Lịch sử, sứ mệnh và tầm nhìn

Giới thiệu chung
Khoa Khoa học chính trị (KHCT) là cơ sở đào tạo ngành chính trị học đầu tiên của hệ thống đào tạo đại học ở Việt Nam. Tiền thân của Khoa KHCT là Bộ môn KHCT thành lập vào ngày 24 tháng 10 năm 1995, trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2011 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nâng cấp Bộ môn thành Khoa Khoa học Chính trị.
Tổ chức cán bộ
          Trải qua thực tế xây dựng 28 năm, đến nay Khoa gồm 2 bộ môn: Bộ môn Chính trị học và Hồ Chí Minh học, Bộ môn Chính trị truyền thông với 16 cán bộ và giảng viên cơ hữu, trong đó có, 02 Phó giáo sư, 07 tiến sĩ, 06 nghiên cứu sinh, 01 cử nhân.
          Khoa còn có hơn 40 giảng viên kiêm nhiệm là những giáo sư, phó giáo sư, các tiến sĩ có trình độ, kinh nghiệm và uy tín cao từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước, các nhà hoạt động chính trị, các nhà quản lý trực tiếp tham gia trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa.
Đào tạo
           Khoa KHCT đang đào tạo:
           Chương trình cử nhân: Chính trị học,
           Chương trình thạc sĩ nghiên cứu: Chính trị học,
           Chương trình thạc sĩ ứng dụng: Chính trị học,
           Chương trình thạc sĩ nghiên cứu: Hồ Chí Minh học,
           Chương trình tiến sĩ: Chính trị học,
           Chương trình tiến sĩ: Hồ Chí Minh học,
         Ngoài ra Khoa KHCT cũng vận hành một số CTĐT ngắn hạn cho các đối tượng có nhu cầu về các kiến thức và kĩ năng, cụ thể: Chương trình bồi dưỡng Giảng viên Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chương trình bổ túc kiến thức cho đối tượng ngành gần ngành chính trị học, Chương trình Tôn giáo và Pháp quyền (Hợp tác với đại học Brigham Young University – Hoa Kỳ, mở từ năm 2012 kết thúc năm 2018).
Nghiên cứu khoa học
           Hoạt động nghiên cứu của Khoa tập trung vào các hướng chính như:

  • Lý thuyết chính trị
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Chính trị Việt Nam
  • Chính trị quốc tế
  • Chính trị truyền thông
  • Chính trị học so sánh
          Kết quả các đề tài nghiên cứu các cấp (cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp nhà nước) do cán bộ của Khoa chủ trì đã có ảnh hưởng tích cực đến công tác đào tạo và phục vụ xã hội. Trong đó có các công trình tiêu biểu như:
  • Đề tài cấp Nhà nước Tôn giáo trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và vấn đề nhà nước thế tục ở Việt Nam, mã số KX.04.19/11-15.
  • Đề tài cấp Nhà nước Lịch sử Việt Nam tập XIV (1858-1884), mã số KHXH-LSVN/14-18,
  • Đề tài cấp Nhà nước Lịch sử Việt Nam tập XXV (2001-2015) mã số KHXH-LSVN/14-18,
  • Đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu đề xuất giải pháp, mô hình nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở một số địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc. Mã số KHCN-B.15X/13-18, 2017.
  • Đề tài cấp Nhà nước Các định chế quốc tế mới và những gợi mở đối sách cho Việt Nam, Mã số KX.04.34/21-25.
Quan hệ trong nước và quốc tế
         Về hợp tác trong nước, Khoa có hợp tác với các trường đại học và học viện sau: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm KHXHVN; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường ĐHKHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Sài Gòn; Đại học Hà Tĩnh; Đại học Nội vụ; Đại học Hành Chính Quốc gia; Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng; Học viện Chính trị Bộ Công an.
        Về hợp tác quốc tế, Khoa KHCT có hợp tác với: Brigham Young University (Mỹ), University of Connecticut (Mỹ), Đại học Stockholm (Thụy Điển), Đại học Heinrich Heine Dussseldorf (Đức), Đại học Giessen (CHLB Đức), Đại học Quốc lập Đài Loan, Đại học Ubon (Thái Lan), Viện nghiên cứu Á và Phi – Đại học Quốc gia Lomonosov Moscow (Nga), Viện nghiên cứu Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
         Khoa đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công một số hội thảo Quốc tế lớn ở trong và ngoài nước, trong đó gần đây có: Trường Đại học Heinrich Heine Dussseldorf, Trường ĐH Justus-Liebig Giesen (Đức), 2018; Trường Luật J. Reuben Clark – Brigham Young University (Hoa Kỳ), 2019; Viện Nghiên cứu Á và Phi – Đại học Quốc gia Lomonosov Moscow (Nga), 2019.
Triết lý giáo dục
            “Hiểu sâu Việt Nam, tiến cùng thời đại, hướng về thực tiễn”
Sứ mệnh
           Đào tạo và nghiên cứu chính trị học, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn 2035
          Trở thành địa chỉ đào tạo, nghiên cứu có uy tín, có tính hội nhập, sáng tạo tri thức chính trị học mang bản sắc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực trong nước và quốc tế.
Chính sách chất lượng của Khoa        
  • Coi người học là trung tâm, lấy giảng viên là động lực trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học;
  • Thường xuyên đánh giá, đổi mới chương trình đào tạo, nội dung giáo trình, bài giảng áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học của người học;
  • Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội;
  • Luôn luôn quan tâm và tạo môi trường thuận lợi để người học tự do phát triển năng lực sáng tạo của mình;
Chương trình Cử nhân Chính trị học
          Chương trình học được thiết kế đảm bảo người học được cung cấp thông tin, kiến thức, được rèn luyện phương pháp tư duy cũng như các kỹ năng tác nghiệp, các kỹ năng mềm thông qua các học phần mang tính liên ngành và chuyên sâu về chính trị học, đáp ứng chuẩn mực với nhiều chương trình đào tạo chính trị học ở các nước tiên tiến.
          Sinh viên theo học tại Khoa KHCT có khả năng học song bằng cử nhân, vì thế có thể tốt nghiệp đồng thời bằng cử nhân chính trị học với bằng cử nhân khác trong Đại học Quốc Gia Hà Nội, và một số Trường đại học ở Việt Nam; có khả năng tiếp tục học cao hơn ở nhiều trường đại học khác ở Việt Nam, cũng như ở các nước tiên tiến trên thế giới.
           Tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân chính trị học của Khoa phù hợp với các công việc:
  • Trong các cơ quan hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (người tư vấn, tham mưu chính trị, chính trị gia);
  • Trong các bộ máy, tổ chức ngoài nhà nước; các tổ chức quốc tế ở Việt Nam (người tư vấn, tham mưu chính trị, nhà hoạt động chính trị);
  • Trong các cơ quan, tổ chức nghiên cứu thuộc hệ thống chính trị, xã hội ở Việt Nam (nghiên cứu viên, nhà nghiên cứu chính trị);
  • Ở các báo, đài ở trung ương và địa phương (làm phóng viên, làm báo, làm biên tập viên, bình luận viên thời sự, chính trị);
  • Ở các đại học, trường đại học, các trường chính trị, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường phổ thông trên cả nước (làm giảng viên, báo cáo viên, giáo viên).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây