Hội nghị Công tác đào tạo 2023: Tăng cường năng lực quản trị đại học số và đào tạo trực tuyến tại VNU-USSH

Thứ ba - 31/10/2023 21:24

Hội nghị Công tác đào tạo 2023: Tăng cường năng lực quản trị đại học số và đào tạo trực tuyến tại VNU-USSH

Ngày 29 - 30/10/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã tổ chức Hội nghị Công tác đào tạo năm 2023 với sự tham dự của Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa/viện/trung tâm và các phòng chức năng.

 

Hội nghị được tổ chức thành hai phiên, bao gồm các nội dung: Tổng kết công tác tuyển sinh và đào tạo năm 2022-2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 và vấn đề công nghệ số trong đào tạo; Công tác tuyển sinh và quản lý, tổ chức đào tạo đại học, sau đại học… Các đại biểu sau khi nghe các tham luận đã tập trung thảo luận và góp ý với các trọng tâm điều chỉnh trong công tác quản lý và tổ chức đào tạo của Nhà trường.

GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện quy chế một cách chặt chẽ, nhân văn, hướng đến quyền lợi của người học
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: “Hội nghị là diễn đàn của những thảo luận thẳng thắn, mang tính xây dựng tích cực đối với các nội dung trong quy chế đào tạo, nhằm thực hiện quy chế một cách chặt chẽ, nhân văn, hướng đến quyền lợi của người học”.
Bên cạnh đó, GS.TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định, nhà trường quán triệt chủ trương tối đa tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giảng viên soạn tài liệu, giáo trình, sách chuyên khảo… Hoạt động đào tạo của VNU-USSH luôn luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành, thấu hiểu, chỉ đạo sát sao của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là điểm thuận lợi để nhà trường tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy trình, quy chế trong đào tạo các bậc học.

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường chủ trì phiên thảo luận 2 của Hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của Ban giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV và lãnh đạo các phòng chức năng, khoa/viện/trung tâm/bộ môn trực thuộc
Bức tranh về hoạt động đào tạo có nhiều điểm sáng
Điểm lại các hoạt động tuyển sinh, đào tạo năm 2023, PGS.TS. Bùi Thành Nam - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, hoạt động tuyển sinh của Trường ĐH KHXH&NV năm qua là điểm sáng trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến nay, Trường ĐHKHXH&NV đã hoàn tất công tác xét tuyển đại học chính quy năm 2023 với số lượng thí sinh nhập học là 2.023 thí sinh (gồm cả học sinh dự bị đại học dân tộc và lưu học sinh nước ngoài), đạt 101.15% so với chỉ tiêu đã công bố.
Tuyển sinh tiến sĩ của VNU-USSH đang thu hút số lượng lớn nghiên cứu sinh học tập, đặc biệt ở các ngành học như: Ngôn ngữ học, Triết học, Chính trị học... Nhà trường đã tổ chức nhập học tập trung theo đúng kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và ĐHQGHN.
Công tác tổ chức đào tạo giữ vững sự ổn định, đảm bảo sự vận hành theo đúng quy chế hiện hành trên tất cả các bậc học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo cần tiếp tục được tăng cường như xây dựng kênh phản hồi học phần, công cụ hỗ trợ cố vấn học tập trong việc thực hiện nghiệp vụ…Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã khẳng định được uy tín, thương hiệu để người học tự hào được học tập tại môi trường giáo dục chất lượng, nghiêm túc.

PGS.TS. Bùi Thành Nam - Trưởng phòng Đào tạo báo cáo về hoạt động đào tạo của nhà trường
TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt chia sẻ thông tin về những thành quả đạt được của Khoa trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động hợp tác quốc tế và nhiệm vụ giao lưu văn hóa. Khoa Việt Nam học và tiếng Việt trong những năm qua đã thu hút lượng lớn sinh viên quốc tế tới học tập, là đơn vị tiên phong và uy tín trong cả nước về triển khai các hoạt động nghiên cứu, đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài tại Việt Nam và kiều bào ở nhiều nước trên thế giới.

TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt
Tăng cường năng lực quản trị đại học số và đào tạo trực tuyến tại VNU-USSH
TS. Đào Minh Quân - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và CNTT, Trường ĐH KHXH&NV cho biết, chuyển đổi số là chủ trương lớn được Ban giám hiệu nhà trường quyết liệt chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều thành công. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID diễn biến phức tạp. VNU-USSH được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong ĐHQGHN về chuyển đổi số. Hoạt động chuyển đổi số trong quản trị đại học tại Trường ĐHKHXH&NV trong nhiều năm qua tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý tổ chức giáo dục và chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập. Nhà trường đã áp dụng các phần mềm quản lý đào tạo và quản lý người học hiện đại kể từ khi chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ, xây dựng cổng thông tin hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính một cửa cho sinh viên, giảm tối đa việc sinh viên phải tới thực hiện giao dịch trực tiếp tại các phòng chức năng của Trường; triển khai cổng thông tin việc làm trực tuyến; đồng bộ hệ thống quản lý văn bản điều hành VNU - Eoffice; phần mềm đăng ký và quản lý đề tài nghiên cứu khoa học; nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên và sinh viên...Tuy nhiên, hiện nay năng lực hạ tầng công nghệ thông tin của Trường đang dần lạc hậu; Hệ thống máy chủ chưa đáp ứng được yêu cầu; Chưa có hệ thống sao lưu backup dữ liệu tự động; Nguy cơ mất an ninh an toàn đang hiện hữu. Do vậy, Trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong quản trị đại học. Phân bổ ngân sách và nguồn lực đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống máy chủ, hệ thống sau lưu backup dữ liệu tự động nhằm đảm bảo cho hệ thống quản lý đào tạo và quản lý học sinh sinh viên hoạt động ổn định; Nâng cấp mở rộng hệ thống wifi đến tất cả các đơn vị đào tạo; Ứng dụng AI trong hỗ trợ và tư vấn cho sinh viên; Xây dựng và cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên trong quá trình chuyển đổi số; Xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn và tư vấn để hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên trong quá trình sử dụng các công nghệ kỹ thuật số.

TS. Đào Minh Quân - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và CNTT, Trường ĐH KHXH&NV
Trao đổi về công tác đào tạo trực tuyến tại Trường ĐH KHXH&NV, ThS. Phạm Văn Huệ - Phó phòng Đào tạo cho biết, đào tạo trực tuyến đã tạo nên sự đa dạng trong các hình thức giảng dạy của Nhà trường, góp phần lớn trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy (đặc biệt đối với các học phần triển khai đổi mới giảng dạy có sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến (vẫn thường gọi là website học phần). Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục Đẩy mạnh công tác đào tạo trực tuyến, ứng dụng hiệu quả những điểm tích cực của đào tạo trực tuyến trong công tác tổ chức đào tạo: Phát huy tính chủ động của người dạy và học, đa dạng các hình thức dạy và học, tối ưu chi phí và thời gian học tập, truy cập rộng rãi kiến thức. Tăng cường xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, tài nguyên số phù hợp với xu thế phát triển giáo dục hiện đại. Đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các học phần giảng dạy trực tuyến, giảng dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến lên 30% tổng số học phần được mở.
Xây dựng mô hình giảng dạy trực tuyến đối với các học phần Lý luận chính trị theo nguyên tắc đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, cân nhắc các yếu tố đặc thụ của học phần để xác định tỉ lệ giảng dạy trực tiếp và trực tuyến cho phù hợp, trình ĐHQGHN, Bộ Giáo dục Đào tạo và Ban tuyên giáo Trung ương xem xét, phê duyệt. Mở rộng quy mô đào tạo ngành thứ 2 ở bậc đại học.

ThS. Phạm Văn Huệ - Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV
Trong tham luận “Xây dựng bài giảng điện tử - Kinh nghiệm và khả năng áp dụng tại Trường ĐH KHXH&NV”, TS. Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện chia sẻ, với mô hình đào tạo trực tuyến và xây dựng bài giảng điện tử, vai trò của giảng viên được chuyển từ người truyền đạt tri thức sang vai trò làm người hướng dẫn, thúc đẩy sáng tạo của người học. TS. Đỗ Văn Hùng khẳng định, đào tạo trực tuyến và xây dựng bài giảng điện tử là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Do vậy cần có sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo Nhà trường và lãnh đạo các đơn vị, cùng sự đồng hành ủng hộ của cán bộ giảng viên, để Trường ĐHKHXH&NV bắt kịp xu thế và tham gia tích cực, chủ động vào chương trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng đại học số tại Việt Nam.

TS. Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐH KHXH&NV
Hội nghị Công tác đào tạo năm 2023 đã nhận được sự đồng thuận trong quan điểm về công nghệ hóa hoạt động dạy và học của nhà trường từ các đại biểu đến từ các khoa/viện/trung tâm với mục tiêu “công nghệ hóa để giảm tải áp lực giảng dạy cho giảng viên và mang lại sự thuận tiện, hiệu quả cho người học”.
Nâng cao hoạt động đào tạo và chính sách với các ngành khoa học cơ bản
PGS.TS. Đặng Hồng Sơn - Phó trưởng Khoa Lịch sử phác thảo bức tranh chung của công tác tuyển sinh, đào tạo ngành khoa học cơ bản. Thời gian qua, nhà trường kiên trì hai định hướng khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng cùng song hành tồn tại trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, lĩnh vực khoa học luôn gặp không ít khó khăn, thách thức… PGS.TS Đặng Hồng Sơn cũng bày tỏ sự cảm kích đối với các chính sách đãi ngộ gần đây của ĐHQGHN và Trường Đại học KHXH&NV đối với sự duy trì niềm đam mê và khát vọng của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành khoa học cơ bản. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng “ĐHQGHN và Nhà trường tiếp tục có những chính sách và hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và đặc thù hơn nhằm tạo một môi trường phát triển tốt nhất cho sự đam mê và khát vọng cống hiến của thầy - trò thuộc các chương trình đào tạo khoa học học cơ bản trong Trường Đại học KHXH&NV được vun cao, thăng hoa và tỏa sáng”.

PGS.TS. Đặng Hồng Sơn - Phó trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV
Đồng quan điểm với PGS.TS Đặng Hồng Sơn, PGS.TS. Nguyễn Văn Chiều - Trưởng khoa Khoa học Chính trị bức tranh tuyển sinh ở các ngành khoa học cơ bản đang gặp khó khăn. Đặc biệt, ở bậc sau đại học. Do vậy, thời gian tới Nhà trường cần rà soát, đánh giá quy trình tổ chức tuyển sinh theo hướng đáp ứng hơn nữa nhu cầu xã hội, đẩy mạnh công tác truyền thông, mở rộng cổng đăng ký trực tuyến và phát huy hơn nữa vai trò của các đơn vị đào tạo ong công tác tư vấn tuyển sinh sau đại học.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chiều - Trưởng khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học KHXH&NV
Vấn đề về đào tạo ngành 2 được nêu trong báo cáo của TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu. Trong đó, các ý kiến đều khẳng định cần mở rộng quy mô đào tạo ngành thứ 2 ở bậc đại học. Tập trung xây dựng chương trình và tuyển sinh ngành 2 ở tất cả các ngành đào tạo của Trường. Đối tượng mục tiêu là tất cả sinh viên hiện đang học tập tại đơn vị thành viên của ĐHQGHN... Tăng cường công tác truyền thông để sinh viên hiểu hơn về tính ưu việt của chương trình đào tạo ngành 2.
TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV

TS. Hoàng Văn Quynh - Phó phòng Đào tạo, Trường Đại học KHXH&NV

PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh - Trưởng bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học KHXH&NV

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó trưởng khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV

PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH&NV
TS. Ngô Tuấn Thắng - Phó trưởng khoa Quốc tế học,Trường Đại học KHXH&NV 
Giải pháp đồng bộ để hoàn thiện, nâng cao chất lượng đào tạo
Từ những báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi của các đại biểu, Hội nghị Công tác đào tạo năm 2023 đã thống nhất nhiều giải pháp nhằm nâng cao và hoàn thiện hoạt động đào tạo của nhà trường. Trong đó, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn, đổi mới quy trình quản lý đào tạo của Nhà trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả và khoa học, đảm bảo vận dụng phù hợp các quy chế đào tạo hiện hành. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức đào tạo và tư vấn người học. Xây dựng môi trường làm việc "Chuyên nghiệp - Thân thiện - Hiệu quả".
Nhà trường tiếp tục điều chỉnh lịch trình đào tạo của bậc đại học theo toàn khóa, từng học kỳ nhằm rút ngắn thời gian đào tạo, hướng tới mục tiêu sinh viên học 3-3,5 năm/ 1 bằng đại học; 4-5 năm/ 2 bằng cử nhân hoặc 1 bằng cử nhân, 1 bằng thạc sĩ. Tiếp tục tạo cơ chế linh hoạt nhằm thu hút sinh viên tham gia làm khóa luận tốt nghiệp.
Phòng Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới công tác kiểm tra - đánh giá, tăng cường giao quyền cho giảng viên trong công tác kiểm tra - đánh giá.
Trong thời gian tới, VNU-USSH sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo trực tuyến theo hướng phát huy những điểm tích cực của đào tạo trực tuyến trong việc tổ chức đào tạo. Các đơn vị chủ động tích cực xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, học liệu số, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các học phần giảng dạy trực tuyến đạt tỷ lệ từ 20% tổng số học phần được mở.
Mở rộng quy mô đào tạo ngành thứ 2 ở bậc đại học. Trong đó, tập trung xây dựng chương trình và tuyển sinh ngành 2 ở tất cả các ngành đào tạo của Trường.
Tăng cường công tác truyền thông về các chương trình đào tạo để thu hút người học đăng ký học tập tại nhà trường.
 

Tác giả: FPS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây