Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn từ trần ở tuổi 90

Thứ hai - 15/11/2021 21:56
Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn, sinh năm 1932, tại Triệu Phong, Quảng Trị, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hồ Chí Minh học, Huân chương Lao động hạng 2, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 2, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Do tuổi cao, sức yếu đã từ trần hồi 20 giờ 55 ngày 12/11/2021, hưởng thọ 90 tuổi.
 

Phó giáo sư - Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn
PGS. NGND Lê Mậu Hãn, sinh năm 1932, nguyên quán: Triệu Phong, Quảng Trị, Thường trú tại: P211-Đ9, Vĩnh Hồ, Thịnh Quang, Hà Nội; nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hồ Chí Minh học, Huân chương Lao động hạng 2, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 2, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Do tuổi cao, sức yếu đã từ trần hồi 20 giờ 55 ngày 12/11/2021 (tức ngày 08, tháng 10, năm Tân Sửu), hưởng thọ 90 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu từ 13 giờ 30 đến 14 giờ 30 ngày 16/11/2021 tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 14 giờ 45 cùng ngày.
Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội.
Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài viết về Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn với tiêu đề “Lê Mậu Hãn - Nhà sử học trên trận địa tư tưởng”. Bài viết đã được đăng trong cuốn sách “100 chân dung – Một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội” xuất bản năm 2006.
LÊ MẬU HÃN - NHÀ SỬ HỌC TRÊN TRẬN ĐỊA TƯ TƯỞNG
Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, chàng trai Lê Mậu Hãn trong đoàn thanh niên học sinh Quảng Trị ra Bắc tập kết.
Tháng 8/1959, sau một quá trình phấn đấu học tập không mệt mỏi cũng như GS. Phan Đại Doãn, GS. Vũ Dương Ninh, PGS. Vũ Văn Bân… PGS. Lê Mậu Hãn là một trong số 17 sinh viên khoá 1 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được giữ lại để bổ sung cho đội ngũ cán bộ giảng dạy khoa học Lịch sử. Cùng với Khoa Lịch sử, thầy đã đi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở nơi sơ tán, mặc dù bận rộn với công tác, với công việc nghiên cứu giảng dạy, được sống với đám học trò tươi trẻ miệt mài học tập, nhưng trong trái tim thầy vẫn không nguôi nỗi nhớ người vợ trẻ ở phía Nam vĩ tuyến 17. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước hoà bình, độc lập, thống nhất, ra sức khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế và văn hóa; náo nức bước vào thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Cùng năm ấy, thầy được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử và đảm nhiệm một mảng chuyên môn quan trọng là làm sáng tỏ những vấn đề có tính chiến lược trong Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các cương lĩnh chính trị, trong đường lối quân sự, ngoại giao và trong vấn đề xây dựng Đảng. Trong bút pháp của thầy có cả tính Đảng, tính khoa học, đặc biệt có tính chiến đấu rất cao. Nếu có dịp đọc lại "Hồ Chí Minh với ngọn cờ độc lập dân tộc trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng" đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 (53) năm 1990 (tr.18-23) ta sẽ thấy một tư duy sử học mới và mạnh bạo, qua những văn kiện có tính chất cương lĩnh của hội nghị hợp nhất là Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt (3.2.1930) và Luận cương chánh trị tháng 10. Thầy đã đề cập tới nhiều vấn đề mà lịch sử cần nghiên cứu, điều chỉnh, định vị lại những sự kiện như tự thân nó đã có trong lịch sử. Thầy luôn luôn luận giải những tư tưởng chính trị của Hội nghị hợp nhất và thực tiễn của cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã chứng minh về vai trò lãnh đạo và đường lối chính trị của Đảng dược nêu trong cương lĩnh đầu tiên do Hồ Chí Minh soạn thảo phù hợp với yêu cầu khách quan của quần chúng, của dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại, được quần chúng thừa nhận và quyết tâm biến nó thành thực tiễn trong cuộc đấu tranh để giành lấy độc lập, tự do và quyền làm chủ vận mệnh của dân tộc.
Có được kết quả ấy là do sự lựa chọn có tính chuẩn mực con đường phát triển dân tộc đầu năm 1930 mà trước hết và căn bản là nhờ Nguyễn Ái Quốc "Đã áp dụng một cách tài tình chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác và Lênin trên cơ sở triết lý lịch sử phương Đông và tư tưởng nhân văn truyền thống" kết hợp với những điều kiện kinh tế, chính trị của Việt Nam.
Trái với tính "cương" của một "sĩ phu miền Trung" thời hiện đại, đôi khi làm cho một ai đó không vừa lòng, nhưng ở thầy là cả một tình yêu mênh mông đối với nhân dân, đất nước. Những ai đã từng một lần nghe thầy giảng, đọc bài thầy viết, chắc hẳn sẽ khó quên thầy luận giải những vấn đề có tính chiến lược trong cách mạng. Thân thương gần gũi với học trò, với đồng nghiệp, thanh cao giản dị trong cuộc sống đời thường, nhạy cảm trước thời cuộc và kiên quyết trên trận địa đấu tranh tư tưởng chính trị là những phẩm chất dễ thấy ở thầy. Thầy viết: "Hiện nay những phần tử cơ hội về chính trị, và bọn phản động trên thế giới cũng như ở trong nước đang tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chống lại con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, vu cáo xuyên tạc cuộc đời hoạt động của một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta; không ngoài mục đích nào khác là nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ CNXH... trong tình hình đó việc củng cố và nâng cao trận địa công tác tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ sự thật trong sáng trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và các lãnh tụ của Đảng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn chính trị nóng hổi" (Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6.1998).
Thầy thường nói với chúng tôi chuyện khen chê trong cuộc sống và suy rộng ra trong lịch sử cũng là chuyện bình thường, với khen chê nhà nghiên cứu có thể góp phần làm cho mọi vấn đề trở nên rõ ràng hơn. Nhưng điều quan trọng là qua khen chê để rút ra những kinh nghiệm, hoàn chỉnh thêm nhận thức cho con người, cho một tổ chức mà cao hơn là cho đường lối chính sách của Đảng và của Nhà nước. Nghiên cứu một thiếu sót của Đảng, một tổ chức, một đoàn thể, đối với người làm sử không phải để bêu diếu xã hội như những kẻ thù của nhân dân thường sử dụng để tiến công nhằm thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng. Người làm sử cũng như các bác sĩ phẫu thuật cầm dao mổ phải biết rạch đúng chỗ, phải biết loại bỏ những gì không thích hợp đối với cơ thể con người và phải biết khâu vá để hồi sức nhanh và phát triển tốt. Trong lịch sử, có thời kỳ vì quá say mê tuyên truyền, chúng ra đã phủ sóng, che lấp cả những thiếu sót. Nếu cứ làm như vậy, không sớm thì muộn, sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng phản kích, làm cho quần chúng mất dần lòng tin ở Đảng, gây nguy hại và từng bước làm suy yếu Đảng. Nói thẳng, nói thật, xưa nay đã có trong nguyên tắc tập trung dân chủ, trong việc tự phê bình và phê bình, trong bản chất của Đảng; nguyên tắc đó đã được khẳng định lại một lần nữa trong đường lối đổi mới của Đảng như là một điều kiện để tồn tại và hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của mình. Có lẽ xuất phát từ đó mà thầy nhắc nhở chúng tôi không được "ngụy tạo" trong khoa học, đặc biệt là khoa học Lịch sử Đảng, cần phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều khi cầm bút…
Trong nhiều năm gần đây, tại nhiều cuộc họp của Khoa cũng như Bộ môn, khi bàn tới công tác quy hoạch đào tạo cán bộ, nhiều cán bộ giảng dạy và nghiên cứu nay là những phó giáo sư, tiến sĩ thường cảm kích kể lại rằng, chính thầy Lê Mậu Hãn là người đầu tiên chủ trương "phó tiến sĩ hóa" và thầy là người trực tiếp tham gia hướng dẫn, giúp đỡ nhiều anh chị em trong và ngoài Khoa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Sử học. Thầy nói: Bằng cấp có thể chưa hoàn toàn phản ánh năng lực của con người, nhưng nó như một điều kiện bắt buộc thúc đẩy người ta phải cố gắng vươn lên tương xứng với nhiệm vụ của mình. Đối với thầy giáo, làm được điều đó cũng là cách nêu gương, động viên thanh niên, sinh viên rèn luyện phấn đấu trở thành nhà khoa học; phải chấm dứt tình trạng cử nhân đào tạo cử nhân - một giải pháp có tính chất tình thế chỉ được phép tồn tại trong thời chiến hoặc trong lúc đất nước ta chưa có điều kiện để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy… Trong chặng đường đầu của bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta "Bắt buộc đội ngũ giáo viên không chỉ nâng cao trình độ tư tưởng mà phải nhanh chóng vươn lên trong học tập để nâng cao trình độ khoa học của mình - một biện pháp rất cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo. Có một đội ngũ thầy giáo tốt sẽ có nhiều trò giỏi".
Đối với cán bộ trẻ, thầy thường nhắc nhở, trao đổi về con đường danh nghiệp, xây dựng nên tâm lý tự lập cho từng người, điều đó tạo nên một sự cuốn hút với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành Lịch sử Đảng, Lịch sử cận hiện đại Việt Nam.
Qua nhiều năm tham gia xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình cho môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở bậc đại học và cao đẳng, hướng dẫn khoa học, hướng dẫn và tham gia biên tập lịch sử địa phương, thầy càng thấm thía ý nghĩa của công việc. Thầy trao đổi với chúng tôi: "Khoa học lịch sử là một trong những công cụ để nâng cao nhận thức, từ quá khứ để góp phần nhận thức hiện tại và định hướng tương lai. Việc xác định mục tiêu chiến lược, những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và tư tưởng, những biện pháp thực hiện nó cần phải tính đến những kinh nghiệm lịch sử - thắng lợi cũng như thất bại, sáng tạo cũng như giáo điều, rập khuôn máy móc, "tả" cũng như "hữu" trong lãnh đạo chính trị, tổ chức thực tiễn"; "Trong công tác nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội, trong công tác tư tưởng tuyên truyền có nhiều mặt liên quan tới khoa học Lịch sử Đảng cũng đang gặp phải những lúng túng mới, chưa biết vượt qua như thế nào. Tài liệu để giảng dạy đã biên soạn từ lâu, nhiều nhận định đã lạc hậu, tình trạng thiếu thống nhất còn khá phổ biến. Đó là chưa kể đến sự chi phối khá nặng nề của tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, sự yếu kém về lý luận, sự tha hóa trong xã hội do kinh tế thị trường, do đồng tiền làm cho bộ phận sinh viên trong các trường học không thích môn Lịch sử Đảng".
Tình hình đó đòi hỏi các nhà khoa học Lịch sử Đảng phải có tâm huyết, có thái độ khoa học nghiêm túc, trung thực và dũng cảm, phải tìm hiểu và nghiên cứu với một tinh thần phê phán, có tính chất đấu cao để nhận chân cái đúng, phê phán cái sai, tìm ra những bài học lịch sử góp phần củng cố trận địa chính trị, tư tưởng.
Đã sống gần 50 năm trên đất Thủ đô, PGS. NGND. Lê Mậu Hãn như một hiện thân của sự hoà điệu giữa "phong cách Tràng An" với khí chất của người dân vùng đất Quảng miền Trung. Chúng tôi - những đồng nghiệp, học trò của thầy đều biết rằng thầy vẫn đang tiếp tục những công trình khoa học mới, có ý nghĩa đón đầu những biến thiên thời cuộc./.
Đinh Trần Dương
Nguồn: 100 chân dung – Một thế kỷ ĐHQGHN, Nhà xuất bản ĐHQGHN 2006
Ảnh: Bùi Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây