Hội thảo quốc tế “Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới” tại Nga

Thứ tư - 11/09/2019 10:39
Hội thảo quốc tế “Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới” tại Nga
Hội thảo quốc tế “Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới” tại Nga

Ngày 9-9, tại Học viện các nước Á - Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow (MGU) ở thủ đô Moscow (LB Nga), đã diễn ra “Hội thảo khoa học quốc tế về Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới”.

Hội thảo do Học viện các nước Á - Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow (MGU) , Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) đã phối hợp Khoa Khoa học chính trị - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-9-1969 – 2-9-2019) và 50 năm thực hiện di chúc của Người (1969 - 2019). Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam có Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Quỳnh Mai và đại diện một số phòng ban Đại sứ quán; các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành, Phó Trưởng khoa Khoa học chính trị (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), dẫn đầu. Dự hội thảo còn có các nhà nghiên cứu, các giáo sư tiến sĩ, các học giả đến từ khắp LB Nga và đông đảo các sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt và những người yêu quý Việt Nam, ngưỡng mộ nhân cách, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia Nga và Việt Nam. Diễn ra trong một ngày làm việc, hội thảo bao gồm ba phiên thảo luận chính với các chủ đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; Hồ Chí Minh như một nhà cộng sản quốc tế; Sự hình thành văn hóa, đạo đức và con người mới. Hàng chục tham luận được trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế này là những công trình nghiên cứu một cách sâu sắc nhất về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh; về vai trò của Người đối với thắng lợi của Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám; ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam; vai trò của Người trong việc sáng lập và xây dựng nhà nước theo mô hình chính trị mới; trong việc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam… Không chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, các tham luận tại hội thảo khoa học này còn đi sâu phân tích sự nghiệp và những ảnh hưởng bởi tư tưởng của Người mang tầm quốc tế. Các tham luận của các học giả Nga đã đi sâu phân tích và đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nhà cách mạng quốc tế vĩ đại, một nhà hoạt động văn hóa quốc tế. Tư tưởng của Người là hình mẫu cho chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Trong giai đoạn làm việc tại Quốc tế cộng sản (1923-1938), Hồ Chí Minh là một nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà sư phạm, một người luôn đấu tranh vì phong trào giải phóng phụ nữ… Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người vẫn đang tiếp tục rọi sáng mọi chính sách đối nội và đối ngoại hiện nay của Việt Nam, với những giá trị to lớn trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, còn trường tồn cùng với những tư tưởng của Nhà nước Việt Nam hiện đại. Phát biểu bên lề hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quốc Thành đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của các tham luận được trình bày tại hội thảo hôm nay và cho biết mọi nghiên cứu khoa học về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ được tổng hợp và in thành cuốn sách chuyên khảo chung, xuất bản bằng tiếng Anh với tiêu đề “Hồ Chí Minh trong tâm tưởng người Việt Nam và thế giới”. Ngoài giá trị nghiên cứu, cuốn sách này sẽ là tài liệu giúp cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tư tưởng của Người, cũng như giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam, đường lối đối ngoại của Việt Nam, luôn được xây dựng dựa trên tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người có tầm nhìn thời đại, và những giá trị tư tưởng trường tồn của Người. Ông Thành cũng đánh giá cao việc sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Năm chéo hữu nghị Việt - Nga, coi đây là một biểu hiện ngời sáng của tình hữu nghị, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga. Tiến sĩ Phạm Quốc Thành đọc tham luận tại hội thảo. GS-TSKH Kinh tế Vladimir Mazyrin, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông cho biết hội thảo lần này là dự án hợp tác chung đầu tiên giữa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, khoa Khoa học Chính trị với Trường Đại học các nước Á - Phi. Hội thảo góp phần tăng cường hợp tác, trao đổi về khoa học và văn hóa giữa Việt Nam và LB Nga nhân Năm chéo hữu nghị giữa hai nước. Ông đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo này của khoa Khoa học chính trị, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, khi mà những hội thảo khoa học thực tiễn quốc tế như vậy chưa được tổ chức nhiều. Ông Mazyrin cũng khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Nga. Ông đánh giá cao những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tình hữu nghị và hợp tác giữa LB Nga và Việt Nam, đồng thời khẳng định chính sách đối ngoại đa phương hoá hiện nay của Việt Nam, song vẫn chú trọng quan hệ hợp tác với Nga, điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Nga, mà cả Việt Nam. Ông Mazyrin cho rằng: “Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì nền tảng mà Hồ Chí Minh đã thiết lập trong quan hệ giữa hai nước, thì theo quan điểm của tôi, lợi ích của hai nước sẽ được bảo đảm tốt hơn”. Trong khuôn khổ hội thảo, diễn ra buổi trưng bày các cuốn sách về Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông- Viện Hàn lâm khoa học Nga xuất bản.

NAM ĐÔNG - QUẾ ANH Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga

Nguồn: https://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/41507802-hoi-thao-quoc-te-

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây