GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024

Thứ năm - 10/10/2024 13:47
Ngày 8/10/2024, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức biểu dương điển hình tiên tiến; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024. GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Đảng ủy của ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn được vinh danh là một trong mười Công dân Thủ đô ưu tú.
Tại Hội nghị "Biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024", Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng T.Ư và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP đã trân trọng trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024 cho 10 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực. Năm nay, các cá nhân có đóng góp nổi bật được thể hiện qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển của Thủ đô đã được ghi nhận và vinh danh.

Việc được vinh danh Công dân Thủ đô năm 2024 là niềm tự hào của cá nhân giáo sư Phùng Hữu Phú được nhà nước ghi nhận vai trò, đóng góp suốt chặng đường hơn 50 năm đóng góp của ông cho cộng đồng. Trong thời gian công tác tại Hà Nội, ông luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; trực tiếp chủ trì chương trình khoa học cấp Nhà nước về phát huy các tiềm lực, nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững; tham gia Ban chỉ đạo chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Thành ủy Hà Nội. 
GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú, sinh năm 1948 là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (1995-1999). Cùng với tập thể Đảng ủy và Ban giám hiệu, ông sớm hoạch định và dành trọn tâm sức thực hiện phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển Trường ĐHKHXH&NV thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước với những bước đi chắc chắn nhưng không kém phần năng động, đột phá. Hiện nay GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

GS.TS Phùng Hữu Phú từng giữ nhiều trọng trách quan trọng: Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội (2001-2006); Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX, X) (2001-2010); Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (2006-2011); Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN (1995- 1999).
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được vinh danh (ảnh Viết Thành).
 
Có thể kể đến dấu ấn của ông với ĐHQGHN, đó là vào năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ký nghị định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm tạo ra một trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, có sứ mệnh như đầu tàu tạo đà cho những chuyển biến đột phá về chất lượng của hệ thống các trường đại học Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, không phải ngay từ lúc đầu, chủ trương này đã được dư luận xã hội, các cơ quan hữu quan và ngay cả một bộ phận không nhỏ của cán bộ, đảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và các trường thành viên trước đây thấu hiểu và ủng hộ. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Phùng Hữu Phú đã đem hết tài năng và nhiệt tình của mình góp phần vào việc xây dựng và củng cố ĐHQGHN ngay từ những ngày đầu tiên, đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết, nhất trí cao trong đảng bộ và tập thể lãnh đạo.

Trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS Phùng Hữu Phú còn được Đảng bộ thành phố Hà Nội tin tưởng, tín nhiệm trao cho nhiều công tác quan trọng. Năm 1998, ông được Thành ủy Hà Nội cử giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo, kiêm Trưởng ban Đại học. Từ năm 2001, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và được cử giữ chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố.
Cương vị và công tác lãnh đạo của ông ở Thành ủy và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng vẫn gắn chặt với “sân” chuyên môn mà ông say mê học tập và nghiên cứu cả đời. Hơn nữa, ông lại là một cán bộ lãnh đạo luôn luôn lăn lộn với thực tiễn, luôn chú ý, nghiêm túc lắng nghe và học hỏi nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp. Vì vậy, mỗi ý kiến, mỗi việc ông làm, từng bài phát biểu của ông đều giàu tính trí tuệ, nhân văn, vững vàng, sâu sắc mà vẫn dung dị, rất đời thường. 

Do yêu cầu của tổ chức, từ khi ra trường đến nay, GS.TS Phùng Hữu Phú đã đảm nhiệm nhiều công việc, cương vị khác nhau. Nhưng một điều thật đặc biệt, là sự thủy chung hơn 50 năm chưa bao giờ rời xa môi trường đại học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN của ông. Đồng thời với việc góp phần xây dựng ngành sử học, ông đã dành niềm đam mê, tâm huyết và những đóng góp tích cực xây dựng ngành Khoa học Chính trị.
Phát biểu tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 vào ngày 8/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đối với Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và hội nhập quốc tế của cả nước; và với truyền thống là “Thành phố gương mẫu cho cả nước”, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cả về phong trào thi đua truyền thống, phong trào thi đua chuyên đề; sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới, đồng bộ và rộng khắp, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân Thủ đô, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh Viết Thành)
Nhấn mạnh, đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình với khó khăn, thuận lợi đan xen, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, mong muốn, Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự chung sức, đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân để cùng nhau phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại” xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Theo VNU Media

Tác giả: FPS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây