Tản mạn về một người thầy - Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn

Thứ ba - 16/11/2021 14:33
Tản mạn về một người thầy - Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn

Phó giáo sư, Nhà giáo nhân dân (PGS, NGND) Lê Mậu Hãn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh vừa qua đời, hưởng thọ 90 tuổi.
Để chia buồn với gia đình và nhà trường, Báo Quân đội nhân dân điện tử đăng bài “Tản mạn về một người thầy - Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn” của TS Lưu Trần Luân, in trong cuốn sách “Hành trình đến chân lý lịch sử”, NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2005, nhân dịp ông 70 tuổi.

Dồn tâm sức cho sự nghiệp đào tạo

Hơn bốn mươi năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý, thầy dồn tâm sức cho sự nghiệp đào tạo. Đặc biệt 15 năm (1975-1990) là quãng đời sung mãn nhất, thầy tập trung mọi nỗ lực cho việc quản lý, truyền thụ kiến thức cho lớp lớp các học trò Khoa Sử.

Hàng nghìn cán bộ nghiên cứu và quản lý các cơ quan khoa học, các cơ quan công quyền từ Trung ương đến địa phương và các trường đại học trong cả nước thầy từng góp công đào tạo. Thầy có quyền tự hào các anh Hồng Vinh, Phùng Hữu Phú, Phạm Quang Nghị, Phan Xuân Biên, Trần Đức Cường, Trịnh Thúc Huỳnh, Dương Trung Quốc, Trình Mưu, Mạch Quang Thắng, Triệu Quang Tiến, Đinh Thu Cúc, Nguyễn Văn Lịch... từng là học trò cũ của thầy.

Tản mạn về một người thầy - Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn
PGS, NGND Lê Mậu Hãn. Ảnh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 

Ở thầy Hãn, qua nhiều năm, tôi thấy thầy có một đức tính cực kỳ quý. Hàng nghìn học trò của thầy có người thành danh, có người khuất lấp, mỗi người một tính cách và đối với thầy cũng mỗi người một vẻ. Nghiêm khắc là vậy nhưng tôi thấy thầy chưa trách bỏ một người nào. Và các anh, các chị cũng quý trọng thầy mỗi người mỗi cách, mặc dù có những người từ rất lâu không gặp.

Hơn nửa năm trước tôi có gặp anh Hồng Vinh để báo cáo công việc. Nhân đây tôi có trình bày với anh dự định của mấy anh em tổ chức một cuốn sách gồm các cựu sinh viên Khoa Sử viết nhằm tri ân nhân thầy bảy mươi tuổi. Anh xúc động khi biết thầy Hãn năm nay đã bảy mươi và hoan nghênh ý tưởng của mấy anh em, vì theo anh, thầy khổ lắm, tốt lắm, đáng kính trọng và nhiều công lao lắm.

Xuất bản một cuốn sách về thầy là một việc rất nên làm, cần tổ chức cho được. Anh hứa sẽ viết bài. Chúng tôi đã gửi giấy mời, nhưng mới đây, Tiến sĩ Hoàng Hồng đã nhận được thư cáo lỗi của anh vì lý do công việc đã không thể viết bài cho cuốn sách. Không viết được bài, có thư cáo lỗi, cũng là một tấm lòng, một cách tri ân.

Đối với Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú lại là một trường hợp đặc biệt khác. Tôi biết thầy và anh quý trọng nhau một cách âm thầm, kín đáo.

Trong nhiều năm, việc giảng dạy và truyền bá lịch sử Đảng đều cho Luận cương chính trị năm 1930 do Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo là Cương lĩnh đầu tiên và sáng tạo của Đảng. Trong việc này, thầy dày công nghiên cứu để tiếp cận chân lý của một sự kiện lịch sử.

Thầy có công chứng minh rằng Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc được Hội nghị thành lập Đảng thông qua mới là Cương lĩnh đầu tiên, một cương lĩnh cách mạng và sáng tạo. Nhân đó, thầy đã viết một chuyên luận ngắn về các cương lĩnh cách mạng của Đảng ta, một tài liệu thiết yếu trong việc học tập và giảng dạy lịch sử Đảng.

Quan điểm này hiện nay được hầu hết các nhà khoa học, đặc biệt được Đảng và nhân dân ta chấp nhận và tiếp tục phấn đấu theo tư tưởng của Người. Sự vĩ đại của Bác chính là những tư tưởng vượt thời đại, những học trò của Người do những hạn chế của lịch sử chi phối, không phải ai cũng có thể hiểu và thực hiện đầy đủ.

Trong số các nhà khoa học, thầy say mê nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh một cách nhiệt thành. Mấy năm gần đây, thầy bắt đầu nghiền ngẫm, có hướng đi sâu vào nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc trong cách mạng Việt Nam và trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Thầy đã xuất bản hẳn một cuốn sách tập hợp một số bài báo khoa học về chủ đề này. Hướng nghiên cứu này của thầy được rất nhiều nhà nghiên cứu cổ vũ, trong đó có những học trò cũ của thầy là Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng, Dương Trung Quốc…đặc biệt là nhà báo Hoàng Tùng, nhưng tôi cứ thấy băn khoăn.

Cũng từ đầu những năm 1990, dưới sự bảo trợ của Văn phòng Quốc hội, thầy bắt đầu nghiên cứu lịch sử Quốc hội Việt Nam với sự cộng tác của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thư, mở đầu cho việc nghiên cứu toàn diện lịch sử Nhà nước Việt Nam mới.

Hai công trình khoa học Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1960-1976 của thầy đã được xuất bản, và Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1977-2005 đang được nghiên cứu, xứng đáng được đặt trong một chương trình khoa học cấp nhà nước.

Việc xuất bản lịch sử cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã thúc đẩy việc nghiên cứu lịch sử Chính phủ Việt Nam, cho nên năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam do Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban, trong đó thầy là một thành viên, và được chỉ định chủ trì nghiên cứu giai đoạn 1945-1955. Hiện nay việc xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-1955 đang được chúng tôi gấp rút hoàn thành, và sẽ ra mắt bạn đọc vào một ngày gần đây.

Phần lớn những công trình khoa học của thầy xuất bản ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tôi có may mắn là người biên tập giúp thầy.

Trong cuộc sống riêng tư, thầy là người vô cùng kín đáo. Trừ các thầy cô ở khoa, và một số học trò thân cận, ít người biết gia cảnh của thầy. Phảng phất ở thầy lúc nào cũng như nén một nỗi đau đâu đó.

Người thầy giàu nghị lực

Ai cũng biết thầy giàu nghị lực, nhiều ý chí, đôi lúc vô cùng quyết liệt. Thầy sinh ra ở miền quê nghèo khó của Quảng Trị, cuối cuộc kháng chiến chống Pháp đã lặn lội xách balô ra vùng tự do Liên khu IV để học tập.

Chiến tranh kết thúc, vĩ tuyến 17 qua sông Bến Hải quê thầy thành nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc. Bên kia sông Bến Hải là quê hương và gia đình đau thương của thầy cùng người vợ trẻ. Như bao người con miền Nam trên miền Bắc, thầy nén nỗi đau chia cắt để học tập và làm việc, lấy việc truyền dạy và nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử chiến tranh cách mạng làm nguồn sống tinh thần.

Nghe các thầy và các anh nói lại, ngày xưa thầy Hãn khắc khổ lắm, nhưng đằng sau sự khắc khổ cũng ẩn chứa lắm đào hoa. Năm 1974, trong một chuyến công tác vào vùng giải phóng Quảng Trị, Giáo sư Phan Hữu Dật đã đón được cô ra Hà Nội. Xe về đến Mễ Trì, dừng trước nhà C1 trong đêm tối, thầy Dật từ dưới sân gọi vang lên trên gác báo tin và bất ngờ trao cô cho thầy. Tập thể Khoa bàng hoàng và đấy là một sự kiện của Khoa những ngày miền Nam còn trong khói lửa.

Đất nước thống nhất đã được mấy năm, sau khi sắp xếp và được tổ chức cho phép cô mới ra ở hẳn với thầy khi cả hai đều không còn trẻ.

Cô là người mau chuyện, xởi lởi, tốt tính, quý khách và dễ gần nhưng lúc nào cũng toát lên vẻ kiên định, từng trải của người nhiều năm lăn lộn với phong trào cơ sở qua khốc liệt chiến tranh. Cô chăm chút cho thầy từng ly, từng tí như gấp gáp bù đắp cho thầy sau gần ba mươi năm chia xa vời vợi. Những đóng góp của thầy cho Khoa, cho Trường và cho nền sử học nước nhà có công lao không nhỏ của cô, của gia đình bé nhỏ, gian khó làm bệ đỡ cho thầy.

Mấy năm gần đây, trong căn nhà chật chội của thầy đầy ắp tiếng trẻ thơ. Cô cháu ngoại của thầy xinh như một con búp bê và hay làm nũng ngoại. Những lúc bắt gặp thầy đang chiều cô búp bê bé nhỏ luôn mồm thơ ngây gọi ngoại, tôi thấy khuôn mặt thầy rạng ngời, mái tóc dài bạc trắng, bồng bềnh, tôi lặng nhìn và thấy lòng mình ấm lại.

Mừng cho thầy ở tuổi bảy mươi như thanh xuân trở lại. Trông thầy có vẻ phong độ, hào hoa hơn, cường độ làm việc và sức sáng tạo dồi dào, nhiều dự định cùng nhiều quyết tâm nung nấu.

Chúng tôi kỳ vọng và kiêu hãnh về thầy.

TS LƯU TRẦN LUÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây