Khoa Khoa học Chính trị

https://sps.ussh.vnu.edu.vn


Bài viết “Giá trị văn hoá, đạo đức của hôn nhân, gia đình công giáo ở Việt Nam hiện nay” của TS. Đỗ Thị Ngọc Anh

Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Giá trị văn hoá, đạo đức của hôn nhân, gia đình công giáo ở Việt Nam hiện nay” của TS. Đỗ Thị Ngọc Anh, được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 10 (148) năm 2015.

 Khoa Khoa học Chính trị trân trọng giới thiệu bài viết “Giá trị văn hoá, đạo đức của hôn nhân, gia đình công giáo ở Việt Nam hiện nay” của TS. Đỗ Thị Ngọc Anh, được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 10 (148) năm 2015.

 

Tóm tắt: Tôn giáo và văn hoá, đạo đức của xã hội có mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ. Nói đến tôn giáo không thể không nói đến vai trò văn hoá, đạo đức của nó. Giá trị Công giáo ở Việt Nam phản ánh những chiết xuất nội tại từ đời sống của giáo dân này ở Việt Nam. Nó hình thành trên cơ sở của Kinh Thánh, của giáo lý, giáo luật và đặc biệt là từ nếp sống đạo của cộng đồng giáo dân Việt Nam. 

      Từ khi du nhập vào Việt Nam, mặc dù trải qua những sóng gió gập ghềnh nhưng với tinh thần dân tộc của rất nhiều thế hệ người Công giáo, tôn giáo này đã hội nhập được với văn hóa dân tộc và ngày càng khẳng định giá trị của nó. Bài viết nghiên cứu giá trị văn hoá, đạo đức của hôn nhân, gia đình Công giáo ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra hiện nay.

Từ khóa: giá trị; giá trị văn hóa, đạo đức; hôn nhân và gia đình; Công giáo Việt Nam

Toàn văn:

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

   Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Giá trị của các tôn giáo đã được Đảng thừa nhận trong các văn kiện gần đây. Đó là đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qua độ lên Chủ nghĩa xã hội (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã nhấn mạnh: “tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp của các tôn giáo”[1]

     Khi nói về mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo đức, tác giả Mel Thomson đã cho rằng: “tôn giáo không những đưa ra phương thức thấu hiểu thế giới mà còn đưa ra phương thức đánh giá thế giới... Do vậy, chúng ta thấy rõ rằng các quan niệm tôn giáo của con người có ảnh hưởng tới hành vi lựa chọn đạo đức của người ấy, còn xã hội thường phản ánh các giá trị của tôn giáo chiếm ưu thế trong nó, thậm chí cả khi chúng không bộc lộ rõ ràng trong mỗi hành vi lựa chọn đạo đức của cá nhân và trong mỗi hành vi lập pháp ... Từ đó suy ra rằng giữa đạo đức và tôn giáo có mối liên hệ mật thiết”[2] .

     Những kết luận trên của Mel Thomson đã khẳng định về mối quan hệ vô cùng chặt chẽ giữa tôn giáo và đạo đức, giữa niềm tin tôn giáo và sự lựa chọn hành vi của con người và sự hình thành các giá trị xã hội.

      Theo Từ điển Tiếng Việt, “giá trị là cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó”[3].

     Ngô Đức Thịnh trong một nghiên cứu của mình đã cho rằng: “Giá trị, trước nhất là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người, tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt là hay, là đẹp, nói một cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện mĩ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người”[4].

    Giá trị của Công giáo Việt Nam gồm cả lĩnh vực tinh thần và lĩnh vực vật chất. Bản thân mỗi lĩnh vực ấy lại có những giá trị khác nhau, chẳng hạn trong lĩnh vực tinh thần có giá trị văn hoá, giá trị đạo đức, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mĩ... Giá trị của Công giáo Việt Nam phản ánh tính tích cực, hợp lý từ đời sống của tôn giáo này tại Việt Nam. Nó hình thành trên cơ sở của Kinh Thánh, của giáo lý, giáo luật và đặc biệt là nếp sống đạo của người Công giáo. Giá trị của Công giáo Việt Nam được biểu hiện rõ nhất ở đời sống hôn nhân, gia đình của người Công giáo Việt Nam. Bài viết đi vào nghiên cứu giá trị văn hóa, đạo đức của hôn nhân, gia đình Công giáo Việt Nam hiện nay.

  1. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

     Theo số liệu của Hội đồng Giám mục Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng hơn 6,4 triệu người Công giáo[5]. Đây là con số không nhỏ trong tổng dân số Việt Nam (chiếm khoảng 7%), là cộng đồng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Điều đáng nói là trong quá trình tồn tại và phát triển đạo, người Công giáo đã xây dựng được một lối sống giàu bản sắc, mang đặc trưng riêng có của giáo dân Việt Nam. Nghiên cứu về hôn nhân, gia đình của người Công giáo Việt Nam chúng tôi thấy rằng, mặc dù còn một số hạn chế nhất định, song mặt tích cực vẫn là cơ bản. Những giá trị này đặc biệt có ý nghĩa trong xã hội hiện nay.

         2.1. Giá trị của hôn nhân Công giáo

        2.1.1.  Hôn nhân tự do, tự nguyện giữa hai người khác giới

     Tự do là một giá trị của nhân loại. Tuy nhiên, trong hôn nhân, không phải lúc nào con người cũng được tự do, tự nguyện lựa chọn người bạn đời của mình. Mặc dù xã hội phong kiến đã qua rất lâu rồi nhưng những tàn dư của nó trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội vẫn còn sót lại. Một trong số đó chính là quan niệm cho rằng cha mẹ có quyền ép gả hoặc sắp đặt hôn nhân cho con cái. Sự mất cân bằng giới tính hiện nay cũng khiến cho nạn mua bán phụ nữ về làm vợ trở nên phức tạp; hay cách chọn sinh con ngoài giá thú, nuôi con đơn thân và các cuộc hôn nhân đồng tính cũng đang có xu hướng ngày một tăng lên... Như vậy, dường như khi xã hội càng phát triển thì vấn đề hôn nhân trong xã hội càng có những diễn biến phức tạp. Trước thực tiễn đó, phải thừa nhận rằng, quan niệm hôn nhân là sự tự do, tự nguyện kết hợp giữa một người nam với một người nữ có nhu cầu gắn bó và chung sống với nhau trọn đời của người Công giáo là một tiến bộ. “Tự do” nghĩa là: không bị ép buộc; không bị ngăn trở theo luật tự nhiên hay Giáo luật... Hội Thánh coi việc bày tỏ sự ưng thuận kết hôn của hai người “là yếu tố cần thiết “làm nên hôn nhân”[6].“Sự ưng thuận kết hôn là hành vi nhân linh - nghĩa là hành vi của con người có ý thức và tự do - trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau: “Anh nhận em làm vợ”; “Em nhận anh làm chồng”. Chính sự ưng thuận đã liên kết đôi nam nữ với nhau và được thể hiện trọn vẹn khi hai người “trở nên một xương một thịt”[7]. Bởi vậy, “sự ưng thuận này phải là một hành vi ý chí của mỗi bên kết hôn, không bị cưỡng bức vì bạo lực hay quá sợ hãi do một nguyên cớ bên ngoài. Không một quyền hành nào của loài người có thể thay thế sự ưng thuận này. Nếu thiếu sự tự do này, cuộc hôn nhân sẽ không thành”[8]. Quan niệm này của Công giáo chống lại tình trạng hôn nhân ép gả, hôn nhân do mua bán, hôn nhân đồng tính, và chế độ đa thê...

      Như vậy, trong bối cảnh xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp về hôn nhân, gia đình như hiện nay thì phải khẳng định quan niệm hôn nhân là sự tự do, tự nguyện kết hợp giữa hai người khác giới có nhu cầu gắn bó và chung sống với nhau cả đời của người Công giáo là tích cực và được đại đa số chấp nhận. Giáo hội khẳng định, mọi người nam nữ khi đến tuổi kết hôn đều có quyền tự do chọn cho mình một bậc sống, nghĩa là được chọn kết hôn và thiết lập một gia đình, hoặc sống độc thân. Hôn nhân chỉ có thể được kí kết khi cả hai vợ chồng bày tỏ một cách hợp lệ sự tự do và hoàn toàn ưng thuận. Khi kết hôn vợ chồng cần chung thuỷ trọn đời. Vì thế khi tổ chức hôn lễ trong nhà thờ, trước sự chứng dám của Thiên Chúa, bao giờ linh mục cũng hỏi cô dâu, chú rể có tự nguyện kết hôn với nhau không. Câu hỏi bắt buộc này như một sự xác nhận cho quyền tự do lựa chọn người bạn đời của mình khi các Kitô hữu chính thức bước vào đời sống hôn nhân.

       2.1.2. Hôn nhân chung thuỷ

    Đây là một trong những giá trị nổi bật của hôn nhân Công giáo Việt Nam, là nền móng để xây dựng gia đình hạnh phúc.

    Nghiên cứu giá trị của hôn nhân, gia đình Công giáo Việt Nam từ góc độ văn hóa, đạo đức thực chất chính là làm rõ cơ sở hình thành và bản chất của các giá trị đó. Tính chung thuỷ của hôn nhân Công giáo không phải tự nhiên có được. Sự hình thành và tồn tại của nó được quy định bởi triết lý sống của người Công giáo Việt Nam. Cụ thể:

    - Thứ nhất, người Công giáo rất nghiêm túc trong hôn nhân. Theo họ, hôn nhân là một việc trọng đại, vì thế nhất thiết phải có quá trình tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Trước khi kết hôn, tất cả các Kitô hữu đều phải trải qua thời kỳ tiền hôn nhân, tức là giai đoạn chuẩn bị cho kết hôn. Việc chuẩn bị này được tiến hành tuần tự theo 3 giai đoạn chính là chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích.

    Sự tìm hiểu về hôn nhân của người Công giáo Việt Nam được bắt đầu từ rất sớm, ngay từ khi còn nhỏ. Thông qua các buổi học giáo lý, các bạn trẻ Công giáo được trang bị kỹ lưỡng kiến thức về tâm sinh lý giới tính, về nhiệm vụ vợ chồng, cha mẹ và những ứng xử thường gặp trong hôn nhân, gia đình... Đây là điểm khác biệt có ý nghĩa quan trọng giúp cho họ định hướng trong việc xây dựng và giữ gìn các giá trị của hạnh phúc gia đình. Điều này cho thấy Giáo hội có quan niệm đúng đắn khi cho rằng giáo dục là một quá trình. Vấn đề hôn nhân, tình dục và quan hệ nam nữ là những vấn đề tất yếu của con người, vì thế Giáo hội không có ý né tránh mà ngược lại cần phải tuyên truyền và giáo dục một cách bài bản, nghiêm túc.

    - Thứ hai, ngay từ đầu người Công giáo xác định rõ mục đích của hôn nhân là vợ chồng trọn đời yêu thương nhau. Quan hệ vợ chồng chỉ được xây dựng trên cơ sở tự nguyện yêu thương và kết hôn là để cùng nhau nuôi dưỡng, phát triển tình yêu ấy. Tuy nhiên, để duy trì điều đó và để vợ chồng sống với nhau có trách nhiệm suốt đời thì không dễ chút nào. Người Công giáo Việt Nam với ý thức kính Chúa họ duy trì sự gắn bó vợ chồng và coi đây như một ân sủng được Chúa ban tặng. Ngoài việc nghĩ tới cảm nhận bản thân, vợ và chồng còn phải biết nghĩ đến những người thân trong gia đình, từ đó cân nhắc trong lời lẽ, trong cư xử và lối sống, làm tấm gương và bài học cho con cháu noi theo. Đó là lý do vì sao hôn nhân Công giáo Việt Nam ổn định và ít ly dị hơn so với hôn nhân của người ngoài Công giáo, bởi vì người Công giáo luôn xác định, “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly” [Mt 19,6].

    Như vậy, có thể khẳng định người Công giáo Việt Nam được giáo dục về hôn nhân tốt hơn so với hôn nhân thế tục. Hôn nhân Công giáo chú trọng cho những người chuẩn bị kết hôn. Chúng tôi cho rằng đây là một việc làm cần thiết và hiệu quả, nó chứng tỏ coi trọng phòng chống rủi ro hơn là việc giải quyết hậu quả của những rủi ro trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình và phát triển xã hội.

          2.1.3. Hôn nhân mang tính thánh thiêng

     Thánh thiêng là một trong những giá trị mang tính tín ngưỡng văn hoá của người Công giáo Việt Nam được biểu hiện rõ nhất trong đời sống hôn nhân, gia đình. Nó cũng là một trong những đặc trưng nổi bật của hôn nhân Công giáo, dùng để phân biệt giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo ở Việt Nam. Khác với các giá trị vật chất, không thể cắt nghĩa các giá trị thiêng bằng các nhãn quan thực chứng, duy vật hay thực nghiệm. “Thước đo ở đây chính là sự đồng cảm của các tín đồ trên cơ sở đức tin và nghi lễ”[9]. Giá trị thiêng của hôn nhân Công giáo chủ yếu được thể hiện thông qua ý thức, niềm tin tôn giáo và các nghi lễ tôn giáo của họ. Cơ sở hình thành nên giá trị thánh thiêng của hôn nhân Công giáo là những quan niệm sau đây:

    - Thứ nhất, người Công giáo cho rằng, Thiên Chúa là nguồn gốc của hôn nhân, là đấng tác tạo hôn nhân nên ngài luôn ở cùng với họ, theo sát họ và che chở cho họ trong cuộc sống vợ chồng. Nếu trái ý ngài con người sẽ bị đày xuống hoả ngục. Vì thế, họ luôn hướng đến cuộc sống tích cực và duy trì hạnh phúc vợ chồng vì kính yêu Thiên Chúa và lo sợ bị Thiên Chúa trừng phạt. Khi hai vợ chồng có bất trắc họ sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp để duy trì cuộc hôn nhân do chính họ lựa chọn và được Thiên Chúa chúc phúc, chứ không phải là sự chạy trốn hay tìm cách kết thúc.

    - Thứ hai, với người Công giáo, hôn nhân là một bí tích. Hôn nhân vừa là kết quả của tình yêu do đôi nam nữ tự do lựa chọn, đồng thời cũng là sự sắp đặt khôn ngoan của Thiên Chúa. Việc kết hôn giữa người nam và người nữ không phải là một hành vi trần thế thuần tuý do ý muốn của con người mà là do Thiên Chúa kết nối. Vì thế, Thiên Chúa không chỉ ban cho họ ơn tự nhiên mà cả ơn siêu nhiên để họ chu toàn bổn phận vợ chồng trong đời sống hôn nhân, gia đình.

     Người Công giáo Việt Nam tin rằng, nguồn ân sủng mà họ nhận được từ Chúa là nguồn ân sủng đặc biệt. Phần thưởng này sẽ làm tăng thêm ơn thánh hoá để sức sống siêu nhiên nơi họ dồi dào hơn, và nhờ có những ân sủng ấy, họ được nâng đỡ trong quá trình thánh hoá bản thân, trong trách nhiệm làm vợ làm chồng và làm cha làm mẹ.

    - Thứ ba, người Công giáo đặc biệt coi trọng lễ nghi hôn phối. Đối với họ, hôn nhân là một giao ước thánh, là một bí tích thánh thiêng nhưng có tính trần tục, vì thế hôn nhân Công giáo gồm có cả phần đạo và phần đời, trong đó phần đạo là quan trọng và có ý nghĩa quyết định.

    Như vậy, chỉ có thể hiểu và sống hôn nhân như một bí tích trong bối cảnh của màu nhiệm Chúa Kitô thì mới có thể thấy hết sự kiện toàn trong đời sống hôn nhân - gia đình của người Công giáo. Nếu hôn nhân bị thế tục hoá hay chỉ được nhìn nhận như là một thực tại tự nhiên thì tính bí tích sẽ bị lu mờ đi. Hôn nhân bí tích thuộc về bình diện của ân sủng và đức tin. Vì thế, với người Công giáo Việt Nam, cuộc hôn nhân đó rất thiêng liêng, cao cả vì đã được Thiên Chúa chúc phúc, thánh hoá và theo dõi. Bởi vậy, họ không được tuỳ tiện bỏ nhau vì những lý do của thế giới trần tục.

       2.1.4. Hôn nhân vì sự phát triển con người

    Một trong những mục đích quan trọng nhất của hôn nhân Công giáo là hướng đến việc sinh sản và nuôi dạy con cái. Thực chất của việc sinh sản và nuôi dạy con cái chính là duy trì nòi giống và phát triển con người. Đây cũng là mục tiêu của nhân loại nói chung. Tuy nhiên, với người Công giáo, sinh sản không chỉ nhằm mục đích duy trì giống nòi mà đó còn là phục vụ sự sống, là thực hiện việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh. Quan điểm này của Công giáo đối lập với xu hướng phổ biến của các nước phát triển và thậm chí cũng có ở Việt Nam hiện nay, đó là hiện tượng vợ chồng kết hôn nhưng không muốn sinh con, hoặc nếu có sinh con thì cũng ít quan tâm đến việc nuôi dạy con cái mà thuê người chăm sóc; gửi con về quê ở với ông bà hoặc đưa vào cô nhi viện.

    Tóm lại, giá trị của hôn nhân Công giáo Việt Nam được hình thành trước hết từ Mười điều răn của Thiên Chúa và các sách trong Kinh Thánh. Đây chính là cơ sở cho những giá trị ra đời, tồn tại và phát triển, trong đó có các giá trị như hôn nhân tiến bộ, hôn nhân chung thuỷ, hôn nhân mang tính thánh thiêng, hôn nhân vì sự phát triển con người...

    Một trong những đặc trưng căn bản tạo nên giá trị của hôn nhân Công giáo Việt Nam là ở chỗ, các giáo dân cho rằng, hôn nhân là một bí tích mang tính thánh thiêng. Chính Thiên Chúa đã dùng quyền năng liên kết vợ chồng và nâng quan hệ đó lên hàng bí tích cao cả. Vì thế, khi kết hôn, người Công giáo đặc biệt coi trọng về văn hoá, về ý nghĩa thánh thiêng của hôn phối.

    Khi sống trong bí tích hôn nhân, người Công giáo Việt Nam sẽ ý thức rõ ràng và sâu sắc hơn về trách nhiệm vợ chồng, cha mẹ với tư cách họ là con cái Thiên Chúa. Một khi đã thấm nhuần điều đó, người Kitô hữu sẽ chu toàn các bổn phận trong bậc sống của họ, vợ chồng trọn đời yêu thương, biết hy sinh và sẵn sàng tha thứ những khuyết điểm của nhau, cùng nhau nuôi dạy con cái.

     Chính những quan niệm và lối sống trên là cơ sở cho các giá trị của hôn nhân Công giáo Việt Nam nảy sinh, tồn tại và phát triển. Việc các giáo dân thực hành nghiêm túc giáo lí, giáo luật của Hội Thánh đã hình thành nhân sinh quan sống nhân đạo, tích cực tạo nên giá trị của Công giáo nói chung và hôn nhân Công giáo ở Việt Nam nói riêng. Tất nhiên, như đã trình bày, các giá trị văn hoá, đạo đức đó thuộc lĩnh vực ý thức, tinh thần của đời sống con người nên trong quá trình tồn tại nó cũng chịu sự chi phối của các quy luật xã hội và tồn tại xã hội.

          2.2. Giá trị của gia đình Công giáo

          2.2.1. Gia đình bền vững

    Giá trị bền vững của gia đình là một trong những đặc trưng căn bản của đạo Công giáo Việt Nam. Giá trị này được biểu hiện ở rất nhiều nội dung khác nhau như vợ chồng chung thuỷ, ít ly dị, biết hoà giải, biết kìm chế và thông cảm lẫn nhau... Giá trị bền vững của gia đình Công giáo Việt Nam được hình thành trên những nền tảng sau đây:

          - Gia đình xây dựng trên cơ sở tình yêu chung thuỷ

    Ngay từ đầu người Công giáo đã cho rằng, Thiên Chúa ấn định mục đích của hôn nhân là vợ chồng trọn đời yêu thương nhau. Với ý thức kính Chúa họ duy trì sự gắn bó vợ chồng và coi đây như một ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng. Vì thế vợ chồng phải yêu thương nhau, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Khi có mâu thuẫn trong gia đình thì vợ chồng chủ động hoà giải, tránh tạo xung đột căng thẳng. Và đó là một trong những lý do vì sao hôn nhân Công giáo Việt Nam ổn định và ít ly dị hơn so với hôn nhân của người ngoài Công giáo.

    Quan niệm vợ chồng phải trọn đời chung thuỷ của người Công giáo một mặt nó bắt nguồn từ sự trung tín giữa Chúa Giêsu với Hội Thánh, mặt khác nó cũng có cơ sở từ truyền thống dân tộc của người Việt Nam. Là một dân tộc phương Đông, người Việt nói chung và người Việt Công giáo nói riêng thường có tâm lý ưa sự ổn định, ít thay đổi. Điều này được biểu hiện rõ trong đời sống hôn nhân, khiến cho tính trọn đời trung thuỷ của hôn nhân Công giáo càng có điều kiện bám rễ sâu ở dân tộc Việt Nam so với các dân tộc khác.

          - Gia đình là Hội Thánh tại gia. Điều này hoàn toàn khác với quan niệm coi gia đình là nơi ở, là quán trọ tá túc. Người Công giáo Việt Nam cho rằng, chính bí tích hôn phối đã giúp họ xây dựng gia đình mình thành một mái ấm hạnh phúc, nơi Thiên Chúa và tình yêu ngự trị. Để xây dựng Hội Thánh thu nhỏ này, các gia đình Công giáo Việt Nam được mời gọi sống nếp sống của Hội Thánh, tức là nếp sống đạo.

          - Quan hệ vợ chồng đơn nhất và bất khả phân ly

     Hôn nhân có hai đặc tính là đơn nhấtbất khả phân ly. Hôn nhân đơn nhất (đơn hôn), nghĩa là nhất phu nhất phụ (một vợ một chồng). Người Công giáo cho rằng, “Khi đã kết hôn, người nam không thể là chồng của người nữ nào ngoài vợ mình, và người nữ cũng không thể là vợ của người nam nào ngoài chồng mình”[10]. Đây là nét đặc thù của hôn nhân Công giáo, đặc tính này loại trừ chế độ đa thê (một chồng kết hợp với nhiều người vợ). Hôn nhân bất khả phân ly (vĩnh hôn), nghĩa là không thể ly dị. Người Công giáo quan niệm, “Khi người nam và người nữ đã kết hôn thành sự và hợp pháp, họ phải chung thuỷ với nhau trọn đời, không ai có thể tháo cởi dây hôn nhân đó”[11], vì đó là luật do Thiên Chúa thiết định. Đặc tính vĩnh viễn này loại trừ sự ly dị. Hai đặc tính này được thiết lập từ chuẩn mực của hôn nhân Công giáo, đó là sự kết hợp màu nhiệm giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh: biết yêu thương, kết hợp với nhau cho đến chết, sẵn sàng tha thứ những khuyết điểm của nhau và phải biết sống vì con cái. Giáo hội cho rằng quan hệ hôn nhân một vợ một chồng và vợ chồng phải chung thuỷ với nhau là quy luật đối với người Công giáo.

    Đặc tính đơn hôn và bất khả phân ly của hôn nhân Công giáo Việt Nam có giá trị văn hóa, đạo đức to lớn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Hôn nhân một vợ một chồng là kiểu hôn nhân tiến bộ nhất trong lịch sử nhân loại. Vì một khi Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly cho nên với người Công giáo hôn nhân là một việc trọng đại đòi hỏi đôi nam nữ cần phải có quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng và chuẩn bị lâu dài. Vì không có cơ hội tái hôn một khi đã thành sự nên hôn nhân Công giáo thường được xây dựng trên nền tảng tình yêu chân chính. Điều này khác hoàn toàn với kiểu tình yêu sét đánh và tình yêu thực dụng của giới trẻ trong thời kỳ cơ chế thị trường hiện nay.

      2.2.2. Gia đình có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên

    Trong gia đình Công giáo, khi đứa trẻ sinh ra, bố mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái một cách toàn diện. Chính sự dạy dỗ và quan tâm chăm sóc của bố mẹ đối với con cái đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Hàng ngày cả nhà cùng nhau đọc Kinh, cầu nguyện, dành thời gian bên nhau, quan tâm chăm sóc nhau là một nét đẹp văn hoá trong gia đình Công giáo Việt Nam. Giá trị này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi mà tất cả mọi người luôn bận rộn với công việc khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo và mất kiểm soát.

    Ngoài ra, lối sống của người Công giáo là sống và sinh hoạt theo cộng đoàn. Chính lối sống này là cơ sở tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình Công giáo, đây là một giá trị và cũng là một trong những đặc trưng cơ bản của gia đình Công giáo Việt Nam.

          2.2.3. Tôn trọng sự sống và yêu thương con người

    Tôn trọng sự sống và yêu thương con người là một trong những nguyên tắc và đặc trưng căn bản của đạo Công giáo và cũng là mục tiêu cao nhất của văn minh nhân loại. Đạo Công giáo Việt Nam có những quan niệm đúng đắn về vấn đề tôn trọng sự sống và yêu thương con người. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để hình thành lối sống giàu tính nhân văn của người Công giáo Việt Nam với những nội dung khác nhau như: vợ chồng có quan niệm nghiêm túc về vấn đề tạo sinh; bố mẹ giáo dục con cái yêu thương con người và sống có tình có nghĩa; không giết người và không xâm phạm thân thể người khác; bố mẹ giáo dục con có lối sống tích cực, không bi quan chán nản, biết trân trọng bản thân và trân trọng người khác...

    Yêu thương con người là một trong những giá trị căn bản của đạo Công giáo. Giá trị này có cơ sở từ Kinh Thánh, từ giáo lý, giáo luật và các văn kiện, tuyên ngôn, hiến chế… Nó được hình thành trong ý thức, quan niệm và lối sống của người Công giáo Việt Nam qua nhiều thế hệ.

    Trong Kinh Thánh, giá trị của Công giáo được tập trung chủ yếu ở Mười điều răn của Thiên Chúa, tựu lại có nội dung là kính Chúayêu người. Từ hai nội dung gốc rễ này mà các luân lý đạo đức giàu tính nhân văn của đạo Công giáo được hình thành.

    Tuy không phải là một học thuyết về đạo đức nhưng những triết lý của Kinh Thánh luôn răn dạy con người phải sống thiện. Một trong Mười điều răn trong Kinh Thánh là “không được giết người” [Đnl 5, 17]. Đây là quan niệm căn bản nhất để hình thành nên nhân sinh quan tích cực của người Công giáo mà nền tảng của nó là tôn trọng sự sống. Chúa nói với các tông đồ rằng: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết, ai giận anh em mình thì bị đưa ra toà” [Mt 5, 21-22]. Lời răn dạy của Giêsu thật đơn giản, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người. Đó cũng là phương châm sống được các bậc cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con cái của mình phải sống, hành động theo những điều răn của Chúa và Giáo hội.

    Với mỗi con người, sự sống là cái quý giá nhất cần phải trân trọng và được bảo vệ. Đồng thời với việc tôn trọng sự sống của bản thân là phải biết tôn trọng sự sống của người khác. Vì vậy, đã nhiều lần Chúa răn dạy con chiên của mình rằng “ngươi không được giết người” [Xh 20,13], “không được làm chứng dối hại người” [Đnl 5, 20] và “ai yêu người thì đã chu toàn lề luật” [Rm 13, 8].

          2.2.4. Gia đình là môi trường truyền thụ các giá trị văn hoá, đạo đức và tôn giáo; là chủ thể tích cực tham gia vào đời sống xã hội

    Giáo hội cho rằng, gia đình đóng một vai trò hoàn toàn độc đáo và không thể thay thế được trong việc dạy dỗ con cái. Gia đình là trường đạo giáo dục con cái trước khi bước vào trường đời. Thông qua giáo dục gia đình, các bậc phụ huynh đã giúp con em mình nhận thức được về tự do và trách nhiệm, nhờ việc giáo dục đó mà các giá trị căn bản của xã hội được truyền đạt, tiếp thu, lưu trữ và phát triển. Đây là một quan niệm đúng đắn và tiến bộ.

    Vì cho rằng “Gia đình đóng góp vào lợi ích xã hội một cách hết sức đặc biệt thông qua việc làm cha làm mẹ”[12] nên Giáo hội khẳng định sự bền vững của hạt nhân gia đình chính là nguồn gốc mang tính quyết định cho sự phát triển xã hội. Giữa gia đình và xã hội có mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ: tương lai nhân loại sẽ đi ngang qua gia đình; gia đình là nguồn gốc, nền tảng của xã hội, là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội, không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống. Chính từ gia đình mà các công dân được sinh ra và được nuôi dạy. Vì vậy, gia đình vừa là chủ thể tích cực tham gia vào đời sống xã hội, vừa là trường học đầu tiên về các nhân đức xã hội. Còn xã hội lại tạo ra những cơ chế, điều kiện để gia đình phát triển. Quan niệm này của Công giáo rất đúng đắn, phù hợp với quan niệm của Đảng và Nhà nước ta về mối quan hệ giữa gia đình và xã hội.

     Như vậy, tôn giáo có chức năng điều chỉnh hành vi con người. Người Công giáo Việt Nam, với niềm tin tôn giáo họ cho rằng mình đã được đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, vì thế trong cuộc sống gia đình họ luôn biết giữ gìn và thực hiện giới răn của Chúa. Họ cho rằng, cạm bẫy và những tệ nạn xã hội là những tội lỗi xô đẩy con người rơi xuống vực sâu và trở thành kẻ phản bội điều Thiên Chúa đã răn dạy. Trong quan niệm của họ, Thiên Chúa đầy quyền uy và đầy tình yêu thương nhân loại. Vì vậy, họ biết sợ để tránh xa tội lỗi, biết sám hối để xứng đáng với tình yêu thương của Chúa. Nhận thức này trở thành triết lý sống của người Công giáo Việt Nam, giúp họ có được căn tính Kitô hữu một cách rộng rãi về nhiều chiều kích khác nhau, tạo nên giá trị của Công giáo Việt Nam, trong đó có giá trị về hôn nhân, gia đình.

    Giá trị về gia đình của người Công giáo Việt Nam trước hết được thể hiện ở chỗ họ xây dựng gia đình là Hội Thánh tại gia với một đời sống đạo. Chính Thiên Chúa đã dùng quyền năng liên kết vợ chồng và nâng quan hệ đó lên hàng bí tích cao cả. Vì thế, khi kết hôn, người Công giáo đặc biệt đề cao về ý nghĩa thánh thiêng của hôn phối. Vợ chồng quan hệ chung thuỷ, bền vững suốt đời, biết yêu thương, chăm sóc nhau và cùng nhau sinh sản và nuôi dạy con cái.

    Người Công giáo Việt Nam đặc biệt coi trọng giáo dục gia đình, họ coi giáo dục gia đình là nền tảng cho việc phát triển của Giáo hội và xã hội. Nếu nền tảng đó được củng cố chắc chắn, Giáo hội và xã hội sẽ có một tương lai phồn thịnh và phát triển, hoặc ngược lại. Vì thế, gia đình được coi là trường học đầu tiên, nơi hình thành nhân cách và là nơi định hướng cho tương lai của một con người. Giáo dục gia đình của người Công giáo Việt Nam được xây dựng một cách hết sức rõ ràng và cụ thể, trong đó gia đình là nơi giáo dục đức tin, đức ái, là nơi dạy con cái sống theo lương tâm và sự thật, là nơi giáo dục các đức tính nhân bản cho con người, dạy cho con người biết tôn trọng và bảo vệ sự sống.

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

     Nguyên lý về sự phát triển đã chỉ ra rằng, sự vận động của xã hội trong tiến trình phát triển của nó đều có tính kế thừa.

    Ở Việt Nam hiện nay, đồng bào Công giáo chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong tổng dân số của nước ta (khoảng 7%). Nghiên cứu về đời sống của giáo dân chúng tôi thấy rằng hôn nhân, gia đình Công giáo Việt Nam có nhiều giá trị tích cực, gần gũi với truyền thống văn hoá dân tộc, vì vậy cần phải kế thừa và phát huy nó. Xét thấy giá trị nào không còn phù hợp thì loại bỏ, giá trị nào vẫn còn ý nghĩa trong xã hội hiện thời thì phát huy, bên cạnh đó cần phải phát triển thêm những giá trị mới cho phù hợp với con người và đời sống xã hội hiện nay. Tuy nhiên, việc kế thừa và phát huy những giá trị tích cực của hôn nhân, gia đình Công giáo ở Việt Nam hiện nay cũng gặp không ít những khó khăn, cản trở do vấp phải những thách đố sau đây:

- Thứ nhất, cộng đồng Công giáo bị phá vỡ do vấn đề di dân ra thành thị và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sự tìm kiếm công ăn việc làm và cơ hội phát triển kinh tế đã khiến một số giáo dân phải từ bỏ quê hương đến lập nghiệp tại nơi xa xôi, đất khách. Đây là một thách đố cho Giáo hội trong việc mục vụ gia đình, chăm sóc đời sống đức tin và thực hành giáo lý của các giáo dân trong xã hội hiện đại. Nó là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho nếp sống đạo của người Công giáo trở nên mờ nhạt.

- Thứ hai, vấn đề kết hôn với người khác tôn giáo. Xã hội phát triển cùng với nó là tự do hôn nhân được coi trọng. Con người trong xã hội hiện đại có thể vượt qua mọi trở ngại để đi theo tiếng gọi của tình yêu, trong đó có cả người Công giáo. Hiện nay số lượng người Công giáo Việt Nam kết hôn với người ngoài Công giáo, hoặc các hệ phái khác, các tôn giáo khác ngày một tăng lên, dẫn đến gia đình đa văn hoá - tôn giáo. Thực tiễn này chính là một trong những thách thức hiện nay cho Giáo hội trong việc duy trì tôn giáo toàn tòng.

- Thứ ba, vấn đề ly dị. Tỷ lệ ly hôn của người người Việt nói chung và người Công giáo Việt Nam tăng lên chính là bằng chứng rõ nhất cho thấy Giáo hội hiện nay đang đứng trước những thách đố không dễ gì vượt qua được. Đây là vấn đề nóng không chỉ của xã hội hiện nay mà còn của bản thân Giáo hội Công giáo, của mỗi gia đình Công giáo và mỗi giáo dân Việt Nam.

- Thứ tư, vấn đề hôn nhân đồng tính. Thế giới hiện nay vẫn còn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, thậm chí là trái chiều về hôn nhân đồng tính. Dù luật pháp có thừa nhận hay không thừa nhận thì hiện tượng này vẫn cứ diễn ra hết sức phổ biến trong thực tiễn xã hội, trong đó có cả người Công giáo Việt Nam.

- Thứ năm, vấn đề kế hoạch hoá gia đình; vấn đề nạo, phá thai… Những hiện tượng này đang có xu hướng tăng lên trong xã hội hiện đại đã và đang tạo nên những thách đố không dễ gì giải quyết cho xã hội nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng.

     Sở dĩ có những thay đổi trên là bởi vì, ngày nay do ảnh hưởng của khuynh hướng “duy thế tục”. Sự chuyển biến đó đã đặt ra những thách đố cho sự tồn tại và phát triển của các giá trị hôn nhân, gia đình Công giáo ở Việt Nam hiện nay. Chính những thách đố này đang phá vỡ các giá trị của hôn nhân, gia đình Công giáo, trong đó phải kể đến sự lung lay về tính chung thuỷ trong quan hệ vợ - chồng; tính bền vững của hôn nhân, gia đình; về bảo vệ và tôn trọng sự sống; về nuôi dạy con cái trong gia đình; về việc duy trì nếp sống đạo Công giáo trong gia đình… và khiến cho việc phát huy những giá trị của hôn nhân, gia đình trong cộng đồng người Công giáo Việt Nam hiện nay còn có nhiều hạn chế. Những hạn chế này một mặt có nguyên nhân từ những biến động của đời sống hôn nhân gia đình Công giáo như đã đề cập ở trên, mặt khác nó còn có nguyên nhân từ phía giáo quyền, phía tín đồ và do bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá thành quả cách mạng của chúng ta.

  1. KẾT LUẬN

    Qua quá trình nghiên cứu về giá trị văn hóa, đạo đức của hôn nhân và gia đình Công giáo ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi rút ra những kết luận sau đây:

  1. Triết lý sống của người Công giáo được dựa trên Kinh Thánh và hệ thống giáo lý, giáo luật của Hội Thánh. Việc các giáo dân thực hành nghiêm túc các giáo lí, giáo luật của Hội Thánh đã hình thành nhân sinh quan sống giàu tính nhân văn, tạo nên giá trị của hôn nhân, gia đình.
  2. Tôn giáo có chức năng kiểm soát hành vi con người. Trong cuộc sống hôn nhân, gia đình, người Công giáo Việt Nam biết giữ gìn và thực hiện giới răn của Chúa, điều này giúp họ có được căn tính Kitô hữu để chu toàn nhiệm vụ làm vợ làm chồng và trách nhiệm làm cha, làm mẹ.
  3. Người Công giáo Việt Nam được giáo dục tốt hơn về hôn nhân so với hôn nhân thế tục. Giáo hội Công giáo coi trọng việc trang bị kiến thức và kĩ năng cho những người chuẩn bị kết hôn. Đây là việc làm cần thiết và hiệu quả, vì coi trọng phòng chống rủi ro hơn là giải quyết hậu quả của rủi ro.
  4. Người Công giáo cho rằng, “một khi Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phép phân ly”, và vì không có cơ hội tái hôn một khi hôn nhân đã thành sự nên hôn nhân Công giáo thường được xây dựng trên nền tảng tình yêu chân chính, điều này khác với hôn nhân thực dụng rất phổ biến trong giới trẻ hiện nay.
  5. Khi hai vợ chồng Công giáo có trục trặc, họ chủ động giải quyết để duy trì cuộc hôn nhân do chính họ lựa chọn và được Thiên Chúa chúc phúc, chứ không phải là sự chạy trốn hay tìm cách kết thúc. Vì vậy, hôn nhân Công giáo có giá trị chung thủy và gia đình có tính bền vững cao…

    Bên cạnh những giá trị thì hôn nhân, gia đình Công giáo Việt Nam cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần phải được khắc phục. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập trong những nghiên cứu tiếp theo.

Đỗ Thị Ngọc Anh

(Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 10 (148) năm 2015)

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 51.

[2] Mel Thomson (2004), Triết học tôn giáo, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 291.

[3] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr 386.

[4] Ngô Đức Thịnh, 2003, một số quan điểm về hệ giá trị Văn hoá Việt Nam, tạp chí Văn học nghệ thuật, số tháng 7.

[5] Phạm Huy Thông (2012), Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hoá Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr 13.

[6] Hội đồng Giám mục Việt Nam (2012), Sách giáo lý của Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, số 1626.

[7] Hội đồng Giám mục Việt Nam (2012), Sách giáo lý của Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, số 1627.

[8] Hội đồng Giám mục Việt Nam (2012), Sách giáo lý của Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, số 1628.

[9] Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2013), Kỷ yếu khoa học xã hội: Phát huy giá trị tôn giáo nhằm xây dựng, nâng cao đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay - Thực trạng những vấn đề đặt ra và phương hướng, giải pháp, Hà Nội, tr 52.

[10] Tòa Giám mục Xuân Lộc (2006), Hôn nhân Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 10.

[11] Tòa Giám mục Xuân Lộc (2006), Hôn nhân Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 10.

[12]Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr 178.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây