Đánh giá chất lượng đồng cấp CTĐT  ngành Chính trị học

Thứ hai - 18/12/2017 14:20
Đánh giá chất lượng đồng cấp CTĐT  ngành Chính trị học
Đánh giá chất lượng đồng cấp CTĐT  ngành Chính trị học

            Trong hai ngày 18 và 19 tháng 12/2016, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đón đoàn chuyên gia của Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành đánh giá đồng cấp chương trình đào tạo cử nhân ngành Chính trị học theo tiêu chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội, định hướng AUN-QA.

         Thành phần đoàn chuyên gia gồm: TS. Bùi Vũ Anh (Phó Viện Trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, ĐHQGHN, trưởng đoàn), GS.TS Lê Ngọc Hùng (Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, ủy viên), TS. Võ Thị Hoa (Phó Trưởng Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thư ký). Chương trình đào tạo cử nhân ngành Chính trị học là chương trình thứ ba trong số bốn chương trình đào tạo được tiến hành đánh giá chất lượng đồng cấp trong năm 2017 của Nhà trường.

           PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phụ trách hoạt động đảm bảo chất lượng chủ trì lễ khai mạc. Tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên của Khoa Khoa học Chính trị, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục cùng lãnh đạo các phòng ban chức năng trong Trường tham dự đông đủ và đồng hành cùng đoàn chuyên gia trong suốt quá trình tiến hành đánh giá.

           Khoa Khoa học Chính trị được thành lập ngày 27/9/2011 trên cơ sở Bộ môn Khoa học Chính trị (thành lập ngày 24/10/1995). Đến nay, Khoa đã có bề dày truyền thống hơn 20 năm xây dựng và phát triển. Bắt đầu từ năm 2005, Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ hai chuyên ngành Chính trị học và Hồ Chí Minh học. Từ năm 2008 đến nay, Khoa tiếp tục được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân ngành Chính trị học.

PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì lễ khai mạc

             Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá chất lượng CTĐT ngành Chính trị học. Chính trị học là một ngành học rất quan trọng trên thế giới. Ngành Chính trị học tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN tuy mới được thành lập, nhưng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Những bước tiến của ngành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học chính trị tại Việt Nam, trong bối cảnh chính trị xã hội nhiều biến động trên quy mô toàn cầu. Việc tiến hành đánh giá chất lượng đồng cấp CTĐT cử nhân ngành Chính trị học sẽ là điều kiện thúc đẩy các điểm mạnh, cũng như chỉ ra các điểm còn hạn chế để Khoa Khoa học Chính trị và Nhà trường có các giải pháp để hoàn thiện hơn nữa CTĐT của ngành học này.

Đoàn chuyên gia gồm các thành viên (từ phải qua trái): TS. Bùi Vũ Anh, Phó Viện Trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN (trưởng đoàn), GS.TS Lê Ngọc Hùng, Phó Viện Trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia HCM (ủy viên), TS. Võ Thị Hoa, Phó Trưởng Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thư ký).

                 TS. Lưu Minh Văn (Phó Trưởng Khoa Khoa học chính trị) trình bày Báo cáo tóm tắt về CTĐT cử nhân ngành Chính trị học. Chính trị học là ngành học cơ bản, xuyên suốt trong quá trình phát triển của Khoa Khoa học Chính trị. Triết lý giáo dục Khoa đề ra: “Hiểu sâu Việt Nam, tiến cùng thời đại, hướng tới thực tiễn”. Sứ mệnh của Khoa là: “Phấn đấu trở thành một đơn vị uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chính trị học, về nghiên cứu khoa học và chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong thời đại ngày nay”. Tầm nhìn của Khoa phát triển theo định hướng trở thành đại học nghiên cứu của Nhà trường, là địa chỉ tin cậy về nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội, từng bước hội nhập quốc tế và khu vực về khoa học và giáo dục. CTĐT cử nhân ngành Chính trị học được xây dựng theo định hướng: Hiện đại, Việt Nam, hội nhập và đáp ứng thực tiễn phát triển của xã hội. Báo cáo còn trình bày về cách thức mà Khoa  đã thực hiện để xây dựng CTĐT, cách thức triển khai hoạt động đào tạo và nêu các điểm mạnh và hạn chế được nhận diện từ phía Khoa.

             Hoạt động đánh giá của đoàn chuyên gia bao gồm: nghiên cứu hồ sơ minh chứng, phỏng vấn Ban Giám hiệu Nhà trường, các phòng ban chức năng và trung tâm, phỏng vấn Ban Chủ nhiệm Khoa và các Trưởng Bộ môn, phỏng vấn giảng viên, các bộ phận hỗ trợ sinh viên; phỏng vấn sinh viên, cựu sinh viên, khảo sát cơ sở vật chất phục vụ đào tạo… và kết thúc vào ngày 19/12/2017.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây