Ông tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ năm 15 tuổi. Năm 1953, ông được Đảng lựa chọn và đưa ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh để học tập. Năm 1956, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, ông trở thành sinh viên Khóa I, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được sự truyền dạy trực tiếp của các giáo sư nổi tiếng như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo… Năm 1959, sau khi tốt nghiệp, ông là một trong số sinh viên ưu tú được giữ lại trường để bổ sung cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa Lịch sử. Từ đây, cuộc đời ông gắn bó với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội – cho đến những năm tháng cuối cùng.
Là một nhà giáo đức độ, nhiệt thành, luôn nghiêm khắc, kiệm lời, nhưng rất đỗi tinh tế, bằng lao động trí tuệ không mệt mỏi, ông đã thể hiện là một tấm gương về tinh thần trách nhiệm với Đảng, với quê hương, đất nước, với công việc giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học. Ông luôn trân trọng những đóng góp của đồng nghiệp và vui mừng, khích lệ mỗi bước tiến bộ của học trò. Ông khuyến khích và nâng đỡ mọi hiểu biết, khám phá và sáng tạo của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều học trò của ông đã trưởng thành, vững vàng trong nghề nghiệp, có những người trở thành chính khách, những nhà khoa học, nhà giáo có uy tín.
Bên cạnh vai trò nhà giáo, ông còn là một cán bộ quản lý trách nhiệm và liêm trực trong 16 năm đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Khoa, từ năm 1975 đến năm 1990. Ông cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên xây dựng Khoa Lịch sử trở thành một khoa nòng cốt của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, liên tục được công nhận là đơn vị Lao động Xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng vững chắc để Khoa phát triển và trở thành Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2000.
Là một người thầy, một cán bộ quản lý thấu hiểu nỗi đau chiến tranh và sự chia cắt hai miền Nam Bắc, ông trân trọng và dành tình cảm đặc biệt cho những sinh viên từ chiến trường trở về, trong suốt quá trình học tập đến khi phân công công tác.
Với tư cách người sáng lập Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và gắn bó với ngành Lịch sử Đảng, ông đã dày công xây dựng và tạo điều kiện phát triển Bộ môn Lịch sử Đảng của Khoa Lịch sử trở thành địa chỉ tin cậy trong nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao hàng đầu cả nước về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở cả ba trình độ: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Ngoài chuyên ngành Lịch sử Đảng, từ năm 1997 đến năm 2006, ông còn được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách xây dựng Tổ Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh và Khoa học chính trị, đặt nền móng để phát triển thành Bộ môn Hồ Chí Minh học thuộc Khoa Khoa học chính trị ngày nay. Được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội, trong nhiều năm, ông cùng các đồng nghiệp có kinh nghiệm chủ động mở các lớp đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh cho các trường đại học và cao đẳng trong cả nước; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; giáo dục tư tưởng, đạo đức và tác phong Hồ Chí Minh cho những lớp học trò.
Ông là người hết sức nghiêm cẩn trong nghiên cứu khoa học. Bằng lao động miệt mài trong hơn nửa thế kỷ, ông đã hoàn thành nhiệm vụ chủ biên, là tác giả và đồng tác giả của hàng trăm công trình khoa học, tiêu biểu như Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (2 tập), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Quốc hội Việt Nam (4 tập), Lịch sử Chính phủ Việt Nam (tập I), Lịch sử Việt Nam (tập IV)...
Đổi mới tư duy sử học là rất khó. Đổi mới phương pháp và tư duy trong nghiên cứu Lịch sử Đảng lại càng khó hơn. Ông đã dày công đổi mới tư duy và phương pháp nghiên cứu, đi đến nhiều phát hiện và kết luận mới. Chính ông là người đã phát hiện ra Sắc lệnh số 45/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành lập Ban Đại học Văn khoa Hà Nội, thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam – tiền thân của ngôi trường mà ông đã yêu thương, gắn bó cả đời này.
Với tri thức uyên thâm, đặc biệt là bản lĩnh và trách nhiệm của một nhà khoa học, trung thành với phép biện chứng duy vật của Chủ nghĩa Mác-Lênin, noi gương Bác Hồ vĩ đại, không ngừng nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, ông đã dày công đổi mới tư duy và phương pháp nghiên cứu lịch sử, kiên quyết chống khuôn mẫu, giáo điều, nhìn nhận từng sự kiện, từng vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại trong tổng thể quá trình hình thành và phát triển đường lối chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng qua các thời kỳ cách mạng với những điều kiện lịch sử khác nhau, để dũng cảm đi đầu trong nhiều phát hiện và kết luận mới.
Ông là nhà nghiên cứu đầu tiên luận giải theo chiều sâu văn hóa Việt Nam về vấn đề “chủ nghĩa dân tộc” theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, “là một động lực lớn của đất nước”, là một vấn đề chiến lược, không mâu thuẫn với “chủ nghĩa quốc tế”. Phân tích Sức mạnh dân tộc Việt Nam dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh, ông nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc chân chính, cũng như chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng.
Với góc nhìn sắc sảo, lập luận chặt chẽ, trên cơ sở giải thích ba yếu tố dẫn đến sự ra đời của Đảng, ông chỉ ra đặc điểm quan trọng nhất trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khác biệt với sự ra đời của các Đảng Cộng sản ở châu Âu và cả ở Trung Quốc là yếu tố Tư tưởng Hồ Chí Minh - sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản, về đấu tranh giai cấp vào điều kiện lịch sử cụ thể ở nước Việt Nam thuộc địa.
Bằng bản lĩnh khoa học, ông khẳng định, luận giải một cách thuyết phục và kiên quyết bảo vệ một sự thật lịch sử, rằng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thông qua, một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử và nguyện vọng độc lập tự do của quần chúng nhân dân, làm cho Đảng ngay khi mới ra đời đã quy tụ được lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc, nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam.
Trong khi khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng và nhà nước cách mạng, ông đã góp phần làm sâu sắc thêm những luận điểm về Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc; Nhà nước cách mạng ở Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…, phản ánh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước của nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Bằng thực tiễn lịch sử, ông kiên quyết bảo vệ quan điểm đúng đắn trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) về việc thành lập một chính quyền nhà nước “không của riêng một giai cấp nào”, mà là “của chung toàn dân tộc”.
Ông là người phát hiện và luận giải quyết định “thay đổi chiến lược” của Đảng trong giai đoạn trực tiếp vận động cứu nước 1939-1945, với chủ trương không tiến hành cuộc cách mạng tư sản dân quyền, mà tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; cũng như quan điểm của Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng (2-1951) về quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ một nước thuộc địa tiến lên CNXH phải qua ba giai đoạn chiến lược: hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới CNXH…
Dù còn nhiều vấn đề trăn trở và chưa có điều kiện giải quyết thấu đáo, nhưng những nghiên cứu chuyên sâu và phát hiện mới, được xã hội thừa nhận đủ khẳng định ông là người góp công sức làm cho Lịch sử Đảng thực sự trở thành một khoa học.
Trong bối cảnh lịch sử đất nước bị chia cắt, khi rời quê hương Quảng Trị ra miền Bắc, xa mẹ già, anh em ruột thịt, phải chịu cảnh chia xa với người vợ trẻ, nhưng ông gắng nén tình cảm riêng để học tập và làm việc cho đến ngày Bắc Nam sum họp. Cô Phan Thị Đa gan góc hoạt động cách mạng, nuôi mẹ và chờ chồng, để rồi sau hơn hai thập kỷ, khi hai người gặp lại nhau thì mái đầu đã bạc.
Bằng những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, NGND Lê Mậu Hãn được đồng nghiệp và học trò kính trọng. Với gia tài hàng trăm cuốn sách và chuyên luận, ông đã trở thành một nhà sử học xuất sắc, một chuyên gia hàng đầu về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Việt Nam hiện đại. Đánh giá cao những cống hiến của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông những phần thưởng cao quý: danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (năm 1990), Nhà giáo Nhân dân (năm 2002), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhì, các Huân chương Lao động hạng nhì và hạng ba, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…
Nếu không gần gũi, ít người biết được nhà giáo, nhà khoa học, đảng viên cộng sản Lê Mậu Hãn là một con người rất lãng mạn, tinh tế, yêu tiếng chim gáy ban mai và thú vui chơi phong lan tao nhã. Đối với gia đình, ông hết mực thủy chung, nhân từ, tận tụy. Đối với bà con họ hàng, quê hương, khối phố, ông luôn dành tình cảm ấm áp, thân thương.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2021 đang đến gần, nhưng những học trò và đồng nghiệp sẽ không còn được tặng hoa cho ông nữa. 20h55 ngày 12/11/2021, trái tim ông đã ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng chí, đồng nghiệp và các thế hệ học trò.
Hành trình cả cuộc đời NGND Lê Mậu Hãn là hành trình đến chân lý lịch sử. Ông đã ra đi, nhưng sự nghiệp mà ông theo đuổi chưa kết thúc. Những lớp trò của ông sẽ kế tục con đường mà ông đã đi. Mãi là như thế, lớp lớp nhà giáo, nhà khoa học nối tiếp nhau, sẽ mãi đi theo con đường phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, con đường của Bác Hồ mà NGND Lê Mậu Hãn đã lựa chọn./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn