Bài viết phân tích, luận giải góp phần làm rõ những vấn đề như: 1) Bản chất của mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" là cơ chế vận hành hệ thống chính trị nước ta, là sự thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa ba chủ thể quyền lực khác nhau - Quyền lực lãnh đạo chính trị của Đảng, quyền lực quản lý của Nhà nước, quyền lực làm chủ của nhân dân; 2) Nội dung các thuật ngữ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; 3) Mối quan hệ hai chiều giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý, giữa Đảng lãnh đạo và nhân dân làm chủ, giữa Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở đó, làm sáng tỏ quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XII về tiếp tục hoàn thiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" trong xây dựng hệ thống chính trị trên các phương diện nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Việc thực hiện tốt quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XII về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh sẽ thiết thực góp phần hoàn thành những mục tiêu tổng quát cơ bản trong 5 năm tới (2016-2020).
Toàn văn:
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1-2016), đề ra chủ trương xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và xác định một trong những giải pháp để thực hiện chủ trương này là “Tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", nhất là nội dung nhân dân làm chủ”[1].
Trước đó mối quan hệ này đã được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), và Đảng coi việc thực hiện tốt mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" như là một cơ sở để thực hiện tốt các phương hướng cơ bản xây dựng nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc[2].
Về bản chất mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", có ý kiến cho rằng đây thực chất là cơ chế vận hành của hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đối mới. Với quan niệm đó, có tác giả xác định “Mấu chốt của đổi mới hệ thống chính trị lại nằm ở đổi mới các quan hệ giữa các thực thể cấu thành hệ thống đó, đặc biệt là quan hệ giữa Đảng với Nhà nước; giữa Đảng với Nhà nước và nhân dân”[3]. Ở tầm cao hơn, có ý kiến cho rằng "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" là nguyên tắc vận hành của xã hội nước ta hiện nay. Với nghĩa đó thì "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" chính là cấu trúc vận hành thể chế chính trị nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó, có tác giả nhận định: “đổi mới chính trị ở nước ta thực chất là đổi mới hệ thống chính trị, là dân chủ hóa chính trị mà điểm mấu chốt là... đổi mới quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội và với nhân dân[4].
Trong bài viết này, tác giả bàn về mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" trong xây dựng hệ thống chính trị theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XII.
Có thể thấy, dưới góc độ triết học chính trị, mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", phản ánh mối quan hệ giữa ba chủ thể quyền lực khác nhau - Đó là quyền lực lãnh đạo chính trị của Đảng, quyền lực quản lý của Nhà nước, quyền lực làm chủ đất nước của nhân dân.
Về Đảng lãnh đạo
Khoản 1, điều 4, Hiến pháp 2013, quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội[5]. Về phương thức lãnh đạo của Đảng, theo quan điểm Đại hội XII là “Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)[6]. Đó là: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu”[7]. Với nội dung đó thì, sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu là quá trình vận động nhân dân và định hướng phát triển cho nhà nước, xã hội “quá trình chủ yếu hướng vào thức tỉnh hành vi con người, định hướng hoạt động của con người và xã hội”[8] và kiểm tra, giám sát việc thực hiện định hướng đó.
Về Nhà nước quản lý
Thuật ngữ quản lý khi tiếp cận dưới góc độ triết học, được hiểu là quá trình chủ thể tác động vào khách thể để điều khiển quá trình vận động của khách thể nhằm đạt được mục đích của chủ thể. Khi tiếp cận dưới góc độ chính trị học, quản lý là hoạt động của Nhà nước trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch (chiến lược, chương trình,...) trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách, luật pháp nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho việc phát triển nhanh, bền vững đời sống của con người và xã hội.
Điều 8, Hiến pháp năm 2013, quy định “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”[9]. Quan điểm của Đại hội XII cũng khẳng định chức năng của Nhà nước là “quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”[10]. Như vậy, chức năng cơ bản của Nhà nước là kiến tạo môi trường, chính sách, điều kiện cho xã hội phát triển và quản lý quá trình phát triển của xã hội.
Về nhân dân làm chủ
Hiến pháp Việt Nam năm 2013, quy định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”[11]. Quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện trên mọi phương diện, lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội,... Trong đó, quyền làm chủ trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, là cơ sở quyết định xác lập quyền lực của nhân dân với tư cách “Nhân dân là ông chủ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Cũng theo quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 2013, thì “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”[12]. Với tư cách là chủ thể quyền lực tối cao, nhân dân là chủ thể ủy quyền cho các thành tố khác của hệ thống chính trị.
Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý
Trong lịch sử lập hiến của nước ta, từ năm 1945 đến nay đã ban hành 5 năm bản Hiến pháp[13]. Kể từ Hiến pháp năm 1980 đến nay, đều quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Đảng lãnh đạo Nhà nước theo nguyên tắc tôn trọng quyền hạn của các cơ quan Nhà nước được quy định trong pháp hiến pháp và luật. Trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, Đảng không có quyền lực Nhà nước, Đảng chỉ có quyền lực chính trị, Đảng thực hiện sự lãnh đạo chính trị đối với xã hội thông qua Nhà nước - Nhà nước là công cụ, phương tiện để Đảng thực hiện sự lãnh đạo chính trị của mình đối với bản thân Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng không phải với tư cách là một chủ thể quyền lực tối cao, độc lập đứng trên nhà nước hoặc làm thay công việc của Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước là để tổ chức bộ máy Nhà nước, đội ngũ cán bộ và hoạt động của Nhà nước theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng; là để phát huy hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng, vừa mang tính độc lập, vừa mang tính phụ thuộc lẫn nhau. Tính độc lập của Nhà nước thể hiện ở chỗ, Nhà nước trước hết là một tổ chức công quyền, Nhà nước là của nhân dân; quyền lực của Nhà nước khác với quyền lực của Đảng; pháp luật, với tư cách là một phương tiện quản lý riêng có của Nhà nước, gắn liền hữu cơ với Nhà nước. Tính phụ thuộc lẫn nhau, thể hiện ở chỗ, Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải theo đúng định hướng chính trị của Đảng; nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước về bản chất là sự cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách và hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Mặt khác, Tính phụ thuộc lẫn nhau còn thể hiện ở chỗ, uy tín chính trị của Đảng, quyền lực chính trị của Đảng đối với xã hội, chỉ được khẳng định và nâng cao khi tổ chức bộ máy Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sạch, hoạt động có hiệu quả tốt; và ngược lại, để có Nhà nước mạnh, Nhà nước lý tưởng, quan điểm và đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước phải đúng đắn, thích ứng với yêu cầu thực tiễn trong nước và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và nhân dân làm chủ
Trong quan hệ với nhân dân, Đảng với tư cách lãnh đạo, nhưng Đảng không có mục đích tự thân, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài phấn đấu cho lợi ích của nhân dân. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân là nhằm thực hiện những công việc của chính bản thân quần chúng nhân dân, là “lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân”. Sự lãnh đạo của Đảng hướng tới đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.
Đảng lãnh đạo nhân dân không phải bằng mệnh lệnh hành chính, áp đặt, mà bằng thức tỉnh, thuyết phục, thu phục, động viên và tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, nhằm mang lại lợi ích ngày càng nhiều hơn cho nhân dân; Đảng lãnh đạo nhân dân là nhằm định hướng, dẫn dắt và tạo động lực để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Đảng lấy uy tín của mình là một Đảng có “đạo đức và văn minh” để thuyết phục quần chúng nhân dân đi theo và đồng tình thực hiện các cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đảng lãnh đạo nhân dân, và muốn lãnh đạo cho thật tốt, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, thì “Việc gì cũng hỏi ý kiến quần chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”[14]. Sức mạnh và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân phụ thuộc vào mối liên hệ của Đảng với nhân dân, phụ thuộc vào niềm tin và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với Đảng. Do đó, theo Hồ Chí Minh “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”[15]. Đảng không thể hoàn thành sứ mệnh của mình, không thể thực hiện được mục tiêu, lý tưởng của mình, không thể giữ vững được quyền lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, nếu không có sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh: “Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”[16].
Về quan hệ giữa nhân dân làm chủ với Đảng lãnh đạo: Đây là mối quan hệ giữa hai chủ thể quyền lực khác nhau. Nhân dân với tư cách là chủ thể quyền lực tối cao về mọi mặt của đất nước (được quy định trong tất cả các Hiến pháp Việt Nam kể từ Hiến pháp năm 1946, đến Hiến pháp năm 2013), nhân dân ủy quyền cho Đảng quyền lãnh đạo chính trị đối với Nhà nước và xã hội.
Nhân dân là lực lượng vật chất to lớn, không có nhân dân, Đảng không có lực lượng để lãnh đạo; nhân dân là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Đảng. Quyền làm chủ của nhân dân tỷ lệ thuận với quyền lãnh đạo chính trị của Đảng. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng có ý nghĩa quyết định và là thước đo uy tín, hiệu quả lãnh đạo chính trị của Đảng.
Mối quan hệ giữa Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhà nước là một thực thể quyền lực được nhân dân ủy quyền, đó là quyền lực quản lý. Các cơ quan nhà nước được nhân dân trao quyền thông qua việc cử những người đại diện cho mình đảm nhiệm các công việc nhà nước. Sức mạnh của Nhà nước, kể cả sức mạnh cưỡng chế của nhà nước cũng là từ nhân dân mà ra. Quyền lực nhà nước là biểu hiện tập trung nhất của quyền lực nhân dân.
Trong mối quan hệ Nhà nước với nhân dân, điều 3, Hiến pháp năm 2013 quy định nghĩa vụ của nhà nước đối với nhân dân là “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”[17]; “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”[18]. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Nhân dân trực tiếp bầu ra Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất - Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam (gọi tắt là: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội), là những tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đồng thời tham gia xây dựng Nhà nước.
Về cấu trúc cơ bản, hệ thống chính trị nước ta hiện nay gồm ba thành tố trụ cột, đó là Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối mới hệ thống chính trị thực chất là đổi mới tổ chức bộ máy, nhân sự của bộ máy, phương thức hoạt động của các thành tố và mối quan hệ giữa các thành tố của hệ thống chính trị; tạo ra sự vận hành hợp lý, thông suốt, hiệu quả của cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra chủ trương xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo phương hướng, nhiệm vụ cụ thể là “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”[19]. Như vậy, bản chất của phương hướng, nhiệm vụ nêu trên là hoàn thiện thể chế, cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" trên các phương diện như:
Thứ nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng
Đại hội XII chỉ rõ, đó là “Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; tăng cường lãnh đạo việc thể chế hoá và việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; lãnh đạo việc bố trí cán bộ và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của đội ngũ cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội”[20]. Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trước hết phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề hàng đầu, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bởi Đảng tuy cũng là một thành tố của hệ thống chính trị, nhưng là thành tố trung tâm lãnh đạo của hệ thống chính trị. Chính vì vậy, Đại hội XII nhấn mạnh phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết là tổ chức Đảng và các đảng viên. Đại hội XII xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ (2016-2020), với nội dung cơ bản là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”[21].
Sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Đảng, do đó phải đổi mới bộ máy của Đảng và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Nghiêm túc thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
Để thuyết phục quần chúng nhân dân đi theo, ủng hộ, thực hiện cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, Báo cáo Chính trị của Đại hội XII chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, “Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”[22].
Đảng cầm quyền là Đảng giữ vai trò lãnh đạo, chi phối toàn bộ hệ thống chính trị, vì vậy phải đổi mới phương thức lãnh đạo, mà trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo trong hệ thống tổ chức của Đảng; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương tới cơ sở; tiếp theo là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước. Quan điểm của Đại hội XII về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong tổng thể vận hành của hệ thống chính trị, là “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các chủ trương, chính sách lớn, lãnh đạo thể chế hoá các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực, lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp”[23].
Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội.
Trong cấu trúc hệ thống chính trị, Nhà nước là tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị - thành tố trung tâm của hệ thống chính trị. Đại hội XII xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị[24]. Đại hội XII cũng đề ra nhiệm vụ lãnh đạo “Nhà nước thể chế hoá nghị quyết của Đảng, xây dựng, tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, bảo đảm các loại thị trường ngày càng hoàn thiện và vận hành thông suốt, cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát độc quyền kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”[25].
Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được thực hiện đồng thời với đổi mới kinh tế. Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hoàn thiện cơ chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động lập pháp của Quốc hội. Tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, chủ trương của Đại hội XII là chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó “Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức. Đẩy mạnh dân chủ hoá công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới”[26]
Thứ ba, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân
Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Đại hội XII xác định nhiệm vụ cụ thể: “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; bảo đảm quyền tự do, dân chủ trong hoạt động kinh tế của người dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và giám sát việc thực hiện thể chế kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội”[27].
Hệ thống chính trị nước ta là một hình thức tổ chức thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân, là phương thức quan trọng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, chủ trương của Đại hội XII là: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”[28].
Trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với tư cách là đại diện cho nhân dân, có vai trò đặc biệt quan trọng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Đại hội XII đề ra yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc[29]. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.
Về phương hướng và nhiệm vụ xây dựng các tổ chức đại diện cho nhân dân như: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Đại hội XII đề ra các chủ trương: Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; nhận thức đúng và nâng cao vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh dân chủ hoá xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền[30].
Tóm lại, mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là mối quan hệ hữu cơ, biện chứng. Đại hội XII của Đảng coi đây là một trong 8 mối quan hệ lớn[31], và xác định việc tiếp tục quán triệt, xử lý tốt các mối quan hệ lớn này, là một trong 12 nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020. Đối với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở nước ta thì việc quán triệt và xử lý tốt mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, trở thành vấn đề trọng yếu, vấn đề quyết định. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng đã đề ra những phương hướng, chủ trương cụ thể về đổi mới tổ chức, nhân sự, phương thức hoạt động đối với các thành tố của hệ thống chính trị. Đảng cũng đề ra các giải pháp lớn để tăng cường, phát huy mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mà thực chất là tăng cường, phát huy cơ chế vận hành của hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đối mới. Việc thực hiện tốt những phương hướng, chủ trương của Đại hội XII về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh sẽ thiết thực góp phần hoàn thành những mục tiêu tổng quát cơ bản trong 5 năm tới, là: “...Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”[32].
PGS,TS. Đinh Xuân Lý
Tạp chí Triết học, số 11, tháng 11/2016
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr210-211.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H 2011, tr72-73.
[3] GS,TS. Lê Hữu Nghĩa, GS,TS. Hoàng Chí Bảo, PGS,TS. Bùi Đình Bôn (Đồng chủ biên): Đổi mới quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2008, tr14.
[4] GS,TS. Lê Hữu Nghĩa, GS,TS. Hoàng Chí Bảo, PGS,TS. Bùi Đình Bôn (Đồng chủ biên): Đổi mới quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2008, tr 59.
[5] Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2014, tr9.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr214-215.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H 2011, tr88-89.
[8] GS,TS. Nguyễn Phú Trọng-PGS,TS. Tô Huy Rứa-PGS,TS. Trần Khắc Việt (Đồng chủ biên): Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia, H.2004, tr63-64.
[9] Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2014, tr 11.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr176.
[11] Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2014, tr 8-9.
[12] Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2014, tr 10.
[13] Đó là: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (năm 2001, Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng không thay đổi tên Hiến pháp) và Hiến pháp năm 2013 – Hiến pháp hiện hành.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập5, Nxb chính trị quốc gia, H 2011, tr334.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập4, Nxb chính trị quốc gia, H 2000, tr56-57.
[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập3, Nxb chính trị quốc gia, H 2011, tr 68.
[17] Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2014, tr9.
[18] Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2014, tr 11.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr 111.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr111-112.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr217.
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr215.
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr214.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr175.
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr112.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr180.
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr112.
[28] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr169.
[29] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr214.
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr170..
[31] Đó là các mối quan hệ: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr 80).
[32] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr429-430.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn