Một số lưu ý, lời khuyên tới các thí sinh trước khi quyết định đăng kí nguyện vọng tuyển sinh đại học vào các ngành học tại trường ĐHKHXH&NV năm 2022

Thứ năm - 11/08/2022 09:12
Một số lưu ý, lời khuyên tới các thí sinh trước khi quyết định đăng kí nguyện vọng tuyển sinh đại học vào các ngành học tại trường ĐHKHXH&NV năm 2022
Ngày 31/7 vừa qua, Bài Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tài bài phỏng vấn PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV). Với kinh nghiệm rất nhiều năm làm công tác đào tạo, tuyển sinh, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương đã đưa ra những dự báo về việc có sự khác biệt lớn về điểm chuẩn của một số ngành "hot" với các ngành khoa học cơ bản khác, đồng thời đưa ra những lời khuyên, kinh nghiệm cho các sĩ tử trước khi hoàn thành việc đăng kí nguyện vọng xét tuyển đại học vào trường ĐHKHXH&NV. USSH Media xin trân trọng giới thiệu tới Quý độc giả toàn văn bài phóng vấn.
Ngày 27/7/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành thông báo số 2495/TB-ĐHQGHN về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 20 điểm (chưa nhân hệ số), đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có). Đây cũng là mức chuẩn chung của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương, công tác tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn năm nay có điểm gì mới so với mọi năm (ngành tuyển sinh mới, chỉ tiêu thay đổi giữa các phương thức…)?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển sinh 1.680 chỉ tiêu với 31 ngành/chương trình đào tạo và về cơ bản giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm trước, chỉ có một số điểm đổi mới và điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi trong quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Cụ thể gồm:

Điều chỉnh điều kiện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, điều kiện ngoại ngữ với các chương trình đào tạo chất lượng cao, điều kiện điểm thi Trung học phổ thông với nhóm đối tượng có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo hướng nâng cao chất lượng nguồn tuyển sinh đầu vào.

Năm 2022, năm đầu tiên triển khai thí điểm dành các suất học bổng và hỗ trợ cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản của Nhà trường theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học cho 09 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Văn học.

Năm nay, Nhà trường cũng triển khai hình thức đăng ký trực tuyến với các phương thức xét tuyển riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phù hợp với cách thức đăng ký tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh những điểm mới trên, các thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay cũng cần hết sức lưu ý đến các điểm đổi mới và điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tránh sai sót và lựa chọn được đúng ngành học mình yêu thích.

Ảnh Hương 3 (1)

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương 

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm điểm thi trung học phổ thông 2022 cho thấy có nhẹ so với năm 2021. Điều này có ảnh hưởng đến điểm chuẩn dự kiến vào Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn không, thưa cô?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều điều chỉnh để tránh việc ‘mưa điểm 10”, nhưng và có một số môn có sự điều chỉnh khá rõ, như môn tiếng Anh. Nếu năm ngoái tỷ lệ bài đạt 8 điểm trở lên là 18,3% thì năm nay, tỷ lệ này là 11,9%.

Tuy nhiên, về cơ bản, điểm thi trung học phổ thông năm nay vẫn khá cao, một số tổ hợp xã hội nhân văn có thể còn tăng hơn so với năm ngoái.

Ví dụ, môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên là 414.969/981.407, đạt 42,28%, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 41,7%.

Môn Lịch sử, năm 2021 chỉ có 266 điểm 10 và số điểm 8 trở lên là 5,44%, thì năm nay có tới 1.779 điểm 10 và tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 119.601/659.667, đạt 18,1%.

Năm nay, ngưỡng đầu vào đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là 20 điểm (chưa nhân hệ số), đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có). Đây cũng là mức chuẩn chung của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Xu hướng các trường đa dạng các phương thức xét tuyển, ưu tiên các thí sinh có thành tích học tập tốt, chứng chỉ quốc tế hoặc tham gia các kỳ thi riêng do trường tổ chức là xu thế tất yếu nếu kỳ thi trung học phổ thông vẫn giữ mục tiêu chính để xét tốt nghiệp như hiện nay.

Ở khía cạnh thuận lợi, các thí sinh hiện này có rất nhiều lựa chọn trường, ngành học phù hợp với thành tích học tập và sở thích, khả năng của bản thân. Sự cạnh tranh cao chủ yếu xuất hiện ở các trường top đầu, các ngành học “hot” nên các thí sinh có kết quả học tập không cao vẫn có cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường, các ngành học có tính cạnh tranh ít hơn.

Bên cạnh cơ hội rộng mở, thí sinh sẽ đối mặt với thách thức trong việc tìm hiểu thông tin, lựa chọn nguyện vọng phù hợp cho bản thân. Vì vậy, các em thí sinh cần chủ động tìm hiểu và nắm vững các quy định tuyển sinh để phân tích, đăng ký nguyện vọng phù hợp với thành tích học tập của mình.

Năm 2021, một số ngành của Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn có điểm chuẩn cao như Báo chí (28 điểm); Đông Phương học (29 điểm), Quốc tế học (28,8 điểm)… vậy năm nay nhà trường có dự báo thế nào về sự biến động điểm chuẩn của các ngành này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tuyển sinh 31 ngành/chương trình đào tạo với phổ điểm trúng tuyển rộng, có sự khác biệt lớn giữa nhóm ngành “hot” có nhu cầu xã hội cao như Báo chí, Quan hệ công chúng, Đông phương học,.. và các ngành khoa học cơ bản kén người học hơn.

Cách thức đăng ký xét tuyển đại học hiện nay đang tạo điều kiện tối đa cho các bạn thí sinh lựa chọn ngành học theo sở thích, khả năng và kết quả học tập của bản thân. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên các bạn thí sinh cần nhớ là phải đặt nguyện vọng yêu thích nhất của mình lên trên, ưu tiên những ngành các em yêu thích hoặc có sở trường/năng lực tốt nhất rồi mới đến các nguyện vọng có tính chất “dự phòng”.

Đặc biệt nếu kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông không quá cao, các bạn thí sinh nên tránh đăng ký nguyện vọng theo số đông, không nên chỉ tập trung vào các ngành học “hot” có nhiều bạn đăng ký để tránh trường hợp mất cơ hội trúng tuyển đại học.

Hiện nay, xu hướng xây dựng chương trình đào tạo ở các trường đều có tính liên thông – liên kết cao, nhiều trường triển khai mô hình học cùng lúc 2 chương trình đào tạo (bằng kép) cho sinh viên trong đó có Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, vì vậy thí sinh có thể lựa chọn phương án đăng ký nguyện vọng vào một số ngành học của trường để tăng cơ hội đỗ đại học rồi tiếp tục học thêm ngành thứ 2 trong quá trình học tập tại trường.

Cô có lời khuyên nào tới các thí sinh trong việc đặt nguyện vọng khi năm nay tất cả các phương thức sẽ xét tuyển chung 1 lần?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, nhiều thí sinh đã sử dụng các phương thức xét tuyển sớm riêng của từng trường. Tuy nhiên, thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần tra cứu kỹ thông tin về mã trường, mã tuyển sinh, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp được cơ sở đào tạo công khai trong đề án tuyển sinh.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo trên đề án tuyển sinh và thực hiện các quy định của cơ sở đào tạo về điều kiện, hồ sơ, quy trình, thời gian dự tuyển. Thí sinh tuyệt đối không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo hay phương thức tuyển sinh mà không đủ điều kiện.

Các thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển ra sao để đỗ được trường đại học mong muốn?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Sau khi biết kết quả thi và tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường dự định đăng ký, thí sinh sẽ cân nhắc và xem xét để đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các em lưu ý một số nguyên tắc sau:

Không hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký: Theo đó, thí sinh hãy đặt nguyện vọng yêu thích nhất của mình lên trên, rồi ưu tiên theo thứ tự từ trên xuống dưới. tuyệt đối KHÔNG ưu tiên đưa lên nguyện vọng 1, 2 những ngành chắc chắn đỗ, vì như vậy sẽ làm giảm quyền lợi của các em. Hãy ưu tiên những ngành các em yêu thích hoặc có sở trường/năng lực tốt nhất.

Lưu ý các quy định riêng trong xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông của các trường (có thể có những giới hạn về mức điểm, điều kiện phụ trong đăng ký xét tuyển), tránh bỏ phí một nguyện vọng hoặc bị loại vì các điều kiện này khi nhập học.

Nếu một nguyện vọng phía trên bị trượt thì không ảnh hưởng đến các nguyện vọng bên dưới. Vì vậy, nếu các ngành học yêu thích của mình đều là những ngành “hot” thì thí sinh nên có một số phương án dự phòng để nguyện vọng vào các ngành học có mức điểm chuẩn các năm trước thấp hơn kết quả thi trung học phổ thông của bản thân.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Đặng Thị Thu Hương.

Tác giả bài viết: Ngô Hiển.
Link bài trên Báo Điện từ Giáo dục VIệt Nam: https://giaoduc.net.vn/se-co-su-khac-biet-lon-ve-diem-chuan-giua-nganh-bao-chi-va-khoa-hoc-co-ban-post228422.gd

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây