Bài viết “Nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế - từ chủ trương của Đảng đến thực tiễn” của PGS. TS. Đinh Xuân Lý

Thứ hai - 08/06/2020 07:13
Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế - từ chủ trương của Đảng đến thực tiễn” của PGS. TS. Đinh Xuân Lý, được đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 8 -2019.

Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế - từ chủ trương của Đảng đến thực tiễn” của PGS. TS. Đinh Xuân Lý, được đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 8 -2019.

     Một trong những mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm (2016-2020) được Đại hội Đảng lần thứ XII (1-2016) xác định là: Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đây là một chủ trương lớn về chính trị đối ngoại, phản ánh kết quả tiến trình nhận thức và hoạt động thực tiễn đối ngoại Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ đổi mới. Quá trình thực hiện chủ trương của Đảng đạt được nhiều thành tựu, trong đó những sự kiện đối ngoại diễn ra nửa đầu năm 2019 như: Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, là những minh chứng thành công trong thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XII.

Từ khóa: Đường lối đối ngoại của Đảng; Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam; ASEAN; APEC; WTO; CPTPP

 

  1. Từ phá thế bị bao vây cô lập và cấm vận, đến xác lập vị thế đất nước trong khu vực

     Thời kỳ chiến tranh lạnh, về cơ bản Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại mang tính ý thức hệ - tập trung quan hệ với các nước theo chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1979, cùng với ảnh hưởng của sự kiện Campuchia*, trên phạm vi thế giới hình thành liên minh bao vây cô lập, cấm vận Việt Nam. Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN - Association of Southeast Asian Nations) trở thành một nhân tố trong liên minh đó. Quan hệ Việt Nam với tổ chức ASEAN lâm vào tình trạng căng thẳng, đối đầu. Việt Nam gặp khó khăn cả về đối nội và đối ngoại.

     Tại Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12-1986), mặc dù Đảng đã đề ra tư tưởng chỉ đạo "phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới"[1], nhưng định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam trong văn kiện Đại hội VI vẫn xác định là: “Tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”[2]. Đối với khu vực Đông Nam Á, Đảng coi quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương là “quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em”[3]; chủ trương tăng cường liên minh ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia làm đối trọng với các nước ASEAN. Việc thực thi chính sách đối ngoại theo quan điểm trên, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến quan hệ Việt Nam với nhiều nước trên thế giới và tổ chức ASEAN diễn biến phức tạp, bất lợi cho cách mạng Việt Nam. Nhu cầu đưa đất nước ra khỏi thế bị bao vây cô lập, cấm vận, và ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội đặt ra một cách cấp thiết.

     Một năm rưỡi sau Đại hội VI, ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW, Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Nghị quyết 13 được một số nhà nghiên cứu nước ngoài coi là bước ngoặt định hướng chính sách đối ngoại đa phương hoá của Việt Nam[4]; là dấu mốc “chuyển từ đường lối đối ngoại mang đậm tư tưởng ý thức hệ sang đường lối đối ngoại coi trọng lợi ích quốc gia và tư tưởng chính trị thực tế”[5]. Nghị quyết 13 khẳng định "lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hoà bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế"[6]. Đối với Đông Nam Á, Nghị quyết 13 thể hiện quan điểm của Đảng là góp phần xây dựng khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

     Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu, khoá VI (3-1989) chủ trương: "xây dựng mối quan hệ mới với các nước ASEAN, tham gia tích cực vào việc biến Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác"[7]. Hội nghị Trung ương khoá VII lần thứ ba (tháng 6-1992) đề ra yêu cầu tham gia Hiệp ước Bali, tham gia các diễn đàn đối thoại với ASEAN. Hội nghị giữa nhiệm kỳ, khoá VII (tháng 1-1994), Đảng đặt vấn đề “có thể gia nhập ASEAN vào thời điểm thích hợp”.

     Như vậy, chỉ trong thời gian từ tháng 5-1988 đến tháng 1-1994, quan điểm của Đảng về khu vực đã có sự chuyển biến từ chủ trương “góp phần xây dựng” đến “tham gia tích cực”, đến “gia nhập ASEAN vào thời điểm thích hợp”, thể hiện ý thức của Việt Nam về hội nhập khu vực đã trở nên rõ ràng.

     Từ năm 1994, Việt Nam tích cực xúc tiến các công việc chuẩn bị thiết thực để sớm trở thành thành viên của ASEAN. Ngày 28-7-1995, tại Brunây Darussalem, diễn ra lễ trọng thể kết nạp Việt Nam làm thành viên chính thức và đầy đủ của ASEAN. Đây là sự kiện đánh dấu Việt Nam hội nhập khu vực Đông Nam Á, xác lập vị thế đất nước trong khu vực, và là bước đi đầu tiên của tiến trình hội nhập quốc tế trong thời gian tiếp theo.

Trong quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực được đánh giá phát triển năng động nhất của thế giới, có tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC - the Asia Pacific Economic Cooperation). APEC là một tổ chức hợp tác kinh tế liên châu lục có quy mô lớn nhất thế giới, có tiềm lực mạnh bậc nhất thế giới*. Từ sau năm 1989, các nước thành viên APEC là “các đối tác chủ yếu về kinh tế, thương mại và đầu tư, chiếm tới 80% kim ngạch ngoại thương của Việt Nam"[8].

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của APEC đối với Việt Nam, Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6-1991), chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994) của Đảng đề ra phương hướng đối ngoại thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển với tất cả các nước lớn, các trung tâm kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương. Từ năm 1995, Việt Nam tích cực giải quyết các vướng mắc, trở ngại trong quan hệ song phương với các thành viên tổ chức APEC, mở ra môi trường thuận lợi cho quan hệ Việt Nam với tổ chức APEC. Đại hội Đảng lần thứ VIII (tháng 6-1996), chủ trương “xúc tiến việc tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)"[9].

Về phía APEC, đến Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ năm (tháng 11-1997) vấn đề Việt Nam gia nhập APEC đã đạt sự đồng thuận. Tại Hội nghị Ngoại trưởng APEC (tháng 11-1998), Việt Nam được kết nạp làm thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Tham gia APEC là tham gia vào tổ chức khu vực liên châu lục, do đó, việc trở thành thành viên của APEC là bước phát triển mới trên hành trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Sự kiện này không những đánh dấu vị thế mới của Việt Nam trong quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn mở ra những điều kiện thuận lợi cho quá trình Việt Nam tiếp tục tham gia vào các tổ chức hợp tác quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

     Hội nhập kinh tế - thương mại toàn cầu: Từ Đại hội lần thứ VIII, Đảng đã khẳng định mạnh mẽ quan điểm “Hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực”[10]. Đại hội Đảng lần thứ IX (tháng 4-2001) đề ra yêu cầu cần xúc tiến việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO - World Trade Oganization); Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27-11-2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, chủ trương: Tích cực tiến hành đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới theo các phương án và lộ trình hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của nước ta. Đại hội Đảng lần thứ X (tháng 4-2006) nêu quan điểm chỉ đạo: Đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững; hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương.

     Thực hiện chủ trương của Đảng, tính đến đầu tháng 11-2006, Việt Nam đã hoàn thành 14 phiên đàm phán đa phương và đàm phán với 28 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương. Ngày 7-11-2006, tại phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng WTO đã chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO. Ngày 11-1-2007, WTO nhận được quyết định phê chuẩn chính thức của Quốc hội nước Việt Nam. Kể từ đây, Việt Nam trở thành thành viên chính thức và đầy đủ thứ 150 của tổ chức thương mại toàn cầu.

     Đánh giá về sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của WTO, quan chức cao cấp của các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và thương mại đều cho rằng, việc Việt Nam gia nhập WTO đã “khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn”; “làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài”…

  1. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế

     Từ kết quả hội nhập các cơ chế đa phương, như cơ chế tiểu khu vực (ASEAN), cơ chế khu vực liên châu lục (APEC) và cơ chế kinh tế - thương mại toàn cầu (WTO), đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại rộng mở, đã tạo được môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước và qua đó nâng cao vị thế nước ta trong cộng đồng thế giới. Đó là nền tảng lý luận và thực tiễn để Đại hội Đảng lần thứ X đề ra định hướng chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế[11], về sau Đại hội Đảng lần thứ XI (tháng 1-2011) phát triển thành chủ động và tích cực hội nhập quốc tế[12]. Với định hướng này, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mang hàm nghĩa hội nhập rộng mở, hội nhập tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa, xã hội...

     Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đề ra định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới[13].

     Chủ động hội nhập thể hiện sự bình tĩnh, độc lập tự chủ, quyết đoán, không để rơi vào thế lúng túng bị động trong hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tích cực hội nhập thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong chuẩn bị, điều chỉnh, đổi mới bên trong, từ phương thức lãnh đạo, quản lý đến hoạt động thực tiễn hội nhập.

          Chủ động và tích cực hội nhập các cơ chế đa phương, không chỉ là sự chủ động và tích cực trong đàm phán hội nhập, mà còn thể hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, thông qua đó khẳng định vị thế mới của đất nước trong quan hệ kinh tế, chính trị quốc tế đương đại.

     Hoạt động đối ngoại Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2015 theo định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đạt được những thành tựu to lớn:

     Một là, trong 5 năm Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 8 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 3 nước (nâng tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và tổng số đối tác toàn diện lên 10 nước).

     Hai là, đã ký kết và kết thúc đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực và trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.

     Ba là, chủ động, tích cực tham gia các công việc của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế; đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm nước chủ nhà của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132[14].

          Từ những thành tựu đối ngoại đạt được đã kiểm chứng tính đúng đắn của chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đó, Đại hội Đảng lần thứ XII (tháng 1-2016) đề ra chủ trương đối ngoại “nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[15]. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, cũng được Đại hội XII xác định là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm (2016-2020)[16].

     Để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế, theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XII, đối ngoại Việt Nam phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất. Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc…[17]; góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

     Quán triệt chủ trương của Đại hội XII, ngày 5-11-2016, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đề ra yêu cầu “quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế”[18]

     Thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 2017 đến năm 2019, diễn ra nhiều sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên thế giới: Tháng 11 2017, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017. Việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC tạo một diễn đàn quốc tế để Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách ngoại giao đa phương của mình, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón tiếp lãnh đạo các nước lớn như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tạo mối quan hệ đối tác sâu rộng với các nước này. Thông qua việc tham gia tích cực vào các hoạt động tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

     Sự kiện tiếp theo là ngày 12-11-2018, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[19] cùng các văn kiện liên quan. Việt Nam trở thành nước thứ 7 trong số 11 nước thành viên phê chuẩn hiệp định và theo quy định ngày 14-1-2019, CPTPP bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam.

     Dưới góc độ chính trị đối ngoại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhận định về sự kiện này, như sau: “Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia CPTPP. Đây là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định vai trò, vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và trên trường quốc tế”[20].

     Trong nửa đầu năm 2019 diễn ra 2 sự kiện đối ngoại tiêu biểu: Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên (tháng 2-2019). Đây là hội nghị giải quyết một trong những vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực nóng bỏng nhất – không phổ biến hạt nhân và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, việc chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Hội nghị cho thấy tất cả các bên liên quan, bao gồm Hoa Kỳ, Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc, đều tin tưởng Việt Nam là một nước chủ nhà đáng tin cậy; sự kiện này sẽ làm cho Việt Nam được cả thế giới chú ý và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng góp phần thể hiện nguyện vọng của Việt Nam muốn đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực.

    Sự kiện thứ 2: Ngày 7-6-2019, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021[21], với số phiếu ủng hộ là 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc.

      Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc. Đây là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại các mối đe dọa đối với hoà bình hoặc phá hoại hoà bình và đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế[22].

     Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhận định việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế”[23].

     Sự kiện Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được dư luận thế giới coi là cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế và quốc gia đó sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề cấp bách nhất liên quan tới hòa bình và an ninh thế giới”[24].

    Thực tiễn đối ngoại hơn 30 năm qua, cho thấy chủ trương Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trưởng quốc tế, là một chủ trương lớn về chính trị đối ngoại, được hình thành từ kết quả tiến trình đổi mới tư duy đối ngoại - chuyển từ tư duy đối ngoại ý thức hệ thời chiến tranh lạnh sang tư duy đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế trên nền tảng nhất quán “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[25]; chủ trương lớn về chính trị đối ngoại đó cũng được hình thành từ kết quả thực tiễn quá trình thực hiện thắng lợi phá thế bị bao vây cô lập và cấm vận của các thế lực thù địch, xác lập vị thế đất nước trong khu vực, đến chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Thành tựu đối ngoại nói chung, trong đó có những thành tựu trực tiếp đưa đất nước lên vị trí, uy tín cao hơn trong khu vực và trên thế giới, đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại đổi mới và chủ trương đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

     .

* Sự kiện Campuchia: Ngày 7-1-1979, quân đội Việt Nam theo lời kêu gọi của Măt trận cứu nguy dân tộc Campuchia đã tiến vào Phnôm pênh, đánh đuổi Khmer đỏ, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi hoạ diệt chủng.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, H 1987, tr30.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, H 1987, tr99;100.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, H 1987, tr100.

[4] Edited by, Carlyle A. Thayer, Ramses Amer: Vietnamese Foreign Policy in Transition, Institute of Southeast Asian Studies, tr2-3.

[5] Edited by, Carlyle A. Thayer, Ramses Amer: Vietnamese Foreign Policy in Transition, Institute of Southeast Asian Studies, tr1.

[6] Nguyễn Cơ Thạch: Những chuyển biến trên thế giới và tư duy mới của chúng ta, Tạp chi Quan hệ Quốc tế, số 1, 1-1990, tr7.

[7] Đảng cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá VI, H.1989, tr40.

* Lúc thành lập APEC có 12 nước thành viên là: Mỹ, Canađa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunây, Inđônêxia, Xinggapo, Malaixia, Philippin, Thái Lan, ôxtrâylia và Niudilân; trong APEC có 2 trong số 3 trung tâm kinh tế thế giới là Mỹ và Nhật Bản là thành viên APEC.

[8] Bộ Ngoại giao, Vụ Tổng hợp kinh tế: APEC Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1998, tr11.

[9] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1996, tr197

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1996, tr120

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2006, tr112.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr235

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr 83-84.

[14] Phạm Bình Minh: Đưa quá trình hội nhập quốc tế vào chiều sâu, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, Tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XII; nguồn: http://dangcongsan.vn/tieu-diem/dua-qua-trinh-hoi-nhap-quoc-te-vao-chieu-sau-phuc-vu-hieu-qua-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-367959.html

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr153.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, tr76,tr79.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, tr155-156.

[18] Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, số 06-NQ/TW, ngày 05 tháng 11 năm 2016,  Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới:http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/toan-van-nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-tu-bch-tw-dang-khoa-xii-ve-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-415053.html

[19]  Hiệp định CPTPP, được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết vào tháng 3-2018 tại Chile. Hiệp định CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, và thực hiện từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp trong một khu vực kinh tế tự do, với khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.

[20] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam http://dangcongsan.vn/thoi-su/tao-nen-tang-vung-chac-de-dat-nuoc-phat-trien-doi-moi-va-hoi-nhap-510899.html)

[21] Trước đó, Việt Nam đã được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.

[22] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-chinh-thuc-tro-thanh-uy-vien-khong-thuong-truc-hdba-lhq-524871.html

[23] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://www.cpv.org.vn/thoi-su/-viet-nam-doi-tac-tin-cay-vi-hoa-binh-ben-vung-524879.html

[24] Thành Đạt: Báo quốc tế đồng loạt đưa tin Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, thứ Bảy 08/06/2019, https://dantri.com.vn/the-gioi/bao-quoc-te-dong-loat-dua-tin-viet-nam-trung-cu-uy-vien-khong-thuong-truc-hoi-dong-bao-an-20190608072541416.htm

[25] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, tr153.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây